| Hotline: 0983.970.780

Thiếu 2 ngày bám biển do bão Noru, ngư dân mất trắng hàng chục triệu đồng

Thứ Hai 03/10/2022 , 18:34 (GMT+7)

Theo quy định, tàu cá phải bám biển 16 ngày mới được hỗ trợ nhiên liệu dầu, nhưng do bão Noru, nhiều tàu phải cập bờ tránh bão khi chưa đủ ngày nên mất tiền.

Tàu cá BĐ 94021-TS của ngư dân Nguyễn Thành Danh ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: NVCC.

Tàu cá BĐ 94021-TS của ngư dân Nguyễn Thành Danh ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: NVCC.

Nguy cơ mất hỗ trợ nhiên liệu oan ức

Chuyến biển ra khơi vào đầu tháng 9 vừa qua, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định đã vươn khơi đánh bắt được 14 ngày gặp cơn bão Noru. Khi ấy, theo kêu gọi của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, những tàu cá của ngư dân Bình Định đang hoạt động trên biển phải lập tức quay về bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh bão Noru, nhiều tàu đã lập tức quay về bờ theo khuyến cáo.

Thế nhưng, đến ngày quay về bờ để tránh bão Noru, nhiều tàu cá mới bám biển 14 ngày, trong khi theo quy định phải đủ 16 ngày mới được nhận hỗ trợ nhiên liệu. Do bám biển thiếu ngày theo quy định, nên bây giờ những tàu cá nói trên không được ngành chức năng duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu.

Theo ngư dân Hoàng Thanh Dũng, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 93906 TS (410 CV) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), vào ngày 13/9 vừa qua, tàu cá của anh Dũng xuất bến tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát). Đang đánh bắt trên biển cơn bão Noru (cơn bão số 4) hoành hành trên biển Đông. Khi ấy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương liên tục liên lạc kêu gọi các tàu cá đang đánh bắt trên biển phải lập tức quay về bờ để tránh cơn bão được dự báo là có sức gió rất khủng khiếp.

Tàu hậu cần nghề cá BĐ 94300 TS (bìa phải) của ngư dân Trần Văn Rảnh ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang lên đà làm nước. Ảnh: NVCC.

Tàu hậu cần nghề cá BĐ 94300 TS (bìa phải) của ngư dân Trần Văn Rảnh ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang lên đà làm nước. Ảnh: NVCC.

Khi nhận được khuyến cáo của ngành chức năng, anh Dũng rất trăn trở, bởi nếu cập bờ vào lúc này tàu của anh sẽ thiếu ngày bám biển theo quy định. Trong khi theo quy định, tàu cá đánh bắt xa bờ phải đủ 16 ngày bám biển tính cả ngày đi, ngày về mới đủ điều kiện được nhận hỗ trợ nhiên liệu. Nhưng cuối cùng ngày 26/9 tàu anh Dũng vẫn phải vào bờ tránh bão, bị thiếu mất 2 ngày nên anh lo sợ mình mất hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển này.

Khi ấy, anh Dũng có liên lạc về trạm Biên phòng nơi tàu của anh xuất bến. Anh Dũng xin tư vấn về trường hợp tàu của anh còn thiếu 2 ngày, nhưng giờ phải về bờ để tránh bão Noru theo khuyến cáo của các ngành chức năng không biết có được giải quyết hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển này hay không, trong khi về tin nhắn theo quy định tàu cá BĐ 93906 TS của anh Dũng cơ bản đã đủ.

Người trực Trạm Biên phòng Đề Gi trả lời, nếu thiếu tuyến 5-7 ngày mới khó giải quyết, đằng này chỉ thiếu có 2 ngày, lại do tránh bão phải cập bờ nên sẽ ổn thỏa về khoản hỗ trợ nhiên liệu. Thế nhưng, bây giờ ngành chức năng cho rằng do tàu cá BĐ 93906 TS của anh Dũng đi chuyến biển này không đủ số ngày theo quy định nên không được duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu.

“Trước đây, quy định tàu đánh bắt xa bờ chỉ bám biển 15 ngày cả ngày đi, ngày về là đủ để duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu, nay tăng lên 16 ngày. Chuyến biển vừa qua do gặp bão, ngành chức năng và chính quyền địa phương kêu gọi dữ quá nên tôi mới cho tàu quay về bờ theo khuyến cáo, chứ vẫn biết quay về bờ vào ngày 26/9 là còn thiếu tuyến 2 ngày. Trường hợp này bất khả kháng nên ngư dân chúng tôi mong ngành chức năng xem xét, duyệt hồ sơ cho tôi được nhận hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển này. 75 triệu đối với ngư dân chúng tôi rất lớn, bởi mấy năm gần đây đời sống ngư dân khổ lắm, biển đói nên những chuyến biển mất thu nhập, lỗ tổn liên tục”, ngư dân Hoàng Thanh Dũng than thở.

Chuyến biển vừa rồi do tàu cá BĐ 94128 (575 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Bảo ở thôn Vĩnh Lợi 2, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), mới đi có 14 ngày nên không được duyệt hỗ trợ nhiên liệu. Ảnh: NVCC.

Chuyến biển vừa rồi do tàu cá BĐ 94128 (575 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Bảo ở thôn Vĩnh Lợi 2, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), mới đi có 14 ngày nên không được duyệt hỗ trợ nhiên liệu. Ảnh: NVCC.

Hỗ trợ nhiên liệu là động lực bám biển

Ngư dân Nguyễn Văn Bảo, chủ tàu cá BĐ 94128 (575 CV) ở thôn Vĩnh Lợi 2, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chia sẻ: 5 năm trở lại đây biển rất đói, đánh bắt không đạt sản lượng, nhất là trong thời gian gần đây giá nhiên liệu tăng cao, thêm vào đó giá lương thực, thực phẩm, đá lạnh cũng tăng theo giá dầu, theo đó, chi phí mỗi chuyến biển cũng tăng cao so với những năm trước đây.

“Mỗi chuyến biển tàu của tôi phải tiếp 1.000 lít dầu, với giá nhiên liệu hiện nay mất đến 25 triệu đồng. Tàu của tôi hành nghề lưới vây ánh sáng, mỗi chuyến biển phải thuê ít nhất 4 thuyền viên, trước mỗi chuyến biển tôi phải ứng trước cho mỗi thuyền viên 5 triệu đồng, mất 20 triệu đồng nữa. Tiền mua lương thực, thực phẩm để thuyền viên ăn uống trong suốt chuyến biển mất thêm khoảng 5 triệu đồng nữa, vị chi phí tổn của mỗi chuyến biển hiện nay là 50 triệu đồng, đó là chưa kể tiền mua đá lạnh dùng để ướp cá.

Chuyến biển ra khơi vào ngày 13/9, đến 26/9 tàu của tôi phải cập bờ để tránh bão Noru thì bị thiếu mất 2 ngày theo quy định, nên không được ngành chức năng duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu. Do gặp bão nên tàu của tôi mới cập bờ tránh bão ngoài ý muốn, nên tôi mong ngành chức năng xem xét cho tôi được nhận hỗ trợ nhiên liệu để có động lực bám biển để vừa làm ăn, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc”, ngư dân Nguyễn Văn Bảo bộc bạch.

Theo chúng tôi biết, cùng lâm hoàn cảnh như trên còn có trường hợp của ngư dân Nguyễn Thành Danh, chủ tàu cá BĐ 94021 TS và ngư dân Trần Văn Rảnh, chủ tàu cá BĐ 94300 TS cùng ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Riêng tàu cá BĐ 94300 TS của ngư dân Trần Văn Rảnh hành nghề hậu cần nghề cá mấy năm nay cũng làm ăn thất bát.

Chuyến biển vừa rồi tàu của anh Rảnh ra khơi vào ngày 13/9, đến lúc bão Noru hoành hành trên biển Đông, tàu của anh Rảnh phải cấp tập quay về bờ để tránh bão vào ngày 26/9, cũng bị thiếu tuyến 2 ngày nên cũng không được duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu.

Mỗi chuyến biển đánh bắt xa bờ, mỗi ngày thuyền trưởng phải nhắn về trạm bờ 1 tin nhắn thông qua hệ thống HF hoặc thiết bị giám sát hành trình để xác nhận tàu có đánh bắt ở vùng biển xa. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi chuyến biển đánh bắt xa bờ, mỗi ngày thuyền trưởng phải nhắn về trạm bờ 1 tin nhắn thông qua hệ thống HF hoặc thiết bị giám sát hành trình để xác nhận tàu có đánh bắt ở vùng biển xa. Ảnh: V.Đ.T.

“Biết là vào bờ ngày 26/9 tàu của tôi sẽ bị thiếu 2 ngày, nhưng khi ấy Trạm Biên phòng gọi tới tấp, bảo là 15 giờ ngày 26/9 tàu phải cập bờ để tránh bão Noru, chuyện hỗ trợ nhiên liệu Nhà nước sẽ tính sau, mạng người là trên hết, nên tôi chấp hành cho tàu quay về bờ. Nếu không chấp hành quay về bờ tránh bão theo khuyến cáo của ngành chức năng thì tôi sẽ bị hủy toàn bộ các hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu của những chuyến biển trước đó trong năm 2022.

Những chuyến biển gần đây do biển đói nên hầu hết các tàu đánh bắt đều không đạt sản lượng, tàu hậu cần nghề cá của tôi cũng đói theo, trong khi phí tổn mỗi chuyến biển mất đến 50-60 triệu đồng. Như chuyến biển tránh bão Noru tàu hậu cần của tôi lênh đênh trên biển đã 14 ngày nhưng chưa mua được ký cá nào, vẫn phải quay về bờ tránh bão theo khuyến cáo của ngành chức năng”, ngư dân Trần Văn Rảnh chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Kim Chi, vợ của ngư dân Nguyễn Thành Danh cho biết, sau bão Noru chồng chị đã ra khơi đánh bắt trở lại. Chị ở nhà đã làm đơn gửi lãnh đạo và ngành chức năng tỉnh Bình Định xin cứu xét  chuyến biển gặp bão Noru, tàu BĐ 94021 TS của gia đình chị do bị thiếu 2 ngày mới đủ số ngày theo quy định nên không được ngành chức năng duyệt hỗ trợ nhiên liệu oan ức.

“Theo quy định, hiện nay tàu cá đánh bắt xa bờ phải hoạt động trên biển ít nhất là 16 ngày mới được duyệt hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu, quan trọng nhất là phải có xác nhận có hoạt động trên vùng biển xa thông qua hệ thống máy HF hoặc thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, mỗi ngày tàu cá đánh bắt xa bờ phải nhắn về trạm bờ 1 tin nhắn, trong đó có 7 tin nhắn lúc tàu đang hoạt động tại vùng khơi”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.