Hồ chứa đảm bảo nước cho mùa khô 2022
Hiện nay, Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận (Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận) đang quản lý, vận hành, khai thác 21 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế là 194,49 triệu m3, trong đó có 15 hồ chứa nước lớn, 5 hồ chứa nước vừa và 1 hồ chứa nước nhỏ, 4 đập dâng trên sông Cái, 30 trạm bơm vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh để cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận và sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích cấp nước tưới hàng năm khoảng 71.000ha.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và trải đều khắp tỉnh. Tổng lượng mưa đo được từ ngày 7-11/11 tại các hồ chứa giao động từ 100-300mm, trong đó lượng mưa lớn nhất là tại lưu vực hồ Sông Trâu trên địa bàn xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, giao động từ 280-320mm; lượng mưa nhỏ nhất đo được ở hồ CK7 thuộc xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam dao động từ 100-160mm.
Theo ông Lê Phạm Hoà Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là vùng nắng nóng quanh năm, lượng mưa rất ít. Trước đợt mưa này, các hồ chứa do công ty quản lý đạt dưới 50% dung tích thiết kế. Do đó, đợt mưa này đã góp phần bổ sung một lượng nước rất quý cho các hồ chứa, giúp cho công ty cơ bản đảm bảo nguồn nước cấp phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2022.
“Tính đến nay, tổng lượng nước đến các hồ chứa trong đợt mưa này đã bổ sung được khoảng 66 triệu m3, góp phần nâng cao dung tích của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt các hồ chứa có dung tích thấp trước khi mưa như Sông Trâu, Bà Râu, Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Nước Ngọt, Tà Ranh đến nay lượng nước đã cơ bản đầy hồ...
Mặc dù hiện nay trên địa bàn không còn mưa lớn, tuy nhiên trong những ngày tới lượng nước trong các hồ chứa còn thiếu sẽ tiếp tục được bổ sung. Riêng đối với những hồ chứa có dung tích lớn đạt và vượt mực nước thiết kế đang được công ty vận hành phòng lũ, xả lũ theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt”, ông Lê Phạm Hoà Bình cho biết.
Theo Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận, tính đến 6 giờ sáng ngày 12/11, tổng lượng nước trong 21 hồ chứa do công ty quản lý đạt khoảng 150 triệu m3, tương đương với trên 75% dung tích thiết kế. Hiện nay có 13 hồ chứa chủ yếu là các hồ nhỏ đang phải vận hành xả nước, trong đó hồ Tân Giang có dung tích 13,39 triệu m3, hiện đã đầy nước phải xả với lưu lượng 80m3/s, hồ Trà Co có dung tích thiết kế 10,1 triệu m3, hiện đang phải xả nước qua tràn với lưu lượng 98 m3/s, Hồ Bà Râu có dung tích thiết kế 4,67 triệu m3, hiện phải xả qua tràn với lưu lượng 39 m3/s…
Tuy nhiên, một số hồ chứa hiện lượng nước chưa đầy nhất là hồ có dung tích lớn, Công ty thuỷ nông Ninh Thuận đang tiến hành tích nước như: Hồ Sông Sắt có dung tích 69 triệu m3, hiện nay mới tích được trên 46 triệu m3, hồ Sông Trâu có dung tích trên 31 triệu m3, hiện đã tích được 28 triệu m3, hồ Lanh Ra có dung tích 13,88 triệu m3, hiện nay mới tích được trên 7 triệu m3... Dự kiến trong những ngày tới những hồ chứa này sẽ tích đủ nước.
Riêng hồ chứa nước Sông Biêu có dung tích thiết kế 23,78 triệu m3 nhưng đến nay mới tích được khoảng 8 triệu m3, nguyên nhân là do lưu vực của hồ mưa nhỏ, lượng nước về thấp trong những ngày qua. Còn đối với hồ thuỷ điện Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, cung cấp nước tưới cho trên 16.000ha cây trồng và cấp nước sinh hoạt cho người dân tỉnh Ninh Thuận có dung tích thiết kế 165 triệu m3, hiện cũng đã tích đầy nước.
Không chủ quan với mưa lũ
Theo ông Lê Phạm Hoà Bình, thời gian tới dự báo Ninh Thuận tiếp tục có mưa, để vừa đảm bảo hồ đập tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vừa đảm bảo an toàn cho công trình, Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp.
Theo đó, tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết, mưa, lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt các hồ chứa đã tích đầy nước, hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đang thi công sửa chữa, nâng cấp.
“Trong công tác điều tiết nguồn nước của các hồ chứa, Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận đề ra giải pháp giải pháp đó là, vận hành xả lũ sớm để đón lũ, nâng cao dung tích phòng lũ, kéo dài thời gian xả lũ để giảm nhỏ lưu lượng xả xuống hạ du.
Hạn chế tối đa trường hợp xả lớn vào ban đêm, ưu tiên xả ngày để địa phương chủ động ứng phó, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Lê Phạm Hoà Bình nói.
Đối với các hồ chứa còn khả năng trữ nước cần thực hiện điều tiết hợp lý nhằm hỗ trợ giảm ngập lụt hạ du, tăng lượng nước trữ phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô tới, đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình. Chuẩn bị phương án tràn sự cố phù hợp để chủ động thực hiện khi có tình huống mưa lũ nguy cơ gây vỡ đập, bảo đảm an toàn vùng hạ du và công trình.
Ngoài ra, công ty chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước, bảo đảm phòng, chống ngập lụt, úng hiệu quả cho cây trồng. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ. Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình, vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng.
“Đặc biệt, trong công tác vận hành điều tiết xả lũ, công ty thường xuyên cân đối, tính toán nguồn nước đến các hồ để có phương án xả lũ hợp lý vừa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, vừa tích đủ nước vào cuối mùa mưa phục vụ cấp nước trong suốt mùa khô năm tiếp theo”, ông Lê Phạm Hoà Bình, Giám đốc Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận.