| Hotline: 0983.970.780

Những kinh nghiệm quý giá từ một năm thiên tai dị thường

Thứ Tư 30/06/2021 , 05:21 (GMT+7)

Từ những thiệt hại nặng nề của một năm thiên tai khốc liệt dị thường, Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.

Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác phòng chống thiên tai.

Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác phòng chống thiên tai.

Những kinh nghiệm quý giá

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra hết sức phức tạp, dị thường với gần 500 đợt ở quy mô quốc gia và khu vực. 30 cơn bão xuất hiện trên khu vực Đại Tây Dương đã vượt mức kỷ lục; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.

Năm 2020, tại Việt Nam, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh đó dịch Covid-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hướng rất lớn các hoạt động phòng chống thiên tai.

Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962  tỷ đồng.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuât và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Từ những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, theo báo cáo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác phòng chống thiên tai.

Đó là cần thường xuyên quán triệt nghiêm túc và triệt để các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng chống thiên tai để kịp thời cụ thể hóa vào kế hoạch các cấp; phối hợp chặt chẽ, thống nhất các lực lượng và chính quyền địa phương triển khai ứng phó thiên tai.

Chủ động cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, các trọng điểm thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp thực tiễn.

Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chỉ đạo của chính quyền; chủ động làm tham mưu và trực tiếp điều hành của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, trong đó lấy lực lượng n vũ trang địa phương làm nòng cốt.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải nắm chắc thời cơ, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phù hợp với địa hình và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Chủ động hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các tình huống. Tổ chức luyện tập, diễn tập nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai; xây dựng ý thức trách nhiệm cho lãnh đạo các cấp chủ động sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ.

Diễn biến thiên tai tiếp tục phức tạp

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn tháng 6 đến tháng 7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.

Tình hình thiên tai trong năm 2021 được dự báo tiếp tục phức tạp và khó lường. Ảnh: VGP.

Tình hình thiên tai trong năm 2021 được dự báo tiếp tục phức tạp và khó lường. Ảnh: VGP.

Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng từ 12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5 - 7 cơn); nửa đầu mùa (từ tháng 6 đến tháng 9) bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ; vào thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9 đến tháng 11) sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực từ Bắc Trung bộ trở vào phía Nam. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong mùa mưa bão năm 2021.

Khu vực Bắc bộ và Trung bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 - 42oC.

Mùa mưa đã đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam bộ từ khoảng nửa cuối tháng 4 sang nửa đầu tháng 5/2021. Mùa mưa ở khu vực này có khả năng kết thúc tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021).

Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2021 trên cả nước có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong 6 tháng cuối năm 2021 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào tháng 7 đến tháng 9/2021 và tháng 10 đến tháng 12/2021 ở Trung và Nam Trung bộ. Mưa lớn có khả năng tập trung trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung bộ.

Mùa khô năm 2020 - 2021, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020 và không ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh tại ĐBSCL.

Trong các tháng chuyển mùa từ tháng 10 đến tháng 11/2021 cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ cuối tháng 5 - 8/2021, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và nhỏ.

Thời kỳ xuất hiện các đợt lũ vừa và lũ lớn khu vực Bắc bộ, Trung bộ có khả năng tập trung nhiều vào nửa cuối mùa lũ. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị tiếp tục có nguy cơ xảy ra do mưa lớn cục bộ trong các tháng mùa lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo xu thế nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6/2021 với xác suất khoảng 70 - 80%, sau đó tiếp tục duy trì trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha lạnh từ cuối mùa hè năm 2021 cho đến đầu năm 2022.

Trong những năm chuyển pha của ENSO, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng các cơn bão có diễn biến cường độ và quỹ đạo phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc.

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn gây sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan

THỪA THIÊN - HUẾ Do ảnh hưởng của mưa lớn, đã xảy ra sạt lở đất trên tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua địa bàn huyện Nam Đông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.