| Hotline: 0983.970.780

Những thảm họa rò rỉ chất độc: Vụ rò rỉ khí độc khiến hơn 5.000 người chết ở Ấn Độ

Thứ Ba 17/09/2019 , 09:38 (GMT+7)

Khi khí độc len lỏi vào những ngôi nhà tranh vách gỗ của người dân tại thành phố nghèo Bhopal, Ấn Độ, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng hàng xóm đang đốt ớt khiến mình cảm thấy khó chịu.

Những nạn nhân của vụ rò rỉ khí độc ở Bhopal, Ấn Độ, năm 1984. Ảnh: AFP.

Nhưng chạy ra khỏi nhà với đôi mắt cay xè và những cơn ho dữ dội, họ mới nhìn thấy sự tàn phá khủng khiếp của vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất mà thế giới từng thấy: 40 tấn khí methyl isocyanate (MIC) chết người cùng các khí độc khác đã rò rỉ khỏi nhà máy thuốc trừ sâu Union Carbide trong đêm, theo Independent.

Cơn hoảng loạn bắt đầu bùng lên khi người dân liên tục được phát hiện chết trong nhà, trên đường hay chết chìm trong dịch cơ thể của chính mình. Hầu hết đều đang chạy về phía bệnh viện và không biết rằng nhà máy phát tán nguồn khí độc cũng nằm ở hướng đó.

Đến nay, con số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa đêm 2/12 rạng sáng 3/12/1984 ở Bhopal vẫn còn gây tranh cãi. Chính phủ Ấn Độ cho biết 574.000 người đã bị đầu độc và gần 5.300 người trong số này thiệt mạng.

Shehzadi Bee, 63 tuổi, khi ấy đang sống cùng 4 con nhỏ tại một ngôi nhà nhỏ ở Blue Moon Colony, gần đường chính dẫn tới nhà máy thuốc trừ sâu. Khu dân cư của bà là nơi đầu tiên khí độc tràn tới trong thành phố. Khi nghe tiếng hỗn loạn bên ngoài, bà vội vã đưa các con tháo chạy và may mắn khi tìm thấy một chiếc xe tải đang sơ tán mọi người tới nơi an toàn.

“Lúc tôi và các con vừa lên xe, cảnh tượng thật khủng khiếp. Tất cả mọi người đều thở rất khó khăn, mắt nóng rát, nôn ọe và đại tiện mất kiểm soát. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra”, Bee kể. “Mọi người liên tục ngã ra bất tỉnh. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều, rất nhiều người chết bên trong xe”.

Xe tải đưa Bee và các con tới Lal Ghati, khu vực gần sân bay, cách xa nơi rò rỉ khí độc. Chồng bà phải điều trị tại bệnh viện hai tháng vì chứng đau tức ngực và mất thị lực. Gia đình bà chịu “không ít vấn đề sức khỏe” kể từ sau thảm họa. Bee cho biết bà nhận được tổng cộng 25.000 rupee (hơn 330 USD) tiền bồi thường, trả dần trong 5 năm.

Tới nay, Union Carbide, hiện do công ty đa quốc gia Mỹ Dow Chemical sở hữu, chưa trả một đồng nào cho những người bị ảnh hưởng, chính phủ Ấn Độ cho hay. Tòa án Tối cao Ấn Độ năm 1989 chứng kiến việc ký thỏa thuận dàn xếp yêu cầu công ty bồi thường 470 triệu USD cho các nạn nhân song Union Carbide không tuân thủ.

Theo các nhà hoạt động, thỏa thuận trên vốn đã bất công vì nó hạ thấp số người chết và bị ảnh hưởng bởi khí độc. Chính phủ Ấn Độ đang nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao yêu cầu Union Carbide phải trả nhiều tiền hơn nhằm bù đắp chi phí chữa trị của hàng trăm nghìn nạn nhân.

“Mọi người thấy bị lừa dối. Nếu bạn nhìn xung quanh Bhopal, vẫn còn những khu vực mà cứ 5 gia đình lại có một đứa trẻ bị khuyết tật. Họ bị bỏ rơi, phải tự cứu lấy chính mình, bị từ chối khoản bồi thường mà họ cho là hoàn toàn hợp pháp từ công ty Union Carbide”, Rachna Dhingra, thành viên Nhóm Hành động Thông tin Bhopal, thành lập năm 1986, nói.

Tòa án Tối cao đã từ chối một đơn kiến nghị từ chính phủ yêu cầu công ty Dow trả thêm 1,2 tỷ USD. Dựa trên ảnh hưởng sức khỏe lâu dài mà hàng trăm nghìn người tại thành phố phải chịu, số tiền bồi thường trong lần này phải tăng lên tới 8,1 tỷ USD.

Ngay cả những người có tên trong thỏa thuận dàn xếp năm 1989 cũng chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ. Theo điều khoản ban đầu, tiền bồi thường cho gia đình có người chết là 100.000 rupee, tương đương hơn 1.200 USD.

Bà so sánh số tiền 470 triệu USD mà Union Carbide bị yêu cầu chi trả với khoản tiền phạt 21 tỷ USD mà công ty BP phải chịu vì vụ rò rỉ dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon hồi năm 2010.

Aziza Sultana mới 20 tuổi khi vụ rò rỉ khí xảy ra. Bà lúc bấy giờ đang mang thai và sống cách nhà máy Union Carbide khoảng một km. Giữa đêm, trong lúc ông hai con ngủ, bà thức giác vì những cơn họ không dứt và nôn thốc nôn tháo.

Cổng dẫn vào nhà máy Union Carbide của Mỹ năm 1984, không lâu sau vụ rò rỉ khí độc. Ảnh: AP.

Họ chạy tới bệnh viện gần nhất nhưng nó đóng cửa. Cuối cùng, bà ngất đi bên một đống rác. Thức dậy, Sultana biết mình đã sảy thai.

“Từ đêm đó, 6 người trong nhà tôi bị chứng khó thở mạn tính và 7 người đã mắc ung thư. Hai con tôi cũng bị khuyết tật. Sau khi sảy thai, tôi và chồng quyết định không sinh thêm con”, bà kể. “Gia đình tôi được bồi thường 50.000 rupee (gần 675 USD). Nó chẳng đáng gì và chúng tôi đến giờ vẫn chịu những hậu quả của thảm kịch”.

“Chúng tôi vô cùng giận dữ. Chúng tôi đã khóc than quá lâu rồi. Nếu chúng tôi được bồi thường hợp lý, cuộc sống có thể đã dễ dàng hơn”, bà chia sẻ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất