| Hotline: 0983.970.780

Những lưu ý trong chăm sóc người cao tuổi trong dịch Covid-19

Thứ Bảy 03/07/2021 , 09:28 (GMT+7)

Người cao tuổi có nguy cơ mắc và tử vong vì Covid-19 cao hơn người trẻ. Do vậy, chăm sóc người cao tuổi tại nhà trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 rất quan trọng.

Không khí gia đình vui vẻ, tinh thần lạc quan là rất quan trọng đối với người cao tuổi. Ảnh LAT.

Không khí gia đình vui vẻ, tinh thần lạc quan là rất quan trọng đối với người cao tuổi. Ảnh LAT.

Cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều trên dưới 80 tuổi nên trong thời điểm dịch Covid- 19 phức tạp, chị Ngân (Hà Nội) rất lo lắng. Qua tìm hiểu, chị được biết, người cao tuổi nếu bị nhiễm Covid-19 thì nguy cơ bị nặng và tử vong cao hơn nhiều lần so với người trẻ. Chính vì vậy, chị rất lưu ý trong việc chăm sóc bố mẹ hai bên, đặc biệt là bố chồng, vì ông có nhiều bệnh lý mạn tính.

Các gia đình khi chăm sóc người cao tuổi tại nhà trong mùa dịch Covid-19 cần lưu ý những vấn đề sau:

Trấn an tinh thần, luôn giữ không khí gia đình vui vẻ

Tinh thần là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và hệ miễn dịch. Khi con người lo âu, buồn chán hay stress thì hệ miễn dịch cũng yếu đi và ngươck lại khi chúng ta yêu đời, vui vẻ thì cơ thể cũng khỏe mạnh hơn.

Vì vậy, trước hết cần giúp người cao tuổi hiểu rõ về đại dịch Covid-19 để giảm các nỗi lo sợ. Người nhà nên giúp người cao tuổi thư giãn, luôn giữ tinh thần lạc quan, sống vui khỏe. Nhiều người cao tuổi khi nghe đến dịch Covid-19 rất lo sợ, nên phải giải thích cho họ hiểu, dịch bệnh tuy nguy hiểm nhưng không phải ai mắc bệnh này cũng chết. Điều quan trọng là giữ tinh thần lạc quan, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Các thành viên trong gia đình nên dành thời gian trò chuyện với ông bà, cha mẹ về dịch Covid-19. Cùng tìm hiểu về dịch bệnh ở những trang thông tin chính thống, không nên nghe những tin tức đồn đại trên mạng, bởi thông tin không chính xác càng làm tăng sự lo lắng, sợ hãi trong người cao tuổi. Người cao tuổi hệ miễn dịch đã yếu, khi tiếp nhận những tin tức tiêu cực sẽ càng làm cho hệ miễn dịch yếu đi và nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Cùng nhau xem phim hài, đọc sách, đọc những mẫu chuyện vui, tạo không khí gia đình vui vẻ,… là những gợi ý giúp người cao tuổi thư giãn.

Hạn chế ra ngoài

Diễn biến dịch bệnh phức tạp, người cao tuổi hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài, nhất là với những người mắc các bệnh lý mạn tính như: Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), bệnh phổi (hen phế quản, bệnh phổi mạn tính…), đái tháo đường… Vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc Covid-19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao.

Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần thực hiện biện pháp dự phòng phù hợp. Mặt khác, cần tránh đến những nơi đông người như chợ, lễ hội, đám cưới,…; hạn chế đi lại bằng máy bay, tàu thủy; tham gia phương tiện công cộng như xe buýt, tàu…

Chữa và kiểm soát các bệnh mạn tính

Bệnh nhân mắc các bệnh tiểu đường, phổi mạn tính, cao huyết áp, ung thư,… có tỷ lệ tử vong cao nhất do Covid-19. Do đó, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính, bắt buộc phải được tái khám định kỳ. Một số ca bệnh phải đến bệnh viện khám chữa kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tế, tại một số địa phương thời gian vừa qua, vì lo ngại lây nhiễm Covid-19 nên nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mãn tính, bệnh nhân ung thư… đã trì hoãn việc thăm khám đúng thời hạn ở bệnh viện, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đã có trường hợp tử vong do đến bệnh viện muộn.

Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cuối tháng 5/2021, bệnh viện có một bệnh nhân tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Được biết, trước đó khoảng 1 tuần, bệnh nhân đã có dấu hiệu bệnh trở nặng, nhưng vì sợ Covid-19 nên không đến bệnh viện khám và điều trị. Cũng trong cuối tháng 5/2021, Bệnh viện thành phố Thủ Đức ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý uống lại toa thuốc cũ mà không đến bệnh viện khám vì sợ Covid-19.

 

Người cao tuổi cần ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Người cao tuổi cần ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng

Người cao tuổi cần ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân. Chế độ ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như: đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen…

Có thể sử dụng một số gia vị, thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh, sữa chua... Thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo đảm an toàn thực phẩm. Những người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Uống nước đầy đủ, ngủ sâu giấc

Người cao tuổi thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều và mất ngủ. Hơn nữa, cơ thể người cao tuổi không tích trữ nước, cộng thêm các bệnh mạn tính khác khiến họ càng dễ mất nước hơn. Khi cơ thể mất nước làm cho phổi và vòm họng thiếu những chất nhờn bảo vệ, dễ bị tổn thương, dẫn tới vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào bên trong, khiến người cao tuổi dễ bị bệnh.

Cần uống đủ nước hàng ngày và thực hiện uống nước đúng cách, nên uống từ  1.2 – 1.8 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, không uống quá nhiều nước một lần, mà nên uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Không nên uống nước ngọt có ga, nước uống chứa cồn.

Ngủ đầy đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái… Người cao tuổi giấc ngủ có ngắn hơn người trẻ, nhưng phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

Người cao tuổi có thể duy trì tập luyện tập yoga, thể dục nhẹ nhàng tại nhà khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.

Người cao tuổi có thể duy trì tập luyện tập yoga, thể dục nhẹ nhàng tại nhà khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.

Tập luyện thể dục, thể thao

Khi tập thể dục, tùy vào sức khỏe và thể trạng mà người cao thuổi lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. Tập thể dục ở nơi có không khí trong lành, thoáng mát là một trong những biện pháp tốt nhất lọc phổi. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp, người cao tuổi tập thể dục cần phải tránh chỗ đông người, thực hiện giữ khoảng cách. Trong trường hợp không ra ngoài, có thể duy trì tập luyện nâng cao sức khỏe tại một góc nhà hay ban công với các môn như yoga, thể dục nhẹ, đạp xe tại chỗ…

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương phổi. Một khi sức đề kháng của phổi bị suy yếu, virus rất dễ tấn công, nhất là virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, cải thiện sức đề kháng, người nhà động viên người cao tuổi cần bỏ thói quen hút thuốc lá.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.