| Hotline: 0983.970.780

Những kinh nghiệm quý giá trong xử lý đột quỵ, phản vệ

Thứ Sáu 25/11/2022 , 17:27 (GMT+7)

Chiều 25/11, Hội thảo Khoa học cập nhật về thăm dò huyết động đột quỵ não và sốc phản vệ trong hồi sức cấp cứu chống độc đã được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo Khoa học cập nhật về thăm dò huyết động đột quỵ não và sốc phản vệ trong hồi sức cấp cứu chống độc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo Khoa học cập nhật về thăm dò huyết động đột quỵ não và sốc phản vệ trong hồi sức cấp cứu chống độc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ứng dụng những công nghệ mới trong cấp cứu đột quỵ

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và Hội Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tổ chức Hội thảo Khoa học cập nhật về thăm dò huyết động đột quỵ não và sốc phản vệ trong hồi sức cấp cứu chống độc.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu các kỹ thuật hiện đại của chuyên ngành hồi sức cấp cứu chống độc tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cập nhật các kỹ thuật thăm dò huyết động trong hồi sức tích cực, cập nhật chẩn đoán và xử lý đột quỵ thiếu máu não cấp, cập nhật chẩn đoán - xử lý phản vệ và sốc phản vệ.

Theo PGS. TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Việt Nam, Hội thảo là dịp để cung cấp những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức và đột quỵ. Trong những lĩnh vực này, từ trước đến nay có rất nhiều giải pháp. Đặc biệt, những năm gần đây đã có nhiều kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới xử lý các trường hợp cấp cứu đột quỵ, sốc phản vệ.

PGS. TS. Hà Hữu Tùng (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các chuyên gia tham gia Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

PGS. TS. Hà Hữu Tùng (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các chuyên gia tham gia Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Các kiến thức đó cần phải được cập nhật thường xuyên. Tại Hội thảo ngày hôm nay, các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin được cập nhật từ những Bệnh viện trong nước cũng như quốc tế đã ứng dụng những công nghệ mới để việc cấp cứu trở nên hiệu quả hơn”, PGS. TS. Hà Hữu Tùng chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Hà Hữu Tùng cũng cho biết, hiện nay, khâu cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp có những phương pháp như tiêu sợi huyết, lấy máu tụ…

“Bệnh viện cũng có những máy móc chuẩn đoán sớm để biết được thời điểm ‘vàng’, thời gian cần thiết cần sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, lấy máu tụ hay phối hợp vừa tiêu sợi huyết vừa lấy máu tụ và những thiết bị hỗ trợ công tác hồi sức, cấp cứu khác như máy PiCCO đo áp lực động học trong lòng mạch, trong các chức năng của tim mà không cần xâm lấn, máy siêu âm, máy đo huyết động trong lòng mạch và buồng tim mới nhất không cần can thiệp…”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp thông tin.

“Những đối tượng từ 45 tuổi trở lên có bệnh lý về huyết áp, tiểu đường sẽ có nguy cơ cao xảy ra đột quỵ. Những dấu hiệu ban đầu của đột quỵ là rối loạn về cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn các cơ quan như thính giác, thị giác… Khi xảy ra những dấu hiệu của đột quỵ, cần phải đi khám ngay, càng sớm càng tốt”, PGS. TS. Hà Hữu Tùng đưa ra khuyến cáo.

Những lưu ý trong xử lý phản vệ

Chia sẻ thông tin về chẩn đoán và xử lý phản vệ tại Hội thảo, PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cho biết, phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nhanh chóng. Do vậy, phản vệ cần phải được chẩn đoán sớm, chỉ định điều trị sớm có vai trò quyết định.

PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn chia sẻ thông tin về chẩn đoán và xử lý phản vệ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn chia sẻ thông tin về chẩn đoán và xử lý phản vệ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các biểu hiện ở da, niêm mạc thường bắt gặp ở 80 – 90% số bệnh nhân phản vệ. Cụ thể là các biểu hiệu đỏ da, ngứa, nổi mày đay, phù mạch; ngứa, phù, mẩn đỏ quanh mắt, kết mạc đỏ; ngứa, phù môi, lưỡi.

Các biểu hiện hô hấp thường bắt gặp ở khoảng 70% bệnh nhân phản vệ. Cụ thể là các biểu hiện ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi; nói khàn, nói khó, đau họng, thở rít, ho; thở nhanh, nông, chẹn ngực, ho, co thắt phế quản; tím; ngừng thở.

Các biểu hiện tim mạch thường gặp ở khoảng 45% bệnh nhân phản vệ. Cụ thể là biểu hiện đau ngực; nhịp nhanh, nhịp chậm, loạn nhịp, đánh trống ngực; hạ huyết áp, mạch nhỏ, đại tiểu tiện không tự chủ, sốc; ngừng tim.

Các biểu hiện tiêu hóa sẽ gặp ở khoảng 45% bệnh nhân phản vệ với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy.

Phản vệ cần phải được chẩn đoán sớm, chỉ định điều trị sớm có vai trò quyết định (Ảnh minh họa).

Phản vệ cần phải được chẩn đoán sớm, chỉ định điều trị sớm có vai trò quyết định (Ảnh minh họa).

Phản vệ được phân thành 4 mức độ. Độ 1 với mức độ nhẹ chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

Độ 2 với mức độ nặng có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; Đau bụng, nôn, ỉa chảy; Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

Độ 3 với mức độ nguy kịch biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như đường thở tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; tuần hoàn sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

Độ 4 với mức độ ngừng tuần hoàn có biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

“Phản vệ độ 2 có thể nhanh chóng chuyển sang độ 3, độ 4. Vì vậy, phải khẩn trương, xử lý đồng thời theo diễn biến bệnh. Cụ thể, cần ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên. Tiêm hoặc truyền adrenalin. Cho người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn. Thở ô xy với người lớn 6-101/phút, trẻ em 2-41/phút qua mặt nạ hở”, PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn chia sẻ.

“Những sai lầm có thể gặp trong cấp cứu phản vệ ban đầu là dùng adrenalin không đúng và truyền dịch không đúng. Đối với phản vệ, cần luôn sẵn sàng bộ dụng cụ chống phản vệ, nghĩ ngay đến phản vệ khi xuất hiện cấp tính các triệu chứng, chẩn đoán phản vệ ngay khi có đủ tiêu chuẩn, adrenalin là thuốc cấp cứu chính và cần được dùng ngay lập tức, truyền dịch đủ để bảo đảm thể tích tuần hoàn”, PGS. TS. Đặng Quốc Tuấn khuyến cáo.

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Các loại trái cây tốt cho sức khỏe tim mạch

Để bảo vệ tim mạch, cần thăm khám định kỳ, tuân thủ điều trị, điều chỉnh vận động, sinh hoạt và ăn uống khoa học, bổ sung trái cây tốt cho tim.