Coi thường an toàn hồ đập
Thanh tra tỉnh Lai Châu đã chỉ ra sai phạm tại 4 dự án thủy điện gồm: Thủy điện Nậm Na 1 (Công ty Cổ phần Điện lực Tây Bắc là chủ đầu tư); thủy điện Nậm Ban 2 (Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Ban 2 là chủ đầu tư); thủy điện Nậm Nghẹ (Công ty Điện lực Lai Châu đại diện chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, quản lý phần xây lắp); thủy điện Nậm Cấu 2 (Công ty Cổ phần Kinh doanh xi măng miền Bắc là chủ đầu tư).
Theo đó, tiến độ thực hiện dự án kéo dài nhất là thủy điện Nậm Na 1, Nậm Cấu 2.
Chủ đầu tư thủy điện Nậm Cấu 2 chậm trễ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự án này đi vào hoạt động, phát điện thương mại nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu hoàn thành để Sở Công thương tỉnh Lai Châu ban hành thông báo theo quy định.
Mặc dù việc phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhất là các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc cho người lao động hết sức quan trọng, tuy nhiên chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Na 1 lại không đảm bảo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật An toàn vệ sinh lao động.
Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện, chủ đầu tư thủy điện Nậm Na 1, Nậm Ban 2, Nậm Cấu 2 chưa lập cơ sở dữ liệu hồ đập, hồ chứa thủy điện.
Ngoài ra, thủy điện Nậm Na 1, Nậm Nghẹ, Nậm Cấu 2 còn chưa lắp đặt quan trắc khí tượng thủy văn. Ngay việc đơn giản như cắm các biển cảnh báo trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước và vùng hạ du thì chủ đầu tư thủy điện Nậm Cấu 2 cũng không thực hiện…
Có thể thấy, những năm gần đây, các nhà máy thủy điện ở Lai Châu phát triển dày đặc. Trong khi, các dự án đều xây dựng ở vùng cao do đó không thể chủ quan, xem nhẹ vấn đề an toàn hồ, đập nhất. Bởi nếu có sự cố xảy ra, lượng nước trút xuống vùng thấp rất lớn, gây hậu quả khôn lường.
“Nóng” bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công, đơn vị quản lý điều hành dự án đã có những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nhất là trong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án thuỷ điện.
Công ty Cổ phần Điện lực Tây Bắc - chủ đầu tư thuỷ điện Nậm Na 1 chủ động phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị bồi thường đất canh tác của 7 hộ dân tại xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ).
Đặc biệt là Công ty Cổ phần Kinh doanh xi măng miền Bắc - chủ đầu tư thuỷ điện Nậm Cấu 2 cùng chính quyền địa phương giải quyết kiến nghị của 53 hộ dân bản Nậm Cấu, xã Bum Tở (huyện Mường Tè) về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, hoa màu, tài sản của họ bị ảnh hưởng do xây dựng thủy điện gây ra.
Có thể thấy, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng thuỷ điện luôn “nóng”, bởi sự xuất hiện của các dự án, người dân bản địa phải đánh đổi vì lợi ích chung, do đó chủ đầu tư cần giải quyết dứt điểm để tránh gây bức xúc.
Ngoài ra, các chủ đầu tư còn thi công các hạng mục công trình dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất theo quy định gồm hạng mục. Cụ thể, nhà điều hành dự án thuỷ điện Nậm Na 1, Nậm Cấu 2; Hầm dẫn nước dự án thuỷ điện Nậm Ban 2, Nậm Cấu 2 đã được xây nhưng chưa đảm bảo quy định như nêu trên.
Theo Thanh tra tỉnh Lai Châu, việc kê khai, nộp và thực hiện các thủ tục về miễn, giảm tiền thuê đất chưa đảm bảo dẫn đến tổng số tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải truy thu theo quy định là trên 595 triệu đồng đối với các chủ đầu tư gồm Công ty Cổ phần Điện lực Tây Bắc, Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Ban 2, Công ty Cổ phần Kinh doanh xi măng miền Bắc.
Riêng Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Ban 2 - chủ đầu tư dự án thuỷ điện Nậm Ban 2 nợ tiền dịch vụ môi trường rừng tính đến ngày 10/12/2020 là trên 1,8 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là chủ đầu tư này cố tình trây ỳ chậm nộp hay không đủ năng lực khi thực hiện dự án?