| Hotline: 0983.970.780

Các thế hệ học trò biết ơn và kính trọng thày Nguyễn Quang Thạch

Thứ Bảy 28/01/2023 , 22:14 (GMT+7)

Xin vĩnh biệt thầy GSTS.NGND Nguyễn Quang Thạch, nhà khoa học chân chính – tâm huyết, cả đời vì sự tiến bộ của nền nông nghiệp Việt Nam.

GSTS. NGND Nguyễn Quang Thạch và học trò Lê Quý Kha - nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam trao đổi về công nghệ nuôi trồng các giống sâm quý của Việt Nam trong phòng thí nghiệm được điều khiển ánh sáng, nước và dinh dưỡng tại Hà Nội, năm 2021.

GSTS. NGND Nguyễn Quang Thạch và học trò Lê Quý Kha - nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam trao đổi về công nghệ nuôi trồng các giống sâm quý của Việt Nam trong phòng thí nghiệm được điều khiển ánh sáng, nước và dinh dưỡng tại Hà Nội, năm 2021.

GSTS.NGND Nguyễn Quang Thạch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện trưởng Viện Sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học và Nông nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh, đã qua đời hồi 12h20 phút, ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão) do đột quỵ.

Hay tin thày ra đi các thế hệ học trò của thày ai cũng bàng hoàng, thương tiếc. Em là một trong hàng ngàn học trò môn Sinh lý thực vật của thày những năm sinh viên 1977-1982 và nghiên cứu sinh 1990-1991, nay vẫn đang theo đuổi những ý tưởng và phương pháp nghiên cứu khoa học của thày, bày tỏ tấm lòng biết ơn, trân trọng và kính phục thày.

Những năm 1977-1982, các thế hệ học trò Đại học Nông nghiệp I Hà Nội sống và học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn. Xin phép thày một vài ký ức vui vẻ thế này. Hồi đó ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ không đủ chăn mền, nước sinh hoạt toàn từ giếng khoan không lọc, cả trường tắm chung khu hồ bán nguyệt hoặc tắm ở sông Cầu Bây. Cả thày lẫn trò nhiều buổi tăng gia sản xuất lương thực bằng cách ghé vai kéo cày, kéo bừa thay trâu.

Cả xã hội quá khó khăn, may mà chúng em vẫn còn được bao cấp 13-15 cân gạo/tháng và vài mét vải may quần áo trong mấy năm. Nhưng qua bài giảng của các thày, đặc biệt các giờ giảng môn Sinh lý thực vật do GS.TS Nguyễn Quang Thạch, GS.TS Hoàng Minh Tấn và thày Trần Văn Phẩm trình bày cho sinh viên lớp Cây trồng 22 được tham dự qua các lớp học. Với chỉ một viên phấn trắng và bảng đen, các thày đã mô tả đầy đủ chi tiết các chu trình sinh lý thực vật, thày đã vẽ chi tiết sơ đồ chu trình C3, C4, rồi đến vai trò các loại vitamin, các nguyên tố vi lượng đối với tính chống chịu của cây trồng.

Thày Thạch kể thày đã gặp các giáo sư về sinh lý thực vật nổi tiếng thế giới như GS Calvin. Qua đó thày đã truyền cảm hứng nghề nghiệp quá sâu đậm cho chúng em. Hồi đó chúng em đều nghĩ sau này, ra trường phải phấn đấu sao cho góp phần xã hội đủ ăn, đủ ấm, chứ chưa nghĩ đến kinh tế hay cải thiện giao thông vận tải.

Từ đó đã nuôi chí hướng em làm thạc sỹ ở Úc với đề tài nghiên cứu khả năng thích ứng chịu hạn của cây ngô và bảo vệ tiến sỹ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với đề tài nghiên cứu khả năng thích ứng và chọn tạo giống ngô lai nhờ nước trời ở Việt Nam. Qua đó em kết luận được với giống ngô chịu hạn, năng suất không phải lúc nào cũng là tiêu chí số một mà là tính ổn định trong các điều kiện nước tưới, nước mưa khác nhau mới là quan trọng.

GSTS.NGND Nguyễn Quang Thạch trao đổi về công nghệ nuôi trồng các giống sâm quý của Việt Nam trong phòng thí nghiệm được điều khiển ánh sáng, nước và dinh dưỡng tại Hà Nội, năm 2021.

GSTS.NGND Nguyễn Quang Thạch trao đổi về công nghệ nuôi trồng các giống sâm quý của Việt Nam trong phòng thí nghiệm được điều khiển ánh sáng, nước và dinh dưỡng tại Hà Nội, năm 2021.

Tiếp theo những năm tháng, thày trò mỗi người một mưu sinh nghề nghiệp khác nhau. Em vẫn theo dõi tiến bộ khoa học công nghệ của thày qua các thời kỳ. Từ tác giả công trình nuôi cấy mô, nhân giống khoai tây bằng công nghệ khí canh, công nghệ canh tác 4.0 trong nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh… rồi đến công nghệ canh tác hữu cơ bằng vi sinh vật.

Thày đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghiên cứu sinh, nay là các tiến sĩ trong các ngành nhân giống khoai tây, chiếu sáng điều khiển ra hoa cây thanh long, hay cây dược liệu… Điều đặc biệt với năng khiếu riêng của thày, bất kể ai gặp thày cũng vui cười khi được nghe những câu chuyện khôi hài hay từ những vần thơ giản dị. Được biết thày đã làm trưởng đoàn của Đại học Nông nghiệp Hà Nội dự thi SV trên sóng VTV3.

Khi đã 80 tuổi thày vẫn tràn đầy đam mê khoa học với các công trình nghiên cứu trồng các giống sâm quý Việt Nam trong nhà kính được điều khiển ánh sáng, nước và dinh dưỡng tại Hà Nội, hay công trình phục hưng bèo hoa dâu (tổng hợp đạm khí trời và hấp thu cacbon gấp 8 lần so với cùng 1 ha rừng).

Em tự hào được là một trong những học trò của thày từ 1977 đến nay. Xin vĩnh biệt thầy, GSTS.NGND Nguyễn Quang Thạch, nhà khoa học chân chính – tâm huyết, cả đời vì sự tiến bộ của nền nông nghiệp Việt Nam.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.