| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi nhà an toàn trước thiên tai

Thứ Năm 11/05/2023 , 14:19 (GMT+7)

Quảng Bình Nhà an toàn chống chịu bão, lũ không chỉ giúp các hộ nghèo yên tâm sản xuất, mà còn xây dựng cộng đồng an toàn, giảm tác động, thiệt hại của thiên tai.

Địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có hai con sông chảy qua những vùng dân cư nên thường xuyên gây nên lũ lụt. Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Việc xây những căn nhà an toàn chống chịu bão, lũ không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, mà còn xây dựng cộng đồng an toàn, giảm tác động, thiệt hại của thiên tai”.

Ngôi nhà '3 cứng'

Từ năm 2021 đến nay, thông qua kết nối từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và tổ chức World Share đã hỗ trợ xây dựng 112 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn Quảng Bình.

Theo ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đợt lũ lịch sử năm 2020, đơn vị đã chủ động tìm kiếm các gói hỗ trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài và tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi UNDP đề nghị hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2020 cho tỉnh Quảng Bình.

Ngôi nhà an toàn tránh lũ của gia đình anh Nguyễn Văn Cường đang được xây dựng. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngôi nhà an toàn tránh lũ của gia đình anh Nguyễn Văn Cường đang được xây dựng. Ảnh: Tâm Phùng.

Những năm gần đây, tần suất bão, lụt xảy ra rất cực đoan, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản. Nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân nghèo vùng thiên tai, UNDP đã viện trợ gần  8,7 tỷ đồng xây dựng 112 nhà kiên cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.

Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 68 triệu đồng cùng với tiền đối ứng của gia đình để xây dựng những căn nhà vững chắc, có khả năng chống chịu trước thiên tai.

Được biệt, 112 căn nhà này do Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình phối hợp thiết kế trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” của UNDP do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ; được xây dựng theo nguyên tắc ba cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng).

Nhà phải có sàn tránh lụt cao hơn mức ngập lụt cao nhất từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà. Sàn tránh lụt có diện tích sử dụng tối thiểu là 10m2.

“Mái nhà làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt như ngói hoặc tôn. Đối với mái ngói hoặc mái tôn, phải được gia cố bằng các thanh giằng chắc chắn.Trên tầng lửng có một cửa sổ lớn được sử dụng như một lối thoát khi cần di tản trong lũ lụt”- ông Hoàng Đức Thiện chia sẻ thêm..

Trong khuôn khổ của dự án, huyện Quảng Ninh có 51 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà. Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện nói: “Hiện trên địa bàn chúng tôi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự hỗ trợ để xây dựng nhà an toàn trước mưa lũ. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chúng tôi cũng rất mong muốn các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay góp sức hỗ trợ bà con để vượt lên khó khăn do thiên tai gây ra, ổn định cuộc sống lâu bền”.

Trong những ngày tháng 5 này, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo gấp rút thi công 40 nhà vượt lũ cho bà con ở vùng ngập sâu của huyện Bố Trạch.

Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay: “Những năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã liên kết, phối hợp với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước thực hiện xây nhà vượt lũ an toàn cho bà con. Đã có trên 50 nhà vượt lũ kiên cố đã được trao cho các hội viên nghèo tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch... Qua đó, đã góp phần ổn định cuộc sống của bà con trước hiểm họa thiên tai”.

Cũng theo ông Sỹ, năm nay Hội  Nông dân Quảng Bình cũng đã phối hợp với nhà tài trợ xây dựng 40 nhà tránh lũ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, chúng tôi đã triển khai xây dựng được 20 nhà, 20 nhà còn lại đang trong giai đoạn khảo sát và làm các thủ tục cần thiết. Khi đầy đủ hồ sơ, chúng tôi sẽ nhanh chóng khởi công.

Ngôi nhà của bà Trần Thị Hiền đã được bàn giao đưa vào sử dụng giúp cho gia đình an tâm khi mưa bão đến. Ảnh: Công Điền.

Ngôi nhà của bà Trần Thị Hiền đã được bàn giao đưa vào sử dụng giúp cho gia đình an tâm khi mưa bão đến. Ảnh: Công Điền.

Những niềm vui an cư

Chúng tôi ghé về xã Tân Ninh, nơi vùng rốn lũ ngập sâu của huyện Quảng Ninh. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Một số gia đình đã đưa nhà vượt lũ an toàn vào sử dụng. Những tài sản, lương thực được đưa lên tầng cao nên bà con rất an tâm”.

Nhà bà Trần Thị Hiền, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh), tường sơn, ngói mới nổi bật lên giữa mảnh vườn xanh um. Bà Hiền là người khuyết tật và là hộ nghèo ở địa phương. Chồng bà  đã mất, con cái đều đã lập gia đình và ở xa nên một mình bà sống trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp.

Hàng năm, mỗi khi nghe thông tin dự báo sắp có mưa bão, bà lại phải lặn lội về nhà con gái ở xa để trú ngụ qua ngày. Nhớ lại trận lũ lớn năm 2020, bà Hiền kể: “Khi đó, ngôi nhà tôi bị ngập sâu trong lũ. Bản thân tôi được xã đưa ra ở tại trụ sở. Khi lũ xiết thì đồ đạc trong nhà hầu hết bị trôi, hư hỏng. Sau lũ, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”.

Từ 68 triệu đồng được hỗ trợ, cùng với sự giúp đỡ của con cái, bà con hàng xóm, bà Hiền đã có được ngôi nhà kiên cố, có gác lửng rộng, mái kèo lợp ngói vững chắc. Trên gác lửng, bà Hiền đưa cái rương đựng thóc lên đó.

Bà bảo: “Từ nay về sau, bão lũ đến mấy tôi cũng không còn sợ nữa rồi. Cơm gạo, thức ăn, củi nước đều được chuẩn bị sẵn. Lũ có đến chục ngày cũng không lo đói. Mà mái lửng nhà rộng, có thể cho nhà hàng xóm ở nhờ”- bà Hiền bộc bạch.

Cùng trong thôn, có bà Nguyễn Thị Trà (70 tuổi) đang sống một mình trong căn nhà cấp 4 nhỏ. Cứ mỗi lần nghe mưa gió về là bà lại giật mình nhớ lại trận lũ cách đây 3 năm về trước. Đang đêm, bà phải lập cập chui lên mái ngói kêu cứu vì lũ lên quá nhanh mà bà thì chưa kịp đi sơ tán. May có thuyền của lực lượng xung kích đến cứu bà kịp thời. Nhưng xoong nồi, lúa gạo thì bị cuốn theo dòng lũ dữ.

Bây giờ thì bà Trà không còn ngại chi mưa lũ nữa. Nhà đã có cầu thang bê tông dẫn lên mái thượng. Trên đó rộng rãi và ấm cúng. Bà đã đưa hết lúa gạo lên đó, rồi cả chăn màn mùa đông cũng được xếp gọn ở đây.

Bà vui lắm: “Vậy là không lo chi nữa. Cứ nghe đài báo mưa lũ là chuẩn bị cá mắm, trứng vịt đầy đủ trong chục ngày. Mưa lũ đến mấy cũng không lo. Mà có được nhà tránh lũ an toàn như vậy mấy chú bên ủy ban cũng đỡ lo cho tui để rất tay lo cho người khác”.

Chúng tôi đã về thôn Cù Lạc (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) ghé thăm nhà anh Trần Văn Cường đang trong giai đoạn thi công.

Trên gác lửng tránh lũ, bà Nguyễn Thị Trà thu xếp tài sản và rất an tâm khi lũ đến. Ảnh: Tâm Phùng.

Trên gác lửng tránh lũ, bà Nguyễn Thị Trà thu xếp tài sản và rất an tâm khi lũ đến. Ảnh: Tâm Phùng.

Anh Cường là người khuyết tật, cách đây khoảng 5 năm không chịu được cảnh khó, vợ anh đã bỏ đi để lại cho anh nuôi 2 đứa con còn đi học trong căn nhà xây gạch thấp nhỏ. Ước mơ của anh dần trở thành sự thực khi được Chi hội Nông dân chọn hỗ trợ xây căn nhà tránh lũ.

“Dù nhà còn tháng nữa mới hoàn thiện nhưng tôi mừng đến độ cứ thấy người khỏe ra, làm việc không biết mệt. Anh em xóm làng kẻ giúp công, người thêm xe đá, xe cát… cho tôi nhanh có nhà mới. Đến mùa lũ, tôi cũng sẽ bảo mấy nhà xung quanh đây đến ở nhà  tôi cho an toàn nữa đó”, anh Cường xúc động nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Hiện nay, nhiều gia đình cũng đang trong khó khăn nên chưa dám nghĩ đến chuyện xây một căn nhà vững chãi trước thiên tai. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác, vận động các nhà hảo tâm để chia sẻ với bà con, xây những căn nhà an toàn trong mưa bão”.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.