| Hotline: 0983.970.780

Những miền quê đáng sống

Thứ Năm 09/12/2021 , 07:06 (GMT+7)

Nông thôn mới ở Thanh Hóa tạo ra nhiều miền quê đáng sống. Nông dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy và được thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa tinh thần.

Triệu Sơn là địa phương đã hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM) và đang nâng cao các tiêu chí, xây dựng các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thọ Vực được chọn là xã điểm.

Những con đường từ sức dân ở xã nông thôn mới Thọ Vực. Ảnh: VD.

Những con đường từ sức dân ở xã nông thôn mới Thọ Vực. Ảnh: VD.

Bà Lê Thị Hải, thôn 6, xã Thọ Vực năm nay đã ở tuổi thất thập. Chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương nhưng bà cũng chưa từng nghĩ, Thọ Vực lại có được diện mạo như ngày hôm nay. Con đường trước nhà bà không chỉ được đổ bê tông rộng rãi, bề thế mà còn ngập tràn sắc hoa, cây cảnh. Tường rào, dù được bê tông hóa nhưng gia đình nào cũng ý thức được phải trồng cây xanh để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Chiều chiều, người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ ra các bồn hoa trước nhà tưới cây; mỗi gia đình đều  có thùng đựng phân loại rác thải…

“Ra ngõ là gặp hoa cây cảnh. Nông thôn giờ không rác thải bẩn như trước nữa là nhờ có đội thu gom rác thải. Con đường hoa hay các phong trào ở đây đều được chính quyền giao cho các tổ chức hội phụ trách. Mọi người đều có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và cộng đồng. Chưa bao giờ tôi thấy quê hương lại đáng sống như bây giờ” – bà Hải phấn khởi.

Ông Lê Công Thân, Chủ tịch UBND xã Thọ Vực cho hay, năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo xã Thọ Vực xây dựng NTM nâng cao và được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.

Người dân đồng thuận hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo ra những con đường rộng thênh thang ở các xã NTM. Ảnh: VD.

Người dân đồng thuận hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo ra những con đường rộng thênh thang ở các xã NTM. Ảnh: VD.

Hàng trăm hộ dân xã Thọ Vực đã đồng tình hiến đất. Chỉ riêng năm 2021, trên 200 hộ dân của 7/7 thôn xã Thọ Vực đã hiến trên 3.200 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Đến nay, Thọ Vực đã bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường trong xã. Sau khi hiến đất, các hộ giúp nhau xây lại tường rào; từ các nguồn hỗ trợ của cấp trên và sức dân đóng góp, người dân trong thôn đã đổ bê tông các tuyến đường.

 “Con đường này trước đây vừa cong vừa chật hẹp. Hưởng ứng lời kêu gọi của xã về mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng một nông thôn mới nâng cao, gia đình tôi đã tự nguyện hiến trên 100 m2 đất ở trước nhà để nới rộng con đường. Nay thì đường rộng thênh thang, 2 xe ô tô có thể tránh nhau được” – bà bà Lê Thị Nương, trú tại thôn 6, xã Thọ Vực phấn khởi.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, đi trên những con đường bê tông rộng thênh thang, ngập tràn hoa, cây cảnh, ông Lê Công Thân, Chủ tịch UBND xã Thọ Vực dừng lại trước những hồ nước trước các thôn, trước nay chủ yếu trồng lúa. Sắp tới, những hồ nước sâu này sẽ được dồn đổi để những hộ có điều kiện nhận trồng hoa, nuôi cá vừa tạo cảnh quan vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

Người dân là chủ thể, biến nông thôn thành những miền quê đáng sống. Ảnh: VD.

Người dân là chủ thể, biến nông thôn thành những miền quê đáng sống. Ảnh: VD.

Ông Thân cho rằng, cuộc sống tinh thần đang từng bước được đáp ứng nhưng đi kèm với đó là cuộc sống vật chất ngày phải được nâng lên. Chính nhờ có nhiều hơn cơ hội việc làm, thu nhập của người dân Thọ Vực đã không ngừng tăng lên. Năm 2015, khi về đích NTM, thu nhập bình quân đầu ngời của xã Thọ Vực là 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 4,99%. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Thọ Vực đạt 48,3 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,23%.

“Ở Thọ Vực, nông nghiệp vẫn là chủ đạo nhưng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 200 người do hầu hết các khâu đã được cơ giới hóa. Sắp tới, trên địa bàn xã sẽ có 2 công ty đi vào hoạt động và có thể thu hút nhận toàn bộ lao động của xã” – ông Thân chia sẻ.

Ông Mai Nhữ Thắng, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho hay, không chỉ Thọ Vực mà các xã trên địa bàn huyện đều đạt các tiêu chí NTM bền vững và đang trên đà củng cố, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Để thu hút lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, Triệu Sơn đã xây dựng 4 cụm công nghiệp. Năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt trên 9 nghìn tỷ đồng, gấp 5,42 lần năm 2010. Các xã đã khôi phục, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới, đến nay đã thu hút và tạo việc làm cho trên 7.500 lao động, thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/người/năm…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.