| Hotline: 0983.970.780

Những phụ nữ 'đa năng', quán xuyến nghề biển

Thứ Hai 10/10/2022 , 08:21 (GMT+7)

PHÚ YÊN Đi biển hay nuôi thủy sản lồng bè là những công việc rất vất vả, nặng nhọc, nhưng ở Phú Yên, chị em phụ nữ lại đảm trách rất thành thạo mọi việc.

Gánh vác bè nuôi tôm hùm

Phụ nữ ở vùng ven biển tỉnh Phú Yên, từ Thị xã Sông Cầu đến huyện Tuy An rồi vào Thị xã Đông Hòa làm nghề nuôi tôm bằng lồng bè và đánh bắt hải sản. Công việc nhọc nhằn, vất vả nhưng họ luôn yêu nghề, bám biển. Những người chân yếu tay mềm còn được cánh đàn ông khen, giỏi số một.

Sáng, chị Nguyễn Thị Nhung ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu ra bờ biển trước nhà ngồi làm mồi cho tôm. Bạn hàng bán thức ăn cho tôm chở bằng xe đông lạnh, họ “trụm” (bán sỉ), cứ 20.000 đến 30.000 đồng/rổ cá tùy theo lớn nhỏ, rồi cá được cắt bằng kéo, cá liệt thì cắt làm hai, cá nục, cá đổng thì cắt làm ba, còn cá hố cắt làm bốn, năm.

Phụ nữ ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu chèo thuyền ra lồng bè nuôi tôm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Phụ nữ ở phường Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu chèo thuyền ra lồng bè nuôi tôm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

“Chịu khó làm vậy tôm mới ăn mạnh, chứ để nguyên con, tôm nhát ăn lắm! Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống, nó ăn mạnh mình mừng, nó lơ ăn là mình buồn nẫu ruột, đứng ngồi không yên. Lúc trước làm mồi xong, chồng chèo ghe ra bè cho tôm ăn. Mấy hôm nay chồng tôi bệnh, tôi chèo ghe ra bè”, chị Nhung tâm sự.

Cạnh đó, chị Bùi Thị Lan cũng đang làm mồi cho tôm. Chị Lan nhìn vô xóm nhà ven biển ở khu phố Phước Lý, chỗ quán cà phê cóc, những dãy bàn cánh đàn ông ngồi uống cà phê, nói: Đàn ông, sáng cà phê cà pháo nhưng phụ nữ dậy ra biển sớm, ngồi làm mồi.

Chị Lan bảo: Không có tui sức mấy ổng (chồng) nuôi nổi bè tôm. Làm đến trưa đàn ông nằm dài… chờ cơm, còn phụ nữ lại phải đi chợ mua thức ăn, nấu nướng. 

Anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Lan kể: Hồi trước khổ gần chết, sau nuôi tôm phất lên xây được cặp nhà trang trang, trăm chuyện nhờ có bàn tay người vợ. "Tôi là người miền núi nhưng dân biển. Quê tôi ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) theo vợ về dưới này, thời gian đầu tôi về đây, vợ dạy chồng đi biển. Cánh đàn ông chúng tôi nhìn những phười phụ nữ chân yếu tay mềm ở đây giỏi số một và nể phục về sức vóc, sự dẻo dai lại chịu thương, chịu khó của họ".

Empty

Phụ nữ ở xã Xuân Phương, Thị xã Sông Cầu làm công việc nghề biển nặng nhọc. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Chị Phan Thị Hiền ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An làm đủ thứ nghề, ban đầu cầm búa tạ, sau đó đi bán cá. Chị Hiền kể, trước đây chồng chị là anh Huỳnh Văn Bảy làm nghề thợ rèn, chị cùng chồng làm nghề này. Nghề thợ rèn khâu làm nóng buộc phải có 2 người. Từ miếng sắt thép thô sơ muốn làm ra cái rựa, cái dao…, người thợ rèn hầm than cho cháy rực để luộc sắt, thép cho đỏ đến độ mềm, dẻo rồi đặt lên cái đe.

"Chồng cầm cái búa nhỏ gõ xuống chỗ nào thì tôi cầm búa tạ đập mạnh vào chỗ đó. Cái búa nhỏ gõ “làm phép” để chỉ lối, còn cái búa tạ đập “ăn theo” nhưng nhờ sức đập mạnh của búa tạ mới uốn cục sắt, thép thành cái rựa, cái dao. Gần đây đồ sắt làm sẵn bán dạo rất nhiều, tôi chuyển sang chạy cá. Công việc này làm cho tôi yêu nghề, bám biển. Sáng ra bờ biển mua cá từ các ghe, tàu rồi chạy đi bán dạo. Nhờ trước đây tay cầm búa tạ nên giờ tôi lái xe máy rất cứng”, chị Hiền dí dỏm.

Gắn bó nghề truyền thống

Dọc theo bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc, Thị xã Đông Hòa, sáng sớm, những phụ nữ cùng chồng khiêng cá từ tàu ghe lên bờ bán cho thương lái. Chị Huỳnh Thị Xuân ở khu phố Phước Lâm (phường Hòa Hiệp Bắc) đang chất giỏ cá, cho hay: "Vợ chồng tôi sắm tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, tối đi sáng về. Có lần tôi với chồng đi biển, những đêm mưa gió lạnh lẽo, lo nghĩ đủ chuyện, thế nhưng đi biển thành cái nghiệp. Không chỉ tôi mà những phụ nữ ở ven biển theo nghề biển bởi đó là nghề truyền thống của gia đình".

Vừa quấn lại lưới và lưỡi câu cho gọn để xếp lên thuyền, anh Trần Văn Trung, chồng chị Xuân góp chuyện: Mùa hè thì không sao, mùa mưa trời động mà ra biển thì gió lạnh run. Nhiều lúc, thấy vợ vừa căng sức kéo lưới, vừa run cầm cập, mình vừa thương vợ vừa khen thầm vợ trong bụng, phụ nữ có sức, giỏi giang…

Phụ nữ vùng biển TX Sông Cầu làm công việc nghề biển. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Phụ nữ vùng biển Thị xã Sông Cầu làm nhiều công việc nghề biển. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Còn chị Bùi Thị Hiền ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung (Thị xã Đông Hòa) ngồi trước hàng ba vừa nghe cải lương vừa đan lưới. Chị mở cải lương trong điện thoại để trên cửa sổ, âm thanh vang ra hàng ba lảnh lói, tai nghe, tay đan lưới. Chị tâm sự: "Sáng tàu cá nhà tôi vào bờ, tôi bán cá cho thương lái xong rồi về ngồi đan lưới. Tôi thức khuya dậy sớm với chồng vì có hôm do thời tiết, khuya chồng mới đi biển, tôi phụ chồng vác ngư lưới cụ xuống tàu...

Thu nhập từ nghề biển phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết nên có khi kiếm được tiền triệu mỗi chuyến, có khi đủ ăn. Thế nhưng, nhờ tích lũy, vợ chồng tôi xây dựng căn nhà đầy đủ tiện nghi, nuôi con ăn học.

Nghề này cha truyền con nối. Vợ chồng tôi làm nghề biển truyền thống này được gần 20 năm. Tay bưng cá, vá lưới chai sần, gân guốc, thế nhưng sau chuyến chồng đi biển sáng về cá đầy khoang là vui mừng và tôi tiếp tục thức khuya dậy sớm chuẩn bị cho chồng những chuyến đi biển tiếp theo”.

Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên là tỉnh ven biển, phụ nữ ở vùng biển khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, họ luôn bám biển, yêu biển. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ các cấp tiếp tục thắp sáng ngọn lửa “Đội quân tóc dài”, ngọn lửa “Ba đảm đang”, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm