| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư khu neo đậu tránh bão tàu công suất lớn tại Cảng cá Cà Ná

Thứ Năm 18/11/2021 , 21:11 (GMT+7)

Khi hoàn thành, dự án nâng cấp, cải tạo Cảng cá Cà Ná sẽ đảm bảo neo đậu tránh trú bão an toàn cho khoảng 1.200 tàu có công suất lên đến 1.000CV.

Chiều ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra đầu tư hạ tầng thủy sản tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là một trong những nội dung làm việc mà đoàn công tác triển khai ở các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc miền Nam Trung bộ có đường bờ biển dài 105km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2. Đây là một trong những ngư trường quan trọng của Việt Nam với 500 loài hải sản, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, thu, ngừ, tôm hùm, mực ống…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) cùng đoàn công tác kiểm tra đầu tư hạ tầng tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) cùng đoàn công tác kiểm tra đầu tư hạ tầng tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Minh Hậu.

Tổng trữ lượng cá tôm khoảng 120 nghìn tấn, trong đó cá đáy có 70-80 nghìn tấn, cá nổi 30-40 nghìn tấn và khả năng khai thác hàng năm khoảng 50-60 nghìn tấn.  

Địa phương hiện có trên 2.600 tàu cá với tổng công suất 214.000CV. Đặc biệt, huyện Thuận Nam là cửa ngõ phía Nam của tỉnh và có điều kiện thuận lợi trong kết nối, phát triển kinh tế xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh. Thuận Nam có quan hệ trực tiếp với các trọng điểm trên hành lang ven biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ như Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận).

Hiện nay, Cảng cá Cà Ná là khu dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh, bao gồm cảng cá (Cảng cá Cà Ná cũ, Cảng cá Cà Ná mới xây dựng), hệ thống giao thông cảng, hệ thống công trình bảo vệ cửa Cà Ná, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu cá, nhà máy nước đá, chế biến thủy sản, dịch vụ cung cấp nước ngọt, xăng dầu…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thị sát đầu tư dự án tại Cảng cá Cà Ná. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thị sát đầu tư dự án tại Cảng cá Cà Ná. Ảnh: Minh Hậu.

“Tuy nhiên, hệ thống Cảng cá Cà Ná trước đây đầu tư xây dựng hạ tầng công trình thiếu đồng bộ, các công trình phụ trợ, các trang thiết bị dây chuyền xếp dỡ hàng hóa chưa có, một số trục đường nội bộ, cổng tường rào chưa được đầu tư hoàn thiện. Do vậy hiệu quả sử dụng cảng chưa cao”, ông Đặng Kim Cương cho biết.

Cảng cá Cà Ná cũ này nằm trên bờ hữu sông Quán Thẻ và được đưa vào khai thác năm 2000 với quy mô chiều dài bến 200m, khả năng neo đậu cho tàu cá đến 200CV, năng lực bốc xếp 15.000 tấn/năm. Tuyến kè bờ dài 60m bảo vệ khu đất của cảng và các công trình dịch vụ khác.

Đối với Cảng cá Cà Ná mới nâng cấp, mở rộng có bến cập tàu dài 120m, bề rộng 8m, khả năng neo đậu cho tàu cá đến 400CV, năng lực bốc xếp 12.000 tấn/năm, tôn tạo, xây dựng, kè bảo vệ bờ dài 265m bảo vệ khu nước của cảng, kè bảo vệ mặt bên sông Quán Thẻ dài 475m.

Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với Cảng cá Cà Ná hiện tại là khu cảng kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh với hệ thống công trình bến cảng, nhà máy sửa chữa tàu thuyền, các nhà máy chế biến thủy sản, cung cấp nước, đá…

Về khả năng tránh trú bão hiện tại có thể tận dụng toàn bộ khu nước trong vịnh Cà Ná để neo đậu khoảng 1.000 tàu công suất dưới 90CV. Tuy nhiên, phương án neo đậu này chỉ là tạm thời và cần phải nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão để các tàu lớn hơn có thể ra vào neo đậu an toàn khi có bão lớn.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận (áo trắng) báo cáo với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về dự án cảng Cà Ná. Ảnh: Minh Hậu.  

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận (áo trắng) báo cáo với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về dự án cảng Cà Ná. Ảnh: Minh Hậu.  

Mặt khác, hiện nay luồng lạch, vũng đậu tàu bị bồi lắng cạn hẹp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cập cảng, neo đậu tránh trú bão. Trong khi đó lượng tàu thuyền tại Cảng cá Cà Ná tăng về số lượng cũng như công suất. Vì vậy cần phải đầu tư nâng cấp mở rộng để đáp ứng theo nhu cầu phát triển tàu thuyền có công suất lớn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng khai thác thủy sản, khu nuôi trồng rất lớn, tuy nhiên những năm qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, tỉnh Ninh Thuận đầu tư vào cơ sở hạ tầng thủy sản còn hạn chế.

“Tại Cảng cá Cà Ná, cầu cảng chưa có, nơi lên cá, phân loại cá để truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo. Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT đã ký chủ trương đầu tư Dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná, đề nghị tỉnh Ninh Thuận tổ chức triển khai thật nhanh tư vấn, thiết kế lập dự án. Về kinh phí dự án hiện được Quốc hội, Chính phủ thông qua, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện làm sao để đảm bảo tiến độ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 3382/QĐ-BNN-KH của Bộ NN-PTNT về Chủ trương đầu tư Dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 214 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý là 200 tỷ đồng, vốn do tỉnh Ninh Thuận quản lý là 14 tỷ đồng.

Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo các hạng mục, công trình trong phạm vi vùng nước để đảm bảo neo đậu an toàn cho khoảng 1.200 tàu có công suất đến 1.000CV, cảng cá đáp ứng yêu cầu cho 120 lượt tàu lên đến 1.000CV cập cảng/ngày, lượng hàng hóa qua cảng 25.000 tấn/năm.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.