| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân 'bốn chấm' ở miền Tây: Hai 'cô gái nhân sâm' vùng đất phèn

Thứ Hai 28/02/2022 , 10:20 (GMT+7)

Họ là nông dân 'thứ thiệt'. Già, trẻ, nam, nữ đều có, nhưng họ khác với số đông, là tạo ra những sản phẩm độc đáo, giá trị cao từ mảnh ruộng của mình.

Sau khá nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn và cả định vị, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được vị trí Ngọc Bích đang đứng đợi trên đường DT839, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Từ đây, chúng tôi tiếp tục theo cô gái nhỏ nhắn này đi vào con đường trải sỏi nhỏ ngoằn ngoèo qua những thôn xóm, kênh mương, đồng ruộng thêm vài cây số.

Khi Ngọc Bích dừng lại, trước mắt chúng tôi là ruộng sâm Bố Chính sắp thu hoạch. Những luống sâm trưởng thành nở hoa đỏ rực, nổi bật dưới ánh nắng buổi trưa gay gắt. “Đây là một trong những vườn sâm của tụi em”, Ngọc Bích nói.

Hai 'cô gái nhân sâm' Nguyễn Phượng Hoàng Cương (trái) và Phan Thị Ngọc Bích. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai "cô gái nhân sâm" Nguyễn Phượng Hoàng Cương (trái) và Phan Thị Ngọc Bích. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thương cha mẹ quanh năm vất vả…

Đây là một vườn sâm trong mô hình sâm Bố chính gần 5ha của 2 cô gái sinh năm 1987 Phan Thị Ngọc Bích và Nguyễn Phượng Hoàng Cương, ở ấp Hoà Tây, xã Bình Hoà Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Sau gần 5 năm gắn bó với cây sâm Bố Chính, hiện mô hình đã ổn định, thu nhập cao gấp vài chục lần so với trồng lúa.

“Tốt nghiệp Đại học Tài chính - Ngân hàng, nhưng ra trường lại làm công việc không liên quan đến ngành đã học, vì sao vậy?”, tôi hỏi.

Ngọc Bích bên vườn sâm Bố Chính chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Phúc Lập.

Ngọc Bích bên vườn sâm Bố Chính chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Phúc Lập.

Ngọc Bích tâm sự: “Tụi em xuất thân từ gia đình nông dân. Vùng Đức Huệ này xưa giờ cây lúa là chủ lực, nhưng đất nhiễm phèn nên năng suất rất không cao, canh tác cũng vất vả hơn các vùng ít nhiễm phèn. Từ khi mới 5 - 6 tuổi, em đã phải cùng các anh chị theo ba mẹ ra đồng phụ nhổ cỏ, cắt lúa, dắt trâu đi cày, chăn trâu, vừa chăn trâu vừa học bài nên hồi đó thường xuyên bị thầy cô la rầy vì tập sách nhem nhuốc bùn đất.

Sống cảnh nhà nông nên em hiểu rất rõ, làm lúa mà muốn giàu thì ít nhất phải có vài chục mẫu, chứ vài sào hay vài mẫu thì chỉ đủ ăn, hoặc kha khá. Người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng sau một vụ lúa, chỉ đủ gạo cho gia đình dùng vài tháng và chút tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày. Không riêng gì gia đình em mà cả những người dân làm nông nghiệp đây cũng vậy.

Ruợu ngâm sâm Bố Chính của Hoàng Ngọc Global, một trong những sản phẩm từ sâm có giá trị cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ruợu ngâm sâm Bố Chính của Hoàng Ngọc Global, một trong những sản phẩm từ sâm có giá trị cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ba em vì làm nhiều, ăn uống thiếu thốn nên càng lớn tuổi sức khoẻ càng kém, thường xuyên phải dùng thuốc Tây trị đau lưng, nhức mỏi. Tụi em phải thường xuyên phải đấm lưng cho ba mỗi buổi tối trước khi ngủ. Đây chính là lý do khiến em không biết từ khi nào nuôi ý tưởng phải tìm loại thảo dược nào đó thay thế thuốc Tây, vừa có tác dụng chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ, vừa chuyển đổi cây trồng, nâng giá trị ruộng vườn quê hương”.

Trong một lần tâm sự về ý tưởng khởi nghiệp với cô bạn thân Hoàng Cương, Ngọc Bích không ngờ bạn mình cũng có chung ý tưởng. Và sau những ngày tìm tòi, nghiên cứu, đi thực tế tham quan học hỏi các mô hình về dược liệu, cuối cùng, họ phát hiện được giống nhân sâm có tác dụng đặc biệt tốt cho khớp, an thần dễ ngủ với tên gọi “Sâm Bố Chính” hay còn gọi là “Sâm tiến vua”. Và quyết định chọn cây này để khởi nghiệp.

Một trong những củ sâm Bố Chính có hình dáng đẹp, có giá gần 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những củ sâm Bố Chính có hình dáng đẹp, có giá gần 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Phúc Lập.

“Sâm Bố Chính là một loại sâm quý của Việt Nam, được phát hiện cách đây khoảng 300 năm tại châu Bố Chính (nay là xã Bố Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chính vì thế, nó có tên là sâm Bố Chính. Theo nhiều tài liệu thì sâm Bố Chính có nhiều dược chất giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp. Ngày xưa sâm Bố Chính là sản vật quý dùng tiến vua”, Ngọc Bích nói.

“Làm trái nghề đã học, chắc khởi nghiệp không dễ dàng?”, tôi hỏi. “Tụi em có lợi thế là sinh ra và lớn lên ngay tại đồng ruộng này, từng làm nông, hiểu rõ thế nào là đất phèn, đất khô ráo hay ngập úng, và biết trồng loại cây gì phù hợp với đất nào. Nhưng riêng cây sâm Bố Chính thì chưa biết gì. Chỉ mới tìm hiểu qua tài liệu, báo chí về công dụng của nó, nắm được lý thuyết về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thôi. Cho nên, khi quyết định làm mô hình sâm, tụi em dành nhiều tháng trời đi tìm hiểu”, Ngọc Bích cho biết.

“Lần đầu trồng có thành công không?”, tôi hỏi. “Do chưa làm đất đúng cách, nên vụ đầu tiên sâm chết khá nhiều, cây sống thì hoặc không có củ, hoặc có củ nhưng không đạt yêu cầu hình thức, chất lượng”, Ngọc Bích đáp.

Thu hoạch sâm Bố Chính ở một mô hình liên kết của Hoàng Ngọc Global. Ảnh: Phúc Lập.

Thu hoạch sâm Bố Chính ở một mô hình liên kết của Hoàng Ngọc Global. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù thất bại, 2 cô gái trẻ không nản chí, vẫn quyết tâm theo đuổi. Sau nhiều lần tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm, trồng đi trồng lại nhiều lần, cuối cùng, họ gặt hái thành công bước đầu. Năm 2019, mô hình sâm của Ngọc Bích - Hoàng Cương đã thành công, đạt năng suất 6 tấn/ha. “Nếu làm đúng, sâm có thể cho năng suất tối đa đến 10 tấn/ha”, Ngọc Bích nói.

Sâm quý, giá bình dân

Quá trình tìm tòi và cho ra những sản phẩm sâm đầu tay, 2 cô gái may mắn gặp được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các sản phẩm sâm Bố Chính nên ngỏ ý hợp tác với cam kết hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, xử lý giống và đầu ra sản phẩm.

Ngọc Bích cho biết: “Áp dụng theo quy trình, hướng dẫn của kỹ sư, chi phí khá cao, lên tới hơn 1 tỷ đồng/ha, nhưng bù lại, năng suất và chất lượng đảm bảo đủ yêu cầu của đối tác. Mặc dù chưa đăng ký tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, nhưng quy trình đều theo hướng hữu cơ, suốt quá sinh trưởng 1 năm của cây, chỉ lót phân bò ủ lâu bên dưới nền lúc mới trồng, sau đó không phun xịt hay bón thêm bất cứ thứ gì. Vì thế, sản phẩm sâm tươi, lá, hoa sâm hoàn toàn đảm bảo về độ sạch”.

Hoàng Cương hiện vẫn đang làm việc tại một công ty ở TP.HCM và lo vấn đề đối tác, còn Bích Ngọc lo mọi việc ở quê nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Hoàng Cương hiện vẫn đang làm việc tại một công ty ở TP.HCM và lo vấn đề đối tác, còn Bích Ngọc lo mọi việc ở quê nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Cũng trong năm 2019, 2 cô gái Ngọc Bích - Hoàng Cương đã thành lập công ty TNHH Hoàng Ngọc Global, chuyên các sản phẩm về sâm. Hiện nay, công ty có nhà xưởng chế biến, kho bảo quản, sơ chế và ra cho ra thị trường gần 30 sản phẩm. Trong đó, củ sâm tươi loại đặc biệt có giá gần 1 triệu đồng/kg, hay bình rượu ngâm củ sâm Bố Chính tươi 5 lít có giá gần 1,5 triệu đồng. Các thành phần khác của cây sâm như hoa, thân, lá, đều tận dụng phơi khô, chế biến thành trà.

Một số sản phẩm làm từ sâm Bố Chính của Hoàng Ngọc Global. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một số sản phẩm làm từ sâm Bố Chính của Hoàng Ngọc Global. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Đầu ra các sản phẩm có ổn định không?”, tôi hỏi. Ngọc Bích đáp: “Hiện nay đầu ra của tụi em phần lớn đã có đối tác bao tiêu. Chỉ một số ít tụi em cung cấp cho các mối quen ở Sài Gòn và Hà Nội. Hiện công ty đã có hợp đồng liên kết với đối tác mở rộng diện tích lên 30ha. Đợt đầu năm 2021, tụi em cũng đã đi khảo sát, liên kết với các hộ dân ở các huyện Long An. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thì chắc xong rồi”.

“Chị đã test thử hàm lượng sâm trong củ sâm Bố Chính này chưa?”, tôi hỏi. ‘Có chứ. Trước mỗi vụ thu hoạch, tụi em đều lấy mẫu mang đi kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy, hàm lượng saponin trong củ sâm Bố Chính rất cao, trong củ sâm này có đến 17 loại Axit amin”, Ngọc Bích đáp.

Mặc dù gắn bó với cây sâm mới hơn 4 năm, lại chẳng có chuyên môn gì về cây trồng, nhưng nay cô gái 35 tuổi này đã nói như một “chuyên gia” về cây sâm: “Em muốn chia sẻ thông tin này để nhiều người biết, nhất là bà con nông dân muốn chuyển đổi cây trồng. Đó là cây sâm Bố Chính có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây sâm này còn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, đây là loại cây rất kén đất, không phải chất đất nào cũng trồng được. Mặc dù nó có thể trồng được ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhưng trên một cánh đồng, có thửa trồng được, có thửa không. Sâm không chịu đất có độ ẩm cao, mưa nhiều ngập úng dễ bệnh, một khi đã bệnh thì rất khó trị”.

Hiện nay, Hoàng Ngọc Global đã liên kết với hơn chục hộ dân trồng sâm Bố Chính trên diện tích 5ha, và đang mở rộng diện tích lên 20 - 30ha. Ảnh; Phúc Lập.

Hiện nay, Hoàng Ngọc Global đã liên kết với hơn chục hộ dân trồng sâm Bố Chính trên diện tích 5ha, và đang mở rộng diện tích lên 20 - 30ha. Ảnh; Phúc Lập.

“Sâm Bố Chính của Việt Nam có chất lượng không thua kém bất cứ loại sâm nào trên thế giới, nên tụi em mong một ngày gần đây, các sản phẩm sâm Bố Chính có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, sẽ có thêm nhiều mô hình trồng sâm nữa, để vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, vừa góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người nông dân, vì đây là một trong những loại sâm có giá khá bình dân”, Phan Thị Ngọc Bích, Giám đốc công ty sâm Hoàng Ngọc Global.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.