Đẩy mạnh công tác chống khai thác bất hợp pháp
Sáng 19/11, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các đơn vị liên quan về tình hình triển khai công tác chống khai thác bất hợp pháp (IUU) và tình hình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên động vật tại địa phương này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.236 tàu cá đã đăng ký, trong đó 909 tàu từ 6 đến dưới 12m; 540 tàu từ 12-15m; 766 tàu từ 15-24m và 21 tàu từ 24m trở lên.
Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, có khoảng 782/787 tàu từ 15m trở lên được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Giấy phép khai thác thủy sản của tàu từ 6-15m đã cập nhật lên hệ thống Vnfishbase là 870 tàu, còn lại chưa cập nhật được lên hệ thống là 579 tàu.
Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua bán tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép; khẩn trương thực hiện rà soát, cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase, thực hiện xóa đăng ký đối với các tàu cá theo quy định tại Điều 72, Luật Thủy sản.
Đồng thời, hướng dẫn ngư dân thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá vào sổ danh bạ thuyền viên, trong đó lưu ý việc đảm bảo đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu cá; đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ thuyền viên theo quy định.
Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định. Chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với các tàu cá vi phạm vùng tuyến hoạt động khai thác, ngành nghề khai thác.
Đến nay, Ninh Thuận có trên 97 % tàu đang hoạt động có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó 100% tàu cá dài từ 24m trở lên đã lắp đặt xong;,còn lại 32 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình do đang nằm bờ hoặc hư hỏng, thua lỗ, chưa có khả năng tham gia khai thác.
Thực hiện nghiêm
Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện có hiệu quả việc giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua thiết bị VMS, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã tổ chức trực ban 24/24, theo dõi từng trường hợp, xử lý theo đúng quy trình, thông báo đến lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, lý do mất kết nối.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Thuận tổ chức rà soát và lên danh sách 149 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để giám sát, kiểm tra. Đồng thời gửi danh sách này đến các địa phương để cùng tham gia kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc giám sát chặt chẽ ngăn chặn ngay các hành vi có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay có 74 trường hợp vi phạm khai thác IUU và đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 88,8 triệu đồng. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 40 vụ/40 đối tượng/49,2 triệu đồng; xử lý cảnh cáo 2 tàu cá về hành vi vượt ranh giới trên biển về phía Campuchia, yêu cầu chủ tàu cá cam kết không vi phạm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện nay chúng ta có Luật Thủy sản nên trước tiên phải kiểm soát và thực hiện tốt luật này. Về phía EC, trước tiên họ sẽ kiểm tra việc chúng ta có thực hiện đúng Luật Thủy sản của chúng ta hay không. Cũng theo ông Luân, việc triển khai Luật Thủy sản hiệu quả sẽ là tiền đề để đi đến phát triển bền vững và lâu dài.
“Chúng ta cần nâng cao năng lực quản lý, tuyên truyền để bà con ngư dân hiểu và thực hiện tốt các quy định. Khi bà con hiểu rồi thì họ sẽ không làm sai”, ông Trần Đình Luân nói và cho biết thêm, hiện nay, chất lượng công trình cảng của Ninh Thuận chưa đạt yêu cầu. Do vậy, địa phương cần hướng đến xây dựng quy mô, sạch sẽ để đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, sở sẽ tiếp thu các ý kiến và hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản và Sở sẽ tổng hợp, gửi UBND tỉnh để hoàn tất trong thời gian tới. Sở cũng kiểm soát lại tổng sản lượng đánh bắt và phối hợp, kết nối với các cảng cá để thống kê, đảm bảo các khuyến nghị của EC.
“Chúng tôi đề xuất Bộ, ngành quan tâm, ưu tiên phát triển hạ tầng cảng biển, đặc biệt là Cảng cá Đông Hải. Thứ 2 là mong Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ địa phương vấn đề nuôi trồng thủy sản để tỉnh sớm phát triển kinh tế biển”, ông Đặng Kim Cương nêu ý kiến.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao quyết tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận khi trong năm 2021 này, dù khó khăn nhưng ngành vẫn tăng trưởng khoảng 7%. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, Ninh Thuận có thế mạnh về thủy sản, nuôi biển nhưng cơ sở hạ tầng cảng biển chưa xứng tầm, đặc biệt là Cảng cá Đông Hải đang rơi vào tình trạng chật hẹp, ô nhiễm nên cần phải đầu tư.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2022, Chính phủ và Bộ NN-PTNT quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU. Do vậy, Bộ đề nghị Sở NN-PTNT Ninh Thuận phải xem xét kỹ, kiểm tra kỹ, thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC. “Không có gì phức tạp mà vấn đề là phải biết được những việc như thế để làm. Phải có tư duy xuyên suốt, ngành thuỷ sản muốn phát triển bền vững thì phải đảm bảo tuân thủ Luật Thủy sản”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Về tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên động vật, hiện nay, tổng đàn gia súc của tỉnh ước khoảng 443.170 con (vượt 5,77% so với kế hoạch 2021), đàn gia cầm 2,3 triệu con (tăng 7,55% kế hoạch và tăng 11,77% so cùng kỳ).
Trong năm 2021, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, heo tai xanh, bệnh dại trên động vật cơ bản được kiểm soát tốt. Riêng dịch bệnh viêm da nổi cục được phát hiện từ hồi tháng 6 và tính đến nay đã có 4.762 con bò nhiễm bệnh. Hiện, bệnh viêm da nổi cục cơ bản được khống chế, 15 ngày qua không phát sinh con bệnh mới.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm phòng 2 đợt với gần 6 triệu liều vacxin cho gia súc, gia cầm. Riêng bệnh viêm da nổi cục, tỉnh đã tiêm vacxin phòng bệnh cho 75.050 con bò, bê đạt 88%, đồng thời triển khai tiêu độc khử trùng.