| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân 'bốn chấm' ở miền Tây: U80 và cơ duyên với gạo huyết rồng

Thứ Ba 01/03/2022 , 11:00 (GMT+7)

Trong một lần thu hoạch lúa, ông tình cờ phát hiện bụi lúa lạ giữa ruộng, bóc vỏ trấu ra, hạt gạo bên trong to hơn bình thường, màu đỏ sậm như trái mận chín…

Đó là khởi đầu câu chuyện về giống lúa cổ, lúa huyết rồng của ông Lê Văn Đấu (Tư Đấu), chủ cơ sở sản xuất gạo huyết rồng Năm Đấu, ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Gặp cây lúa quý nhờ yêu ruộng

Từ UBND xã Phú Thành A, chúng tôi theo chân ông Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Hùng, đi qua khá nhiều cua, quẹo và những cây cầu bê tông dân sinh cao vồng, bắc qua những nhánh sông nhỏ, kênh, rạch, cuối cùng cũng dừng lại trước cánh cổng rộng, bên trên treo tấm bảng “Cơ sở sản xuất Năm Đấu”. Phía trong là một ngôi nhà dựng theo kiểu Tây Nam bộ xưa với phần khung gỗ, sàn cao, mái ngói, sân rộng.

Ông Tư Đấu ra tận cổng đón khách với sự xởi lởi, nhiệt tình vốn có của người nông dân miền Tây. Năm nay đã 75 tuổi, nhưng nhìn ông còn khá khoẻ mạnh: Thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, nước da rám nắng, sắc diện hồng hào, giọng nói, tiếng cười sang sảng, bước đi nhanh nhẹn.

Ông Tư Đấu đang giới thiệu sản phẩm gạo huyết rồng sấy. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tư Đấu đang giới thiệu sản phẩm gạo huyết rồng sấy. Ảnh: Phúc Lập.

Vồn vã mời chúng tôi vào chiếc bàn tròn ngay sân nhà, bên trên đã bày sẵn những trái dừa. “Ngồi nghỉ cho đỡ mệt, vừa uống nước dừa cho mát”, ông Đấu cười, khoe hàm răng chắc khoẻ, xỉn màu. Giây lát, ông nói tiếp: “Tôi giao cơ sở này lại cho thằng Nhân (Lê Nhân, con trai thứ 4 của ông) nó làm hết rồi. Tôi chỉ phụ khi nào nó nhiều việc quá, làm không xuể thôi”. “Chú thứ tư, lẽ ra phải là Tư Đấu mới đúng, sao tên cơ sở lại là Năm Đấu?”, tôi cười, thắc mắc. Ông cũng cười, đáp: “Thứ năm là vợ tôi. Tôi lấy thứ của bà ấy ghép vào tên tôi cho bả vui”.

Không chỉ tính cách hào sảng, ông Tư Đấu còn là người khá bản lĩnh, đi lên từ 2 bàn tay trắng. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch xã Phú Thành A kể: “Chú Tư ngày xưa cũng đi bộ đội, xuất ngũ về lấy vợ, rồi đẻ 6 người con, mà gia tài chỉ có mấy công ruộng. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chú từng làm chủ một cơ sở sản xuất đồ nhôm nổi tiếng ở vùng này”.

Dây chuyền xay xát, tách màu gạo trị giá hơn 3 tỷ đồng của cơ sở Năm Đấu. Ảnh: Phúc Lập.

Dây chuyền xay xát, tách màu gạo trị giá hơn 3 tỷ đồng của cơ sở Năm Đấu. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi hỏi ông Tư Đấu: “Cơ sở nhôm đó sau này thế nào? Sao chú không làm tiếp?”. Ông Tư kể: “Tôi làm nhôm từ hồi còn bao cấp. Khi đó tôi lên tận Sài Gòn, xin vào cơ sở chuyên làm đồ nhôm ở khu vực ngã 7 chợ Chuồng bò (ngã 7 Lý Thái Tổ, Q.10 ngày nay - PV) làm công để học lỏm. Sau đó tôi về mở cơ sở chuyên nấu, đúc các đồ dùng gia đình bằng nhôm. Cơ sở lúc đó cũng phát lắm, cung cấp chính cho thị trường Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, An Giang. Đến khi nhà nước mở cửa, sản phẩm nước ngoài về nhiều, còn sản phẩm trong nước thì trên Chợ Lớn họ làm mẫu mã đẹp hơn, mình không cạnh tranh được, nên đóng cửa. Bao nhiêu vốn liếng tích luỹ được từ cơ sở nhôm, tôi mang ra mua ruộng hết. Nhờ vậy mà bây giờ tôi có chục mẫu ruộng”.

Nói về “duyên phận” với cây lúa huyết rồng, ông Tư Đấu kể: “Tôi có thói quen thường ra thăm ruộng, lâu không ra là nhớ. Mà mỗi khi ra ruộng là coi rất kỹ. Lần đó, tôi ra ruộng lúa gần chín kiểm tra để định ngày thu hoạch, tình cờ thấy bụi lúa lạ, gốc to hơn mấy bụi xung quanh, hạt có đuôi, mập hơn, vỏ trấu có vân sọc tía nhỏ. Thấy lạ nên tôi đánh dấu, khoanh lại. Đến khi thu hoạch, tôi cắt riêng mang về. Bóc vỏ trấu ra coi thì thấy hạt gạo màu đỏ sậm, lúc đó tôi biết đó là gạo đỏ, hay còn gọi là gạo huyết rồng, một giống lúa cổ, lâu đời ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, có giá trị, nên bảo quản riêng làm giống. Vụ sau, khi nhân rộng ra được một mảnh ruộng giống lúa huyết rồng này, tôi xay cả nhà ăn thử, cảm giác của mọi người giống nhau, đó là cơm rất thơm, béo, ngọt, càng nhai kỹ càng ngọt. Tôi có thể ăn cơm này không cần thức ăn mà không có cảm giác nhạt như ăn cơm gạo trắng.

Gạo huyết rồng có lẫn vài hạt gạo trắng, nhưng sau khi tách màu, toàn bộ các hạt trắng đã được lấy ra. Ảnh: Phúc Lập.

Gạo huyết rồng có lẫn vài hạt gạo trắng, nhưng sau khi tách màu, toàn bộ các hạt trắng đã được lấy ra. Ảnh: Phúc Lập.

Điều rất trùng hợp là sau đó không lâu, tôi tình cờ xem một chương trình về sức khoẻ trên tivi, bác sĩ nói về công dụng của gạo lứt đỏ trong việc hạn chế, ngăn ngừa nhiều bệnh, trong đó có tiểu đường, tim mạch. Tôi mừng lắm, nên tập trung nhân giống”.

Khi bắt đầu thu hoạch lúa huyết rồng thương phẩm, ngoài để gia đình ăn, ông Tư Đấu cũng chào bán cho bà con lối xóm và người quen trong ấp, xã. Chỉ một thời gian, tiếng lành đồn xa, gạo huyết rồng của ông được nhiều người thích. Năm 2018, Cơ sở sản xuất Năm Đấu chính thức được thành lập, sản phẩm “Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” được đăng ký thương hiệu độc quyền. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu, làm thêm các sản phẩm từ gạo lứt gồm gạo huyết rồng sấy, bột gạo huyết rồng, bột ngũ cốc trộn bột gạo huyết rồng.

Nhờ sản xuất hiệu quả, cơ sở sản xuất Năm Đấu được Chương trình Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí một phần để đầu tư dây chuyền xay xát, tách hạt, tách màu hiện đại trị giá nhiều tỷ đồng.

Phục tráng giống lúa quý

Hiện nay, ông Tư Đấu có 10ha ruộng, mỗi năm cấy 2 vụ lúa huyết rồng, trong đó, vụ đông xuân năng suất đạt từ 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, còn vụ hè thu năng suất thấp hơn, đạt khoảng 5 tấn/ha. Như vậy, bình quân mỗi năm ông thu khoảng 120 tấn lúa huyến rồng. Trong số này, ông dành khoảng 1/3 để chế biến các sản phẩm như bột gạo, gạo sấy, bột gạo trộn ngũ cốc.

“Đầu ra sản phẩm có ổn định không chú?”, tôi hỏi. Ông đáp: “Tôi ước lượng rồi cân đối nhu cầu thị trường, các mối có sẵn, sau đó mới sản xuất chứ không làm số lượng lớn. Lúa canh tác theo quy trình sạch, không dùng phân hoá học, không phun thuốc, thu hoạch xong, bảo quản lúa trong kho bằng tỏi tươi chứ không dùng hoá chất. Doanh nghiệp trên Sài Gòn họ đặt mua xuất khẩu chứ không phải bán trong nước. Vì thế, chất lượng phải đảm bảo tuyệt đối”.

Anh Lê Nhân, con trai ông Tư Đấu, người đang điều hành cơ sở sản xuất Năm Đấu. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Lê Nhân, con trai ông Tư Đấu, người đang điều hành cơ sở sản xuất Năm Đấu. Ảnh: Phúc Lập.

Nghe tôi thắc mắc về công dụng của gạo lứt huyết rồng, ông Tư Đấu nói: “Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu và biết, gạo huyết rồng có giá trị dinh dưỡng cao, các chất dinh dưỡng có trong gạo huyết rồng được các nhà khoa học chứng minh là có khả năng trị một số bệnh, đặc biệt là chống lại ung thư. Trong gạo huyết rồng có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, vitamin B1, canxi, kali, magiê… giúp bổ xương, bảo vệ răng bà mẹ đang mang thai và trong thời kỳ cho con bú. Còn đối với trẻ em, gạo lứt huyết rồng nhiều canxi, tốt cho sự phát triển hệ thống xương. Gạo lứt huyết rồng cũng là sản phẩm giảm cân hiệu quả mà không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ như dùng mấy viên thuốc giảm cân hay thực phẩm chức năng”.

Ông Tư Đấu: 'Muốn nâng cao giá trị nông sản, thì cần ché biến sâu'. (Trong ảnh, sản phẩm bột gạo lứt huyết rồng và gạo sấy của cơ sở Năm Đấu). Ảnh: Phúc Lập.
Ông Tư Đấu: 'Muốn nâng cao giá trị nông sản, thì cần ché biến sâu'. (Trong ảnh, sản phẩm bột gạo lứt huyết rồng và gạo sấy của cơ sở Năm Đấu). Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tư Đấu: "Muốn nâng cao giá trị nông sản, thì cần ché biến sâu". (Trong ảnh, sản phẩm bột gạo lứt huyết rồng và gạo sấy của cơ sở Năm Đấu). Ảnh: Phúc Lập.

Chỉ mấy liếp lúa nhỏ, quây lưới ngoài sân, mấy chậu nhỏ ươm lúa đặt trên lan can nhà, tôi hỏi: “Lúa gì mà chú trồng trong chậu, trong liếp quây lưới vậy?”. Ông hào hứng kể: “Đó là kế hoạch phục tráng giống lúa huyết rồng thuần chủng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, tư vấn tôi làm đấy. Mình đâu có điều kiện trồng riêng biệt, nên trồng ngoài ruộng lâu ngày chắc chắn sẽ bị thoái hóa, lai tạp các giống khác, không còn giữ được chất lượng như ban đầu nữa. Nên tôi muốn phục tráng để bảo vệ giống lúa quý này”.

Ông Tư Đấu cho biết, quy trình phục tráng rất kỳ công. Ban đầu, phải chọn những bông lúa tốt nhất, mang về cắt bỏ đầu đuôi, chỉ lấy phần giữa, tức khoảng 30% số hạt trong 1 bông, phơi khô, bảo quản. Sau đó, hạt được reo vào từng chậu nhỏ. Khi cây lúa trưởng thành, tiếp lục làm lần thứ 2 giống như lần một. Lặp đi lặp lại 3 lần như vậy mới cho ra loạt hạt giống cuối cùng và mang ra gieo cấy thành phẩm. “Tôi làm giống cũng sắp xong rồi, vụ tới sẽ bắt đầu gieo một thửa lúa huyết rồng thuần chủng”, ông Tư nói.

Ông Tư Đấu kiểm tra liếp lúa giống huyết rồng thuần chủng ở sân nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tư Đấu kiểm tra liếp lúa giống huyết rồng thuần chủng ở sân nhà. Ảnh: Phúc Lập.

“Muốn nâng cao giá trị sản phẩm thì phải chế biến sâu. Ví dụ nếu tôi chỉ thuần bán gạo huyết rồng, thì 1kg gạo chỉ có 23 ngàn đồng, lời rất ít, nhưng chế biến thêm các sản phẩm từ gạo như bột gạo, gạo sấy, bột ngũ cốc trộn gạo như tôi đang làm, thì lợi nhuận từ 1kg gạo sẽ lên tới 75 ngàn, hoặc hơn, tức lợi nhuận gấp 3 - 4 lần”, ông Lê Văn Đấu nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 3] 'Cửa hẹp' cho tàu cá vào cảng

Nhiều tai nạn không đáng có xảy ra khi tàu cá hoàn tất chuyến biển trong lúc vào bờ, do luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng khiến tàu mắc cạn.