| Hotline: 0983.970.780

Những kỷ niệm với GS.TS Nguyễn Quang Thạch

Chủ Nhật 29/01/2023 , 19:32 (GMT+7)

Chúng tôi bàng hoàng khi được tin GS.TS Nguyễn Quang Thạch vừa mất. Thật là một tổn thất rất lớn cho không riêng gì chúng ta mà là cho cả đất nước!

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (thứ ba từ phải sang) tại vườn mía nuôi cấy mô của Công ty Lam Sơn - Thanh Hóa ngày 12/10/2019.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (thứ ba từ phải sang) tại vườn mía nuôi cấy mô của Công ty Lam Sơn - Thanh Hóa ngày 12/10/2019.

Mới đây thôi, ông còn hồ hởi trao đổi với tôi về việc đưa cây bèo hoa dâu trở lại với đồng ruộng. Ông dồn hết tâm huyết cho vấn đề nóng bỏng này. Ông say sưa với một tương lai gần khi bèo hoa dâu sẽ được đánh giá đúng giá trị của nó và trở lại với đồng ruộng. Thế mà ông lại vội ra đi… Thật là một tổn thất rất lớn cho không riêng gì chúng ta mà là cho cả đất nước!

Hiếm có một nhà khoa học nào vừa rất uyên thâm trong khoa học nhưng lại rất gắn bó với sản xuất nông nghiệp thông qua những nghiên cứu hết sức thiết thực để hướng tới tương lai. Ở ông, luôn luôn sôi sục những ý tưởng mới, những nghiên cứu mới để giúp nông nghiệp Việt Nam bật lên, ngang hàng với thế giới…

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với ông. Ông luôn coi tôi là bạn đồng môn nhưng tôi thì lại coi ông là bậc thầy. Ông là một tấm gương sáng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các thế hệ học trò ở trường Đại học Nông nghiệp và rất nhiều trường đại học khác đều vô cùng khâm phục khả năng thuyết trình tuyệt vời của ông khi giảng bài. Ông mang đến sự hào hứng và đam mê cho hàng vạn sinh viên…

Mọi người đều kính nể khả năng ngoại ngữ của ông. Ông giỏi nhiều thứ tiếng. Tôi có một kỷ niệm về biệt tài này của ông.

Có một năm giới khoa học của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mời chúng tôi sang để trao đổi về khoa học kĩ thuật. Đoàn gồm 3 người: GS.TS Nguyễn Lân Dũng - anh trai tôi, GS.TS Nguyễn Quang Thạch và tôi. Khi đến nơi, GS Nguyễn Lân Dũng trực tiếp trao đổi với bạn. Anh Dũng rất giỏi tiếng Trung Quốc. Được một lúc, bọn tôi thấy anh cười ngặt nghẽo. Anh cho biết, cậu này tưởng anh là người Trung Quốc nên bảo “Sao ông nói tiếng Việt giỏi thế!?”. Một lúc sau, bà Trưởng Ban Đối ngoại trường Đại học Nông nghiệp Quảng Tây ra tiếp chúng tôi. GS Thạch trao đổi với bà bằng tiếng Anh. Giáo sư nói nhanh như người Anh. Bà Trưởng Ban cho biết bà học ở Pháp nên tiếng Anh không thạo lắm. Lập tức, thầy Thạch quay ra nói bằng tiếng Pháp. Thầy nói thao thao bất tuyệt. Bà Trưởng phòng cáo lỗi và đi mất. Sau đó, bọn tôi xuống thăm Khoa Chăn nuôi. Thầy Thạch cũng trao đổi với ông Trưởng khoa bằng tiếng Anh. Ông ấy nói tiếng Anh không lưu loát. Ông cho biết, ông học ở Đức nên chỉ giỏi tiếng Đức. Lập tức, thầy Thạch nói ngay với ông ấy bằng tiếng Đức. Thầy nói lưu loát nên khiến ông chủ nhiệm khoa bất ngờ.

Không biết thầy Thạch học ngoại ngữ từ bao giờ nhưng chính nhờ vốn ngoại ngữ phong phú ấy mà ông có được thông tin trên khắp thế giới.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (hàng đầu, bên trái) họp Ban Chấp hành Hội Sinh học Hà Nội ngày 6/10/2020.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (hàng đầu, bên trái) họp Ban Chấp hành Hội Sinh học Hà Nội ngày 6/10/2020.

Khi nói về công nghệ sinh học của Việt Nam thì GS Nguyễn Văn Uyển và GS Nguyễn Quang Thạch là những người đầu tiên đưa ngành khoa học này về cho đất nước. Họ là những người khơi dậy ngành nuôi cấy mô thực vật cho các viện nghiên cứu và các trường đại học. Có điều, thậm chí có vị còn cho đó là việc viển vông. Nhưng tới nay, nuôi cấy mô đã thành biện pháp phổ biến ở hầu khắp các tỉnh thành.

Thầy Thạch cũng không coi thường những phương pháp đơn giản mà nông dân có thể áp dụng. Khi mới ở Pháp về, thầy cho áp dụng ngay phương pháp nhân giống cây trồng bằng biện pháp sử dụng các đoạn cành ngắn để giâm cành. Cây chanh, cây cam và nhiều loại cây khác có thể được nhân giống từ những đoạn thân chỉ dài độ 7 - 10cm. Thầy cùng anh em trong bộ môn tiến hành thử nghiệm ngay tại phòng thí nghiệm. Buổi tối, họ kê ván xuống đất. Thầy và trò ngủ ngay tại phòng thí nghiệm để tiện theo dõi. Hiếm có Giáo sư nào say sưa như thầy Thạch.

GS Nguyễn Văn Uyển và GS Nguyễn Quang Thạch là những người kiên trì đưa cây khoai tây vào cơ cấu cây trồng chính ở Việt Nam. Họ tốn quá nhiều công sức nhưng tới nay, ý tưởng của họ đã được công nhận. Khoai tây được trồng đại trà ở Việt Nam. Ngoài việc phổ biến nhân giống khoai tây bằng nuôi cấy mô, GS Thạch còn thành công trong việc sử dụng phương pháp khí canh để nhân giống khoai tây. Mọi việc đang tiến triển rất tốt thì ông lại ra đi…

GS Thạch đã đảm nhiệm rất nhiều chức vụ như: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, Phó chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh lí học thực vật, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội khoai tây Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Sinh học và Nông nghiệp của trường Đại học Nguyễn Tất Thành…

Ở bất kì cương vị nào ông cũng luôn luôn hăng hái đóng góp. Ông thường đề xuất những ý tưởng mới, những sáng tạo mới để công việc tiến triển tốt hơn.

Khi làm việc với Công ty Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, tôi có đề nghị họ quan tâm thêm tới mặt trận sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đã mời các chuyên gia động vật và thực vật tới họp với công ty để tìm cách phối hợp. GS Thạch đã đề xuất việc sản xuất các loại đèn riêng biệt để kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ và ức chế hoa cúc nở sớm. Mọi việc được thực hiện ngay. Các loại đèn đặc biệt phục vụ cho việc này được nghiên cứu và sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều tiền điện. Bà con ở Bình Thuận, ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khác rất biết ơn công trình mà GS Thạch và Công ty Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông đã phối hợp thực hiện.

Với những đóng góp to lớn của GS.TS NGND Nguyễn Quang Thạch, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Với những đóng góp to lớn của GS.TS NGND Nguyễn Quang Thạch, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Chúng tôi đang tiến hành viết bộ sách “1.001 cách làm ăn” cùng với Nhà Xuất bản Nông nghiệp. Mỗi cuốn sách sẽ dạy cho bà con một nghề. GS Thạch biết ý tưởng này và ông tham gia viết ngay cho chúng tôi. Sách của ông rất hấp dẫn. Ông viết hay và thiết thực. Cuốn cuối cùng của ông mà chúng tôi đang biên tập là cuốn về nuôi cấy mô. Đó là cẩm nang để bà con áp dụng phương pháp hiện đại này vào sản xuất. Rất tiếc, còn biết bao ý tưởng của ông mà chưa kịp viết thành sách…

Với những đóng góp to lớn của ông, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng đã trao tặng ông danh hiệu “Nhà khoa học của nông dân”.

Vĩnh biệt ông, tôi mơ ước các bạn trẻ hãy lấy tấm gương của GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch để học tập, phấn đấu và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Vào hồi 12h20 ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đương kim Chủ tịch Hội Sinh lý Thực vật Việt Nam, đã qua đời do đột quỵ.

GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1943, từng tu nghiệp tại Pháp và Đức. 

Năm 2008, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch được trao giải Nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam Vifotec. Ông là người đưa công nghệ khí canh vào Việt Nam, mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, bền vững.

Xem thêm
Tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu hồi 139 mã vùng trồng và 192 mã nhà đóng gói vi phạm quy định

Năm 2024, các cơ quan chức năng đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói nhưng cũng thu hồi nhiều mã vùng trồng, nhà đóng gói vi phạm quy định.

Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê hữu Đà, hữu Hồng

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6443/QĐ-UBND ngày 16/12/2024 về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đà, hữu Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì.