| Hotline: 0983.970.780

Những khu mỏ bủa vây làng bản và ruộng đồng ở Yên Bái

Thứ Ba 18/08/2020 , 08:10 (GMT+7)

Yên Bái có nhiều công ty khai thác, chế biến khoáng sản, những bãi thải của mỏ đều nằm trên các sườn núi cao, là những quả “bom bùn” treo trên đầu nhiều thôn bản…

Ruộng đồng, mương máng, đường sá bị bùn đất từ khai trường mỏ đổ xuống vùi lấp. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ruộng đồng, mương máng, đường sá bị bùn đất từ khai trường mỏ đổ xuống vùi lấp. Ảnh: Hoàng Hữu.

Cả chục năm nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, không mùa mưa bão nào là không xảy ra vỡ đập chứa bùn thải của các nhà máy chế biến quặng sắt, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống các thôn bản và ruộng đồng, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Rồi xe chở quặng trọng tải 70-80 tấn ngày đêm cày nát các con đường. Mùa mưa thì lầy lội, đường sá đầy những ổ trâu, ổ voi, mùa khô bụi mù trời, những gia đình ở gần đường phải che chắn đủ kiểu nhưng bụi vẫn phủ kín đồ đạc, giường chiếu.

Người dân sống quanh các khu mỏ ngày đêm nơm nớp lo sợ đất đá trên các khu mỏ đang khai thác hay đã tạm dừng đổ xuống bất cứ lúc nào, dù trời nắng hay mưa. Nhiều người cứ ngỡ đang sống trên cửa địa ngục, tử thần có thể lôi họ đi bất cứ lúc nào mà không hề hay biết.  

Bà Lương Thị Hằng ở thôn 2 Núi Vì, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên nằm ngay dưới chân mỏ của nhà máy tuyển quặng sắt núi 300 thuộc Công ty CP khai khoáng Minh Đức kể lại trận mưa ngày 4/8/2020 như sau: Mấy hôm trước trời đã mưa, sáng hôm ấy mưa to quá nên chúng tôi không đi làm được, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài cánh đồng, bỗng nhiên nghe tiếng nước chảy ào ào từ khu mỏ xuống mỗi lúc mỗi to, cái mương nước trước nhà đục ngầu toàn bùn đất.

Loáng cái bùn đất tràn vào gầm sàn, ngập hết mấy cái xe máy và đồ đạc để dưới gầm sàn. Vịt gà nhốt dưới đó chạy táo tác, nhìn ra ngoài đường, các công tơ điện treo ngang cây cột điện cũng bị dòng lũ bùn từ trên khu mỏ đổ xuống ngập hết. Tôi không dám xuống chạy đồ đạc bị bùn đất vùi lấp, sợ bị chập điện đành ngồi trên nhà nhìn xuống…

Trận lũ bùn đá do vỡ đập thải của Cty CP khai khoáng Minh Đức chẳng khác gì trận đại hồng thủy vừa quét qua, một vùng đỏ loét toang hoác, hàng ngàn khối bùn đất đá từ trên núi cao đổ xuống tràn vào hai ngôi nhà dân dưới chân đập và 2,6 ha lúa bị vùi lấp.

Hiện trường vỡ đập bãi thải của Cty CP khai khoáng Minh Đức đổ xuống thôn 2 Núi Vì ngày 4/8/2020. Ảnh: Hoàng Hữu.

Hiện trường vỡ đập bãi thải của Cty CP khai khoáng Minh Đức đổ xuống thôn 2 Núi Vì ngày 4/8/2020. Ảnh: Hoàng Hữu.

Không ai có thể hình dung nổi vừa mới đây thôi cánh đồng thôn 2 Núi Vì lúa xanh rì đang thì con gái, một vùng quê đẹp như tranh thấp thoáng những ngôi nhà sàn bị đất đá san phẳng, giờ chỉ còn màu đất đỏ.

Bà Lương Thị Hằng ngao ngán: Rất may là vụ vỡ bùn thải không đổ thẳng vào nhà, nếu đổ thẳng vào nhà chắc nhà tôi bị vùi lấp hết không chạy được thứ gì. Còn bây giờ, ruộng đồng bị lấp hết vụ tới không biết lấy gì để ăn…

Tất cả các khu mỏ khai thác quặng sắt của huyện Trấn Yên và Văn Chấn đều là những quả “bom bùn” treo trên các sườn núi cao có thể vỡ bất cứ lúc nào. Các khai trường không thể chở đất đi xa, họ đều chặn các khe suổi, eo núi làm nơi đổ đất thải sau khi bóc ra.

Trời mưa xuống, nước từ trên khai trường và trên núi cao dồn xuống tích tụ ở các khu đất thải, biến nó thành những quả “bom bùn” khổng lồ hàng ngàn mét khối. Khi bờ chắn không chịu nổi, những quả “bom bùn” nổ tung tạo thành trận lũ bùn đá khủng khiếp tràn xuống những thôn bản phía dưới và ruộng đồng của dân.

Phai Làng thôn Kim Bình bị san phẳng. Ảnh: Thái Sinh.

Phai Làng thôn Kim Bình bị san phẳng. Ảnh: Thái Sinh.

Người dân xã Lương Thịnh còn nhớ chiều ngày 30/9/2014 quả “bom bùn” 5.000m3 nổ tung, phá vỡ thân đập hồ chứa thải quặng thứ ba của Cty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (Cty Tây Bắc).

Toàn bộ số bùn đó đổ thẳng xuống cánh đồng của thôn Lương Thiện vùi lấp hơn 2,3 ha lúa của 32 hộ dân sắp gặt, tràn vào chợ Lương Thịnh và một số hộ dân thôn Đoàn Kết, cô lập 3 hộ dân thôn Lương Thiện, vỡ đường ống dẫn nước và làm đổ cột điện của một số hộ dân.

Người dân quá bức xúc do Cty Tây Bắc không thống nhất được mức đền bù thiệt hại, nên họ đã rào đường, giữ máy móc và không cho Cty chở quặng ra khỏi địa bàn. Vụ vỡ hồ bùn thải của Cty Tây Bắc mấy năm sau mới được giải quyết.

Tiếp đến vụ vỡ đập thải của Cty CP khoáng sản Hưng Phát rạng sáng ngày 20/7/2018, đã tràn vào cánh đồng lúa của thôn Phương Đạo II, xã Lương Thịnh đã vùi lấp 2,3 ha ruộng lúa cấy hai vụ. Sau sự cố vỡ đập, 20 ngày sau Cty vẫn không có động thái nào biểu hiện đền bù, khiến người dân vô cùng bức xúc, họ phải chặn xe, rào đường không cho xe chở quặng về nhà máy.

Người dân thôn Kim Bình đào đất đá trong lòng mương khơi dòng chảy. Ảnh: Thái Sinh.

Người dân thôn Kim Bình đào đất đá trong lòng mương khơi dòng chảy. Ảnh: Thái Sinh.

Trước sức ép của người dân buộc Cty Hưng Phát phải ngồi với người dân thôn Phương Đạo II tổ chức thỏa thuận việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại diện tích ruộng do bị bùn thải quặng vùi lấp, mức hỗ trợ 45 triệu/sào/15 năm, khi đó dân mới chịu nghe.

Trận mưa từ ngày 4/8 kéo sang ngày 5/8/2020 khu vực các xã: Hưng Khánh, Hồng Ca, Hưng Thịnh thuộc huyện Trấn Yên, lượng mưa đo được tại Hồng Ca là 176mm, nước ồng ộc từ các khai trường mỏ quặng đổ xuống, kéo theo đất đá từ các bãi thải quặng lấp đầy các con suối, các công trình thủy nông bị san phẳng, kênh mương bị vùi lấp, hệ thống tưới bị tê liệt hoàn toàn.

Ông Trần Đức Bảy, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Tân Phú kêu trời: "Mỗi trận mưa xuống các công trình thủy lợi nằm xung quanh các mỏ quặng đều bị vùi lấp, không sức nào chịu nổi…"

Khi PV báo Nông nghiệp Việt Nam đến tận thôn Kim Bình, xã Hưng thịnh nằm kẹp dưới hai khu mỏ của Cty Tây Bắc và Cty Hoà Yên. Bà Hà Thị Nội, trưởng thôn Kim Bình cho biết: Mỏ của Cty Hòa Yên đã dừng khai thác mấy năm nay, không biết họ chuyển nhượng cho ai, còn Cty Tây Bắc cũng không rõ đã bán mỏ cho ai, nhưng từ đầu năm nay không thấy khai thác. Cứ mỗi trận mưa xuống đất đá từ trên khu mỏ trôi xuống lấp phẳng thủy lợi Phai Làng. Toàn đá không thể đào bằng xẻng được, mà phải thuê máy múc về múc, mỗi năm hai lần, cực không thể nào tả nổi…

Nhà máy tuyển quặng của Cty Minh Đức. Ảnh: Thái Sinh.

Nhà máy tuyển quặng của Cty Minh Đức. Ảnh: Thái Sinh.

Thôn Kim Bình có 22 ha lúa hai vụ, thủy lợi Phai Làng cung cấp nước tưới cho 15 ha và ao cá của các hộ dân. Khi mỏ của Cty Tây Bắc và Cty Hòa Yên đi vào khai thác thì nguồn nước cạn kiệt. Vụ mùa nhờ có mưa thì tạm đủ nước, còn vụ xuân năm nào nắng lâu ngày thì không đủ nước tưới. Năng suất cũng phập phù, vụ thì được 2 tạ/sào có vụ chỉ được 1,5 tạ/sào, người dân bức xúc lắm.

Bà Nội cho biết thêm: Năm nay chắc do dịch Covid-19 họ không bán được quặng, nên không thấy khai thác, dân chúng tôi cũng không biết trụ sở họ ở đâu mà đến kêu. Mọi năm, khi công trình thủy lợi bị lấp, chúng tôi bắt họ xuống múc trả cho dân, hót cả ở trên suối nữa. Nếu không hót, lòng suối bị đất đá vùi lấp đầy lên nước lũ tràn vào ruộng…

Phai xây trên suối Phai Làng bị phá hủy, dân đắp bằng bao cát cũng bị lũ thổi bay.

Phai xây trên suối Phai Làng bị phá hủy, dân đắp bằng bao cát cũng bị lũ thổi bay.

Anh Nguyễn Văn Phúc, cụm trưởng cụm thủy nông các xã Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Lương Thịnh dẫn tôi đi dọc dòng suối Phai Làng chỉ công trình xây dẫn nước vào ruộng đã bị san phẳng. Đến mùa cày cấy, bà con lại phải cho đất vào các bao tải đắp lên để lấy nước vào ruộng. Trận lũ ngày 5/8/2020 đã quét sạch, chỉ còn vài bao cát nằm cạnh bờ.

Bà Hà Thị Nội trưởng thôn Kim Bình trước thủy lợi Phai Làng.

Bà Hà Thị Nội trưởng thôn Kim Bình trước thủy lợi Phai Làng.

Làm việc với ông Đinh Đình Hà - Phó Chủ tịch xã Hưng Thịnh, ông Hà cho biết: Xã Hưng Thịnh có 122 ha ruộng nước nuôi sống 620 hộ dân, các khai trường mỏ đều nằm trên các sườn núi, vào mùa mưa bão lãnh đạo xã không ai ngủ yên vì sợ sạt lở đất từ các khu mỏ xuống nhà dân…

Thôn Kim Bình nằm dưới chân mỏ Tây Bắc, nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào. Ảnh: Thái Sinh.

Thôn Kim Bình nằm dưới chân mỏ Tây Bắc, nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào. Ảnh: Thái Sinh.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.