| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình: Bứt phá trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 30/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nhờ nông thôn mới (NTM) mà đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được nâng cao, tinh thần thoải mái.

17-20-38_nh_1
Đường giao thông được mở rộng, thuận tiện đi lại.

Đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng trở nên “xanh - sạch - đẹp” hơn.
 

Khánh Thiện tiên phong

Khánh Thiện là xã thuần nông nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Khánh. Mặc dù, không được chọn là xã điểm xây dựng NTM, nguồn vốn eo hẹp, xuất phát điểm trung bình, nhưng Đảng ủy, HĐND, UBND xã Khánh Thiện đã không nản chí.

Nhờ sự chung tay đóng góp của bà con nhân dân, nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Khánh Thiện đã thực sự chuyển mình, đổi mới toàn diện.

Năm 2013, Khánh Thiện vinh dự được đón nhận Bằng NTM trong niềm vui phấn khởi. Bởi, đây là 1 trong 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM sớm nhất của tỉnh. Một niềm vui lớn của nhân dân và chính quyền địa phương.

Song, chặng đường xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phía trước vẫn còn dài, Khánh Thiện đã sớm quên niềm vui đó và không ngủ quên trên thành tích. Tất cả hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao năng lực, giữ vững các tiêu chí, đẩy nhanh tiến độ để bước đến đích cuối, đó là NTM kiểu mẫu hiệu quả, bền vững.

Về Khánh Thiện những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự chuyển mình sau công cuộc xây dựng NTM. Nhà ở khang trang, sạch đẹp, điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, đời sống nhân dân được nâng cao.

Đi tới đâu chúng tôi cũng cảm nhận rất rõ sự thay đổi diện mạo ở xã thuần nông này. Khánh Thiện nay đã khác xưa nhiều. Đường đã có tên, nhà đã có số, nhiều bức tường cũ mốc đã được làm mới bằng những tranh tường bức họa, trông rất đẹp mắt. Khánh Thiện thực sự đã khoác lên mình “chiếc áo mới”.

Ông Phạm Mạnh Tưởng (xóm 1) chia sẻ, nhờ NTM mà đường sá, ngõ làng được thay đổi toàn diện, đời sống của người dân được nâng cao, bà con xóm ngõ đoàn kết, chung sức 1 lòng. Chỉ tay vào khu vườn mẫu của gia đình, ông Tưởng vui mừng nói, gia đình ông đã quy hoạch vườn mẫu với tổng diện tích hơn 2.500m2, được thiết kế theo tiêu chí chung của xã, đẹp mắt và thông thoáng. Gồm khu trưng bày cây cảnh, ao giống, nhà phong lan, vườn ươm…

Bởi thế, mà khu vườn mẫu của gia đình ông Tưởng được ví như công viên mini, được chính quyền địa phương “chọn mặt gửi vàng”, là địa điểm để người dân ở các địa phương khác đếm tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Nhờ đó, mà Khánh Thiện sớm hoàn thành 14/14 tiêu chí NTM kiểu mẫu do tỉnh Ninh Bình ban hành. Đặc biệt là có tới 99,73% người dân hài lòng về xây dựng NTM kiểu mẫu.

17-20-38_nh_2
Nhiều bức tường cũ mốc đã được xóa bỏ, thay vào đó tranh tường, trông rất đẹp mắt.

“Sáng ngày 21/12/2019, xã Khánh Thiện đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là xã đầu tiên của tỉnh đón danh hiệu này”, ông Xanh bảo.

Theo ông Xanh, đến nay 100% trục đường xã có lề đường, các tuyến đường trục xã, trục xóm đảm bảo thông thoáng, an toàn, không có vật cản. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 27 hộ (chiếm 1,71%). Hộ cận nghèo giảm còn 49 hộ (chiếm 3,11%). Không có hộ nghèo theo tiêu chí NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%. Toàn xã đã có 2 khu dân cư kiểu mẫu. Tổng nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu từ năm 2014 đến năm 2019 của xã là trên 70 tỷ đồng. Trong đó vốn nhân dân tham gia là trên 28 tỷ đồng (chiếm 43%).
 

Không còn xã nào dưới 10 tiêu chí

Là tỉnh có địa hình khá phức tạp, dân cư không tập trung, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phân bố rộng. Hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường... cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Ninh Bình có điểm xuất phát tương đối thấp. Năm 2011 bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,8 tiêu chí/xã. Có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí, 32 xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 13,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ở mức 12%. Song, xác định Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả hệ thống chính trị.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nhờ vậy, mà đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Hoa Lư, Yên Khánh) và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến đến năm 2020, Ninh Bình sẽ có thêm huyện Gia Viễn đạt chuẩn NTM.

17-20-38_nh_3
Nhờ NTM mà đời sống người dân Ninh Bình được nâng lên, tinh thần thoải mái.

Có 91 xã (chiếm 76,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM, bằng 86% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (106 xã). Tăng 51 xã so với năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 17,8 tiêu chí. Không còn xã đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí.

Điểm mới trong xây dựng NTM ở Ninh Bình là việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM đã được Trung ương áp dụng để nhân rộng trong cả nước…Nhận thức của cán bộ và người dân được nâng lên, thay đổi tư duy về phát triển sản xuất, cán bộ được đào tạo, rèn luyện trưởng thành, niềm tin của người dân đối với Đảng được củng cố. Có thể nói “xây dựng nông thôn mới Ninh Bình ý đảng hợp lòng dân”.

Được biết, giai đoạn 2016 đến 30/6/2019, toàn tỉnh đã huy động được 15.715 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng NTM. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh ước đạt 40,33 triệu đồng/người/năm. Riêng khu vực nông thôn tỉnh Ninh Bình đạt 36,54 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.