| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ sức khỏe khi tia cực tím tăng cao

Thứ Bảy 17/04/2021 , 13:10 (GMT+7)

Những ngày hè có nắng nóng chỉ số tia cực tím luôn duy trì ở ngưỡng cao, thường xuyên ở mức 8-11, trong khi mức này trên 2 đã gây hại cho da.

Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, gây ảnh hưởng rất nhiều đối với sức khỏe. Ảnh minh họa.

Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, gây ảnh hưởng rất nhiều đối với sức khỏe. Ảnh minh họa.

Tia UV hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X, không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Phổ của tia UV chia làm 3 nhóm chính là tia UVA, tia UVB, tia UVC và có những tác hại khác nhau đối với sức khỏe con người.

Trong khi UVA là tác nhân gây lão hóa da thì UVB là tia nguy hiểm, có khả năng gây bỏng nặng và ung thư da. Tuy UVC được mệnh danh là "tia hủy diệt" vì tàn phá nặng nề đến cơ thể các sinh vật sống nhưng chỉ xuất hiện ở những khu vực bị thủng tầng ozone.

Bất kể vào mùa đông hay mùa hè, trời nắng hay mưa, trời râm mát, tia UV vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi trời nắng thì UV nhiều hơn. Chỉ số tia UV từ 2.5 - 5.4 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 5.5 - 7.4 nguy cơ gây hại cao, từ 7.5 - 10.4 là nguy cơ gây hại rất cao, từ 10.5 trở lên là đặc biệt cao.

Tia UV có thể gây nhiều bệnh

Ung thư da: Phơi nhiễm tia UV không an toàn là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da. UV gây ung thư da ở những dạng sau: Ung thư da không phải u ác tính, ung thư da u ác tính, ung thư tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy.

Lão hóa da sớm: Lão hóa da bình thường là quy luật tự nhiên, tuy nhiên có đến 90% người bị lão hóa da sớm là do tác động của tia UV, ánh nắng mặt trời.

Gây các tổn thương mắt: Nhìn hoặc tiếp xúc lâu dài với tia UV cường độ cao có thể gây hại cho các mô của mắt và gây ra một “đốt” trên bề mặt mắt được gọi là “tuyết mù” (photokeratitis). Các hiệu ứng thường biến mất trong vài ngày nhưng cũng có thể dẫn đến biến chứng về sau. Các nghiên cứu cho thấy, bức xạ tia UV làm tăng khả năng đục thủy tinh thể.

Suy giảm hệ miễn dịch: Phơi nhiễm quá mức với tia UV, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác động xấu từ bên ngoài.

Ngồi trên xe ô tô vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Ảnh minh họa.

Ngồi trên xe ô tô vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Ảnh minh họa.

Biện pháp phòng chống tác hại của tia UV

Tránh ra ngoài trời thời điểm nắng gắt: Khi nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia UV, từ sáng đến chiều tối, khi trời nắng gắt hay có mây, mưa. Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 14, 15 giờ chiều. Không nên ra ngoài trời khi nắng gắt, đặc biệt trong khung giờ trên.

Che chắn chống nắng cho da, mắt: Khi ra ngoài trời, cần mặc quần áo dài, áo chống nắng; đội mũ rộng vành (có chiều rộng vành trên 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt); sử dụng ô (dù); đeo mắt kính màu sậm, màu đen; mang khẩu trang che chắn da mặt.

Nên sử dụng khẩu trang phủ kín mặt, chỉ chừa hai mắt đeo kính để vừa giúp phòng tránh tia UV, vừa ngăn khói bụi. Dùng khẩu trang được may với vải dày, dệt chéo màu đen hoặc sậm màu sẽ có tác dụng chống nắng lên đến 90%. Khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng khoảng 60%. Khẩu trang y tế màu xanh chất liệu vải mỏng, chỉ có tác dụng cản bụi, không hiệu quả cao trong việc chống tia UV.

Cần thoa kem chống nắng trước khi đi ra ngoài nắng 20-30 phút và sau 2 giờ phải thoa lại. Ảnh minh họa.

Cần thoa kem chống nắng trước khi đi ra ngoài nắng 20-30 phút và sau 2 giờ phải thoa lại. Ảnh minh họa.

Dùng kem chống nắng: Có thể sử dụng kem chống nắng và viên thuốc chống nắng. Các loại kem chống nắng có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA. Lựa chọn kem chống nắng có cả hai đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và UVB. Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da.

Khi sử dụng kem chống nắng, cần thoa 20-30 phút trước khi đi ra nắng và sau 2 giờ phải thoa lại, vì kem chống nắng chỉ có tác dụng khoảng 2 giờ. Không có chỉ số chống nắng nào có thể bảo vệ da 100%. Do vậy, cần che chắn vùng da được bôi kem chống nắng. Ngoài ra, kem chống nắng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cũng dễ bị biến đổi làm giảm tác dụng.

Phụ nữ đang có thai và cho con bú thận trọng khi sử dụng kem chống nắng, chú ý các khuyến cáo của từng loại kem.

Một số sự thật về tia UV bạn cần biết

Người trẻ tuổi dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với tia UV: Ước tính có khoảng 50% người bị phơi nhiễm trọn đời với tia cực tím trước 18 tuổi.

Khoảng thời gian ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia UV nhất trong ngày là từ 10 giờ tới 16 giờ.

Tác hại của tia UV đối với mắt thường được tích lũy theo thời gian: Trong nhiều trường hợp, những tác hại một khi đã bộc phát sẽ để lại di chứng vĩnh viễn.

Kính râm không giúp ngăn chặn 100% tác hại của tia UV đối với mắt: Các nghiên cứu khẳng định, có khoảng 45% tia UV vẫn có thể lọt vào mắt kể cả khi đã đeo kính có chức năng chống tia cực tím.

Việt Nam là đất nước nhiệt đới, tất cả các mùa đều có tia UV, nhưng nhiều nhất vào mùa hè.

Ngay cả trong những ngày thời tiết âm u hoặc trời nhiều mây, tia UV vẫn có khả năng tác động đến sức khỏe.

Dùng mỹ phẩm vẫn phải dùng kem chống nắng: Nên thoa thêm một lớp kem chống nắng sau khi dùng kem nền dưỡng da, trừ khi loại mỹ phẩm bạn đang sử dụng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn.

Tia UV gây hại cho da kể cả khi ngồi trong ô tô: Với lớp kính xe ô tô có khả năng làm giảm cường độ bức xạ thì cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn tia UV. Tia UV vẫn tác động đến da nếu bạn ngồi trong ô tô mà không có biện pháp bảo vệ da.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.