Cả gia đình sẽ đoàn tụ mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán ở quê nhà của họ ở tỉnh Hồ Bắc hay bất kỳ nơi nào khác. “Không quan trọng ở đâu. Khi chúng tôi ở cạnh nhau, chúng tôi là gia đình, đó là nhà”, Uông nói.
Năm nay, lần đầu tiên, Uông có một cái tết xa con gái khi mà Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các lao động nhập cư như cô và chồng, ước tính vài trăm triệu người, ở yên tại chỗ, nhằm kiềm chế nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19.
“Kể từ khi con gái chúng tôi chào đời, ít nhất cha hoặc mẹ phải ở bên con vào đêm Giao thừa. Thường là tôi”, Uông cho hay.
Cô cũng bỏ lỡ chuyến về quê hàng năm để thăm mộ ông bà, thường là trước tết. “Tôi đã nhờ mẹ đốt thêm vàng mã cho họ”, Uông nói.
Bình thường, Uông và chồng sẽ hòa vào đám đông lao động nhập cư, bất chấp những chuyến tàu chật cứng, đóng gói đồ đạc để trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng chính phủ Trung Quốc, lo lắng về nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đã kêu gọi mọi người không nên di chuyển trong năm nay, đề cao ý thức công dân.
Cùng lúc, lịch trình các chuyến tàu cũng bị cắt giảm và chính quyền địa phương thường yêu cầu theo dõi sức khỏe chặt chẽ những người từ xa trở về nhà, với ít nhất một lần xét nghiệm Covid-19. Một số ngôi làng thậm chí còn “đóng cửa”.
Vương Hải Dương, 58 tuổi, một công nhân xây dựng, chọn ở lại Bắc Kinh vì lo sợ có thể bị nhiễm virus khi trên đường trở về quê nhà ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc.
“Quê tôi không có Covid-19, nhưng tội sợ mình sẽ mang virus về”, Vương nói. Năm nay, ông đành đoàn tụ với gia đình thông qua các cuộc gọi video.
Những người vẫn quyết tâm về quê phải mua vé tàu với giá đắt đỏ trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh. Một số người chọn cách đi chung xe nhằm giảm chi phí. Số khác tuyệt vọng tìm đến những chuyến xe buýt bất hợp pháp.
Với cô Uông, sau khi đại dịch bùng phát, tình thân gia đình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hồi tháng 8 năm ngoái, cô rời Quảng Đông để đến ở cùng chồng, Dương Niên Liên, 33 tuổi, ở Bắc Kinh.
Ban ngày, cô làm những công việc lặt vặt để kiếm sống còn anh làm nhân viên bảo vệ theo ca 12 tiếng.
Kết thúc ca làm việc, trở về nhà, Dương sẽ rửa chân cho vợ trong một chiếc chậu nhựa màu hồng, một nghi thức không thể phá vỡ giữa hai người.
Sau đó, hai người thay phiên gội đầu cho nhau trong khoảng sân hẹp của khu chung cư, tận hưởng những niềm vui nhỏ bé bên nhau, chờ ngày đoàn tụ với cô con gái nhỏ 9 tuổi.
Khắc khoải nhớ nhà, Uông năm nay đã định hấp một chiếc thủ lợn, món ăn truyền thống ở làng cô, vào đêm Giao thừa. Nhưng vì không thể tìm được nồi đủ lớn, Uông đành quay trở lại với món lẩu, gồm gà muối, hạt tiêu và ít chân vịt.
Dương nhớ lại những câu hỏi mà con gái sẽ hỏi anh khi cả nhà đoàn tụ: “Cha làm việc ở Bắc Kinh có mệt không? Cha làm gì cả năm qua? Cha ăn gì?”.
“Mỗi lần tôi về nhà, con bé luôn chạy quanh, tò mò về từng chi tiết công việc của tôi ở Bắc Kinh và bảo tôi rằng đừng cố gắng quá sức”, Dương kể.
Hôm 11/2, Uông và Dương gọi video về nhà.
Con gái họ, nâng cốc nước lọc lên trước camera điện thoại như để chúc mừng Năm mới cha mẹ.
Vì đã trải qua quãng thời thơ ấu không được ở bên cha mẹ, chứng kiến cảnh con gái phải cô đơn dịp Tết, Dương không giấu nổi sự xúc động.
Ông bà nội chăm sóc cho Dương khi anh còn nhỏ vì cha mẹ anh làm việc xa nhà, giống hệt như bố mẹ vợ đang chăm sóc cho con gái anh lúc này.
“Ước mơ của tôi là làm việc chăm chỉ ở thành phố, kiếm thật nhiều tiền cho gia đình, con cái”, Dương, nước mắt lưng tròng, chia sẻ. Anh vòng tay, tự gục đầu vào vai mình. “Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy mình đã khiến họ thất vọng”.