| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Không làm xuề xòa, vuốt ve

Thứ Năm 11/11/2021 , 19:24 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành các giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU trước năm 2022, đặc biệc là việc truy xuất nguồn gốc hải sản.

10 tàu đánh bắt xa bờ chưa lắp thiết bị giám sát hành trình

Ngày 11/11, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra, làm việc với tỉnh Hà Tĩnh xung quanh việc thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU và công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh dịp cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp tại Hà Tĩnh. Ảnh: Võ Dũng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp tại Hà Tĩnh. Ảnh: Võ Dũng.

Theo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh có 110 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó, số tàu chiều dài từ 24m trở lên là 13 chiếc; tàu từ 15 đến dưới 24m là 97 chiếc.

Để giám sát hoạt động tàu cá trên biển, thời gian qua Hà Tĩnh đã nâng cấp hoàn chỉnh trạm bờ (Chi cục Thủy sản) đảm bảo kết nối thường xuyên với các tàu cá. Hỗ trợ ngư dân một lần 70% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

“Tính đến nay 100/110 tàu cá đã lắp thiết bị VMS (đạt 91%). Hiện còn 10 tàu chưa lắp, trong đó Thị xã Kỳ Anh 9 tàu, huyện Nghi Xuân 1 tàu. Nguyên nhân các tàu này chưa lắp thiết bị giám sát hành trình là do tàu cá nằm bờ dài ngày, không hoạt động nên các chủ tàu chưa có ý thức chấp hành quy định”, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin.

Đối với việc giám sát sản lượng bốc dỡ hàng hóa qua cảng, Ban quản lý (BQL) các cảng cá Hà Tĩnh thực hiện thường xuyên. Ngư dân cũng đã chủ động ghi nhật ký khai thác, nộp cho cảng cá kịp thời, tuy nhiên chất lượng nhật ký khai thác chưa cao.

“Từ đầu năm đến nay, BQL các cảng cá đã kiểm soát hơn 3.000 tấn hải sản các loại lên cảng; sản phẩm hải sản khai thác của Hà Tĩnh chủ yếu tiêu thụ nội địa và chưa có tổ chức, cá nhân nào xin cấp xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác”, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh nói.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết thêm, mặc dù Hà Tĩnh không có đội tàu đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, song đội tàu các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An… hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh khá lớn nên không tránh khỏi việc khai thác bất hợp pháp; việc giám sát, quản lý cũng gặp không ít khó khăn.

“Không ít lần các tổ công tác tiến hành truy đuổi tàu cá vi phạm nhưng không thể bắt giữ, xử lý vì tàu của lực lượng chức năng quá “già yếu”. Hơn nữa lực lượng tham gia truy đuổi cũng không được trang bị công cụ hỗ trợ nên rất nguy hiểm”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Một vướng mắc khác địa phương này đang gặp phải là việc đánh dấu tàu cá và kẻ vẽ biển số chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đúng theo quy định hướng dẫn. Nguyên nhân được xác định do chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc sát sao và cũng chưa hướng dẫn cụ thể cho chủ tàu.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản phối hợp lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương đã tổ chức hơn 20 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên 500 lượt tàu cá khai thác hải sản trên biển. Phát hiện, xử lý 45 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hành chính hơn 600 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm của tàu cá chủ yếu lặp đi lặp lại như thiếu hồ sơ tàu cá, không kẻ biển số tàu, không trang bị hoặc không có tín hiệu giám sát hành trình; sử dụng chất cấm, ngư lưới cụ cấm để khai thác hải sản…

Hiện nay, tồn tại lớn nhất của Hà Tĩnh là thực trạng tàu cá làm nghề dã cào hoạt động ven bờ. Mặc dù chế tài xử phạt đã có, song chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát hạn chế nên không thể truy quét triệt để.

Xây dựng ngành thủy sản bền vững

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tổ chức đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ sống còn của ngành thủy sản cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một ngành thủy sản bền vững mà muốn bền vững thì phải vừa khai thác, vừa bảo tồn, vừa nuôi.

“Lần này đã là lần thứ 3 đoàn vào Hà Tĩnh kiểm tra IUU. Hiện địa phương vẫn còn một số tồn tại. Sau khi về Bộ sẽ có văn bản, đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các lực lượng xắn tay vào, khắc phục ngay tồn tại, không làm xuề xòa, vuốt xe, nhất là việc truy xuất nguồn gốc hải sản, quản lý tàu cá ra vào cảng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hà Tĩnh đang nỗ lực cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU. Ảnh: Việt Khánh.

Hà Tĩnh đang nỗ lực cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" IUU. Ảnh: Việt Khánh.

Riêng với đội tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, phải tổ chức lắp toàn bộ. Đồng thời, rà soát lại hệ thống tàu thuyền trên toàn tỉnh, có số hiệu, tên tuổi, lịch sử hoạt động. Tránh trường hợp con số báo cáo vẫn có chiếc tàu đó nhưng thực tế tàu đã bán đi tỉnh khác hoặc bị chìm…

Việc ghi chép tại cảng cá phải đảm bảo tính chính xác hơn nữa, không để tình trạng báo cáo, ghi chép đối phó. BQL cảng cá Hà Tĩnh cần phối hợp BQL cảng cá các tỉnh khác để quản lý tàu thuyền chặt chẽ hơn.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trước mắt UBND tỉnh sẽ chỉ đạo huyện Nghi Xuân và Thị xã Kỳ Anh yêu cầu 10 tàu cá còn lại lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 31/12/2021. Chủ tàu nào không chấp hành kiên quyết không cho ra khơi khai thác hải sản.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã ven biển hoàn thành việc đánh dấu tàu cá cho 100% tàu trước ngày 30/11/2021.

Về lâu dài, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Hà Tĩnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh 1 tàu kiểm ngư có công suất 1.000 CV để nâng cao vai trò lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển. Bố trí nguồn lực hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao năng lực, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão đang giang dở.

Chăn nuôi đảm bảo nguồn cung dịp tết

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh cho hay, mặc dù thời gian qua Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò phát sinh ở một số địa phương nhưng ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương bao vây kịp thời nên hiện tương đối ổn định. Đây là tiền đề để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Hiện các chỉ tiêu về tổng đàn, sản lượng các đối tượng vật nuôi cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Vì vậy, nguồn thịt cung ứng dịp tết sẽ đảm bảo”, ông Hùng nói.

Cụ thể, tổng đàn lợn của Hà Tĩnh đang có hơn 392 ngàn con, trong đó lợn nái 46 ngàn con, đủ cung ứng giống cho hoạt động tái đàn trên địa bàn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 115 ngàn tấn, tương đương năm 2020, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong và ngoại tỉnh.

Ngoài đàn lợn, chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn cũng khá lớn với hơn 237 ngàn con. Đàn gia cầm hơn 10 triệu con.

Thời gian tới, Hà Tĩnh chú trọng khuyến khích tái đàn ở khối trang trại, gia trại; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tại các huyện trọng điểm chăn nuôi như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Sơn..., các trang trại cũng đã lên dây cót chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Tết. Cụ thể, dự trữ nguồn lợn giống; thả nuôi hết công suất các dãy chuồng. Thậm chí, một số trại mở rộng quy mô trang trại, gia trại.

Công Điền

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.