| Hotline: 0983.970.780

Biên giới Pa Vệ Sử phát triển kinh tế dưới tán rừng

Thứ Sáu 31/03/2023 , 21:27 (GMT+7)

Trồng dược liệu quý dưới tán rừng mở ra cơ hội cho bà con vùng biên Pa Vệ Sử thoát nghèo, cuộc sống ấm no hơn.

Những đỉnh núi cao ở Pa Vệ Sử có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp để trồng sâm Lai Châu. Ảnh: H.Đ.

Những đỉnh núi cao ở Pa Vệ Sử có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp để trồng sâm Lai Châu. Ảnh: H.Đ.

Cơ hội thoát nghèo của bà con vùng cao

Ông Pờ Và Hừ, ở bản Xín Chải B, xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, Lai Châu) chia sẻ, từ hàng chục năm trước, bà con vùng cao Pa Vệ Sử sử dụng sâm Lai Châu như một vị thuốc, bồi bổ sức khỏe. Song sâm ở tự nhiên càng ngày càng ít, nên bố ông mang những cây con về trồng tại vườn nhà.

Khi đó việc thuần dưỡng sâm rừng gặp khó khăn, không có kỹ thuật chăm sóc, cây chết nhiều. Qua những lần thất bại, bố của ông cũng đã trồng thành công vườn sâm, nhân giống từ hạt già... rồi tiếp tục mang trồng các cây con.

Cho đến nay, gia đình ông Pờ Và Hừ đã trồng được vườn sâm rộng khoảng 2.000m2 với khoảng 1.200 cây sâm. Cây sâm ngày càng có giá trị, chính vì vậy ông Pờ Và Hừ nhận thấy trồng sâm cũng là một hướng phát triển kinh tế gia đình.

Ông Pờ Và Hừ cho biết, muốn cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt phải bảo vệ cây, làm nhà lưới có mái che; Áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ những lớp tập huấn. Thấy hiệu quả từ trồng sâm Lai Châu, bà con xung quanh đến nhà ông Pờ Và Hừ học để làm theo.

Cho đến nay, bản Xín Chải B có 57 hộ thì có tới 45 hộ trồng sâm. Nhiều gia đình trong thôn có kinh tế khá giả, xây được nhà, mua tivi, tủ lạnh... là nhờ thu nhập từ cây sâm. Không chỉ trồng sâm ở vườn nhà mà bà con còn trồng sâm dưới những tán rừng.

Theo ông Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sử, việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia trồng sâm nên diện tích sâm trên địa bàn xã đã được mở rộng nhanh chóng. Trong đó, có nhiều hộ đã chủ động trồng sâm từ 4-5 năm trước và hiện nay đã có thu nhập từ lá, củ sâm...

"Cây sâm là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao. Việc trồng, nhân rộng và bảo tồn sâm không chỉ giúp ổn định cuộc sống của các hộ gia đình vùng cao mà còn gắn với bảo vệ biên giới", theo ông Lò Phù Mé.

Ước tính hiện nay xã Pa Vệ Sử có khoảng 15ha sâm Lai Châu do người dân và các doanh nghiệp liên kết trồng với gần 100 vườn… 

Sâm Lai Châu được bà con Pa Vệ Sử gieo trồng. Ảnh: H.Đ

Sâm Lai Châu được bà con Pa Vệ Sử gieo trồng. Ảnh: H.Đ

Cụ thể hóa chủ trương để phát triển kinh tế rừng

Để đẩy mạnh, mở rộng diện tích trồng sâm UBND tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng. Đáng chú ý, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Lai Châu xác định bảo tồn nguồn gen cây sâm Lai Châu có phân bổ trong tự nhiên với diện tích khoảng 100ha. Hỗ trợ đầu tư, xây dựng 5 cơ sở sản xuất giống, 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu sâm Lai Châu tập trung, chất lượng.

Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô diện tích trồng sâm toàn tỉnh trên 3.000 ha. Thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm sâm Lai Châu tại những vùng nguyên liệu tập trung. Có ít nhất 1 nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm từ cây sâm Lai Châu.

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu đã tổ chức các hoạt động nhằm thu hút doanh nghiệp và hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng sâm Lai Châu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương như: Hội chợ sâm Lai Châu; Hội chợ xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu vào tháng 11/2022; Diễn đàn mùa xuân về phát triển sâm Lai Châu (tháng 2/2023)…

Tuy nhiên, theo tỉnh Lai Châu, các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng hiện nay chưa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng và sống với nghề rừng. Do vậy, tỉnh Lai Châu hiện đang đề xuất về đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nhất là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; Đề án phát triển cây sâm Việt Nam trong đó có sâm Lai Châu.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.