| Hotline: 0983.970.780

Những mẹo hay trong phòng, chống dịch bệnh: [Bài 2] Thà kỹ tính còn hơn chết kỹ

Thứ Năm 07/11/2024 , 17:04 (GMT+7)

TÂY NINH Tự nhận mình là người kỹ tính, song ông Sứ lại tự hào vì đó là thói quen hữu hiệu giúp ông bảo vệ đàn lợn luôn được an toàn đến thời điểm này.

Ông Lê Văn Sứ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh thường xuyên tắm và bật quạt cho lợn để làm giảm nhiệt độ chuồng, tránh bị stress nhiệt. Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Văn Sứ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh thường xuyên tắm và bật quạt cho lợn để làm giảm nhiệt độ chuồng, tránh bị stress nhiệt. Ảnh: Lê Bình.

Trừ người trong nhà, xưa nay hiếm có người lạ nào có thể tham quan trang trại của ông Lê Văn Sứ (ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu). Ngay cả lực lượng thú y đến phun khử khuẩn ông cũng tự làm thay. Bởi với ông Sứ kỹ tính để ngăn chặn nguy cơ bệnh từ cổng, tránh tự đánh đổi nồi cơm của gia đình.

Với kinh nghiệm nuôi lợn nái và lợn thịt hơn 30 năm nay, ông Sứ có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Lão nông này kể rành mạch các biện pháp chống dịch của mình với cả niềm đam mê.

Bắt đầu kinh nghiệm của mình, ông Sứ đi từ thất bại của mình trước. Cụ thể, vào năm 2011, đàn lợn của ông bị dịch tai xanh tấn công. Quá bất ngờ và không đủ kỹ năng để xử lý nên cả đàn lợn chết gần hết. Thua lỗ, chán nản ông Sứ đành ngưng tái đàn một thời gian, để chuồng trống trước khi quyết định đi tiếp.

“Đó chính là lúc mình nghĩ lại xem bản thân sai ở đâu, đã bỏ qua điều gì mà khiến dịch bệnh lại dễ tấn công như vậy. Ông bà bảo thất bại là mẹ thành công mà, nên đó là khoảng thời gian giúp tôi hoàn thiện mình, sửa đổi xem những gì sơ hở, để lọt nguồn dịch bệnh gây hại cho đàn lợn của mình”, ông Sứ chia sẻ.

Kể từ đó, ông Sứ hoàn thiện quy trình chăn nuôi, cũng như tăng độ khắt khe của mình trong việc bảo vệ vật nuôi, ông rút ra bài học kinh nghiệm rằng "thà kỹ tính ngay từ đầu còn hơn là sau này chết kỹ nếu để dịch bệnh ghé thăm". Do đó, lão nông này chủ động mọi khâu trong việc phòng chống dịch trên đàn lợn. Hiện, ông Sứ đang duy trì nuôi tổng đàn khoảng gần 100 con mỗi lứa.

Nhờ kiểm soát tốt các nguy cơ dịch bệnh nên đàn lợn của ông Sứ luôn khỏe mạnh, năng suất tốt. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ kiểm soát tốt các nguy cơ dịch bệnh nên đàn lợn của ông Sứ luôn khỏe mạnh, năng suất tốt. Ảnh: Lê Bình.

Khi nhập lợn vào, ông Sứ nuôi riêng một tại khu vực cách ly một thời gian, nếu lợn không có dấu hiệu bệnh mới nhập đàn. Chuồng lợn khi xuất bán cũng được khử trùng, trống chuồng trong khoảng 10 - 15 ngày. Trước khi chuyển lợn sang nhập đàn ông cũng làm lại bước sát trùng lần nữa thì mới an tâm.

Lợn nái và lợn thịt cũng được nuôi riêng thành các chuồng trại khác nhau, cách xa nhau để không bị ảnh hưởng nếu xảy ra tình hình xuất hiện dịch bệnh.

“Chuột cũng là vấn đề rất nhức nhối, bởi dễ mang dịch bệnh. Thường, nếu đánh bả cũng không thể hết được. Trong khi đó, ruồi muỗi cũng đều phải tránh vì nó tiềm ẩn nguy cơ mang bệnh nhất. Do đó, tôi đã sử dụng hệ thống màng lưới để vây xung quanh, không cho côn trùng, các loài gây hại mang bệnh cho đàn lợn”, ông Sứ cho hay.

Thức ăn cho lợn được ông Sứ cho ăn hoàn toàn bằng cám viên, được mua có nguồn gốc rõ ràng. Từ lâu nay, ông Sứ không sử dụng thức ăn thừa từ sinh hoạt, tuy tiết kiệm nhưng có thể không đảm bảo đến sức khỏe vật nuôi, dễ mang mầm bệnh nếu không được xử lý tốt. Điều này cũng giúp gia đình ông tiết kiệm được thời gian nấu, trộn thức ăn cho lợn.

Việc tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng được ông Sứ tự thực hiện thường xuyên, không cần sự trợ giúp của nhân viên thú y. Ảnh: Lê Bình.

Việc tiêu độc khử trùng chuồng trại cũng được ông Sứ tự thực hiện thường xuyên, không cần sự trợ giúp của nhân viên thú y. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh có khí hậu nóng, oi bức cả ngày, vì thế chuồng lợn của ông Sứ được bố trí 2 quạt treo tường công suất lớn để giảm nhiệt cho lợn. Mỗi trưa, ông còn tắm cho lợn để tạo cảm giác thoải mái cho lợn và tránh mùi, thu hút ruồi muỗi.

Nguồn nước thải, chất thải của đàn lợn đang được gia đình ông Sứ tận dụng làm biogas để phục vụ nhiều sinh hoạt trong đời sống. So với sử dụng gas trong nấu ăn với bioga 1 năm tiết kiệm được 6 - 7 bình ga. Nhờ đó, kinh tế gia đình được cải thiện hơn.

Ông Dương Văn Phụng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh cho biết, mặc dù gia đình ông Sứ chăn nuôi theo mô hình nông hộ nhưng về quy trình và các khâu đều được triển khai như nuôi trang trại. Các quy trình đều được thực hiện khép kín, do các thành viên trong gia đình thực hiện, nhân viên thú y chỉ cần làm công tác hướng dẫn.

“Hộ chăn nuôi đều chủ động tự xịt khử trùng thường xuyên, chứ không để nhân viên thú y làm vì như thế đảm bảo an toàn dịch bệnh hơn cho đàn vật nuôi. Đây cũng là hộ gia đình thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh, rất đáng để nhân rộng”, ông Phụng cho hay.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.