Tuyên bố được đưa ra để đáp lại cuộc phỏng vấn của Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU Robert Brieger hôm 25/1 với tờ Die Welt, trong đó vị tướng này gợi ý rằng một lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine có thể được thực thi bởi các lực lượng gìn giữ hòa bình của EU và Liên hợp quốc.
"Bất kỳ đội quân nào tiến vào lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý và cho phép của Nga đều là mục tiêu quân sự hợp pháp với hậu quả khá dễ hiểu", ông Miroshnik viết trên Telegram hôm 26/1.
"Tại sao lại phải giả vờ? Những nỗ lực phát minh ra 'lực lượng gìn giữ hòa bình' hoàn toàn không phải là để thiết lập hòa bình, mà chỉ là những nỗ lực để cứu chế độ Kiev của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky khỏi thất bại", ông nói.
Ông Zelensky khẳng định, cần triển khai ít nhất 200.000 binh sĩ châu Âu để thực thi lệnh ngừng bắn giữa Kiev và Moscow. "Từ toàn bộ châu Âu? 200.000, đó là mức tối thiểu. Nếu không thì chẳng thể làm gì cả", nhà lãnh đạo Ukraine phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tuần trước. Ngoài ra, ông Zelensky phản đối việc chấp nhận một trong những yêu cầu quan trọng của Moscow, đó là cắt giảm quân đội của đất nước xuống còn 1/5 mức hiện tại.
Chủ đề về lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây ở Ukraine đã nóng trở lại trong những tuần gần đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ thúc đẩy nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và Thủ tướng Anh Keir Starmer đều đưa ra tuyên bố về khả năng đưa quân đội đến Ukraine với vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình. Cũng trong tháng 1, ông Zelensky cho biết đã thảo luận về khả năng này với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đề xuất ý tưởng này từ gần một năm trước, gây ra sự phản đối từ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.
Moscow đã bác bỏ ý tưởng về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây ở Ukraine. Nga "không hài lòng" với các đề xuất hoãn kết nạp Ukraine vào NATO hay "đưa lực lượng gìn giữ hòa bình gồm quân đội Anh và châu Âu vào Ukraine", Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết vào cuối tháng 12/2024.
Mặc dù Moscow sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev, nước này khẳng định sẽ không cho phép tạm thời đóng băng cuộc xung đột, điều này sẽ chỉ giúp Ukraine có thêm thời gian để xây dựng lại lực lượng.
Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được xây dựng bởi "các thỏa thuận mạnh mẽ, ràng buộc về mặt pháp lý" giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, với các cơ chế ngăn chặn khả năng vi phạm thỏa thuận, ông Lavrov nói.