Năm 1997, khi những cánh rừng ngập mặn (vẹt) ven biển ở Nga Sơn được hình thành cũng là lúc ông Mai Văn Lực và người dân thôn 3, xã Nga Tân nhận khoán bảo vệ rừng. Số tiền thu về mỗi năm tuy không được nhiều nhưng nhờ được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất nuôi trồng thủy sản nên những hộ này vui vẻ nhận lời.
Những ngày đầu, rừng cây còn nhỏ, việc người dân ra vào rừng khai thác hải sản theo kiểu tận diệt khiến khu rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ khi lên làm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng vẹt, ông Lực cắt cử các thành viên trực luân phiên, hễ thấy hoạt động khai thác hải sản ảnh hưởng đến rừng vẹt là báo cho cả tổ ra để cùng xử lý. Ban đầu, người dân phản ứng mạnh nhưng dần dần, nhờ công tác tuyên truyền được làm tốt, người dân đã hiểu về giá trị mà rừng vẹt mang lại nên đồng lòng bảo vệ.
Theo năm tháng, rừng vẹt Nga Tân đã lớn, tổ bảo vệ vẫn cắt cử nhau ngày đêm canh gác, tuyên truyền về tác dụng của rừng ngập mặn nên việc khai thác hải sản trong rừng vẫn diễn ra nhưng ý thức bảo vệ của người dân đã dần được nâng lên. Những năm gần đây không còn xảy ra tình trạng vào rừng chặt cây vẹt về sử dụng như trước.
Đến nay, rừng vẹt tại Nga Sơn đã cao gấp 2 lần đầu người và đang phát triển tốt. Hàng năm, từ các dự án phi chính phủ, diện tích rừng vẹt tại Nga Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung tiếp tục được mở rộng, góp phần rất lớn chống xói mòn đất, xâm nhập mặn. Nhờ được bảo vệ tốt, chim, cò và các loại thủy sản vào các khu rừng này trú ngụ ngày càng nhiều. Nguồn lợi hải sản cũng theo đó tăng theo cấp số nhân.
Ông Lực và 4 người nhận khoán bảo vệ rừng ngập mặn mỗi năm chỉ nhận được khoản tiền công trên dưới 40 triệu đồng nhưng tất cả đều rất vui vì đã góp công bảo vệ làng xóm ở phía trong khu rừng này. Để có thêm nguồn thu giúp làm tốt hơn nhiệm vụ, ông Lực và những hộ nhận khoán này còn nhận thầu khoán diện tích để nuôi trồng thủy sản. Với 2ha nuôi tôm quảng canh, nuôi thêm đàn dê 40 - 50 con, mỗi năm gia đình ông Lực có nguồn thu 300 - 400 triệu đồng. Một số hộ phát triển mô hình nuôi ong lấy mật trong rừng ngập mặn cũng cho nguồn thu khá.
“Nếu không có rừng vẹt này, nếu rừng vẹt không được bảo vệ thì con đê nhỏ che chắn làng xóm sẽ không tồn tại đến bây giờ. Phía ngoài đê, khi gặp mưa gió, dù nước dâng cao nhưng nhờ rừng vẹt mà sóng biển không xô đổ các công trình tạm của người nuôi trồng thủy sản. Cũng nhờ vậy mà con đê nhỏ bao quanh làng mạc hàng chục năm qua vẫn đứng vững”, ông Lực chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết, toàn xã có khoảng 300ha rừng vẹt được trồng trước năm 2000 từ các nguồn vốn chường trình phi chính phủ. Đến nay, rừng vẹt phát triển rất tốt và góp phần rất lớn bảo vệ sự bình yên cho làng xã.
Toàn xã có 130ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê, 100ha nuôi trồng trong đê và cánh đồng cói. Rừng ngập mặn chạy dài 2km như một tuyến đê xanh bảo vệ tính mạng con người, tài sản của người dân trong xã.
“Phát triển và duy trì rừng vẹt ở những xã vùng biển có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ đất, giữ làng mạc và phát triển kinh tế. Mô hình bảo vệ rừng ngập mặn này do UBND huyện triển khai, xã chỉ có vai trò giám sát. Nhìn chung, rừng ngập mặn tại địa phương đang được bảo vệ tốt và đem lại hiệu quả hết sức thiết thực”, ông Dũng cho hay.
Tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn... của tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 1.000ha rừng ngập mặn được trồng và bảo vệ từ các dự án phi chính phủ. Đến nay, rừng ngập mặn tại Thanh Hóa vẫn được bảo vệ tốt và bổ sung, trồng dặm hàng năm.
Người dân xã Nga Tân cho biết, sau nhiều năm trì hoãn vì thiếu vốn, hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án tuyến đê đi qua các xã của huyện Nga Sơn. Cùng với việc tuyến đê xanh rừng ngập mặn được bảo vệ tốt, người dân các huyện ven biển hi vọng sẽ được bảo vệ an toàn mỗi khi mùa mưa lũ đến. Hệ động thực vật rừng ngập mặn nhờ vậy cũng sẽ được bảo vệ, bảo tồn, góp phần vào đa dạng sinh học ở địa phương.