| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Lên phương án ứng phó hạn hán

Thứ Năm 16/01/2020 , 08:46 (GMT+7)

Trước nguy cơ hạn hán sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân… tỉnh Ninh Thuận đã lên phương án ứng phó cụ thể.

15-22-36_1
Hồ Phước Nhơn hiện nguồn nước đang cạn dần.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, dự báo khả năng trạng thái ENSO sẽ duy trì pha trung tính, nhưng vẫn nghiêng về pha nóng những tháng đầu năm 2020. Trong khi mùa mưa năm 2019, lượng mưa thấp hơn nhiều trung bình nhiều năm từ 40- 60%. Lượng mưa từ tháng 1-2/2020 phổ biến 10-20mm, tháng 3-4 phổ biến 20-40mm và tháng 5 từ 50-80mm. Do đó, trong mùa khô năm 2020, khả năng tỉnh Ninh Thuận sẽ xuất hiện hạn hán, thiếu nước cục bộ.

Theo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến đầu tháng 1/2020, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 84,75 triệu m3/194,49 triệu m3, đạt 43,6% so với dung tích thiết kế. Hồ Đơn Dương lượng nước ở mức 138,46 triệu m3/165 triệu m3.

Đáng chú ý, một số hồ chứa có nguy cơ cạn kiệt nước như các hồ Phước Nhơn, Tà Ranh, Bầu Zôn, Ông Kinh, CK7…Bên cạnh đó, dòng chảy một số sông, suối nhỏ xa đầu nguồn có hiện tượng giảm lưu lượng, nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất của cây trồng.

Đồng thời các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần chở nước để phục vụ người dân với hơn 4.000 hộ, 15.510 nhân khẩu, tập trung chủ yếu các xã Phước Thành, Phước Trung (Bắc Ái); thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); thôn Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc); các xã Ma Lới, Hòa Sơn (Ninh Sơn).

Bên cạnh đó, các khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt kéo dài như khu vực thôn Phương Cựu, xã Phượng Hải; thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải; thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn khi suối Kiền Kiền bị cạn. Khu vực Đá Hang, xã Vĩnh Hải thiếu nước sinh hoạt khi hồ Nước Ngọt hết nước. Khu vực thôn Tập Lá, xã Phước Chiến khi suối Tập Lá hết nước…

Ngoài ra, các thôn Sơn hải 1,2 Vĩnh Trường, Từ Thiện thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam); các thôn An Thạnh, Hòa Thạnh, xã An Hải (Ninh Hải); thôn Bình Tiên, xã Công Hải (Thuận Bắc); các khu phố 9,10, thôn Phú Thọ phường Đông Hải; các khu phố 4,5, phường Mỹ Đông (TP Phan Rang-Tháp Chàm)…sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lên phương án ứng phó hạn hán, tập trung giải quyết, không để nhân dân thiếu nước, thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh trên người và vật nuôi. Đồng thời tập trung giải quyết quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã có văn bản lưu ý các địa phương rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ gạo cứu đói, để hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói. Trường hợp vượt khả năng giải quyết của địa phương, Sở LĐTB-XH tham mưu, đề xuất tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Nếu vượt khả năng của tỉnh, thì tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ theo quy định.

Đối với giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt. Đồng thời tăng cường quản lý, tổ chức vận hành có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và công trình cấp nước khác do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý.

Bên cạnh đó, chủ động bơm nước để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân khi cần thiết. Nếu nắng hạn kéo dài, các hệ thống cấp nước sẽ có nguy cơ thiếu nguồn nước nên nước không thể chảy vào kênh, để bơm nước sinh hoạt cho người dân. Khi đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện các phương án cụ thể đã lên kế hoạch.

Hiện hồ Sông Biêu cũng cạn kiệt.

Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp các Sở NN-PTNT, TN-MT và các địa phương chủ động, thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng, chống các loại bệnh hay xảy ra trên người, đảm bảo vệ sinh ATTP. Hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng môi trường, trong và sau hạn hán…

Sở NN-PTNT, Chi cục Thú ý và các địa phương chủ động hướng dẫn người dân bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong điều kiện khô hạn. Tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động có phương án phù hợp, để đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống khi hạn hán xảy ra.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân phải thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh số 1951 ngày 6/12/2019, với tổng diện tích chuyển đổi hơn 591 ha, gắn với liên kết với doanh nghiệp, để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Và, trên cơ sở chuyển đổi vụ đông xuân và tình hình nguồn nước thực tế trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ mở rộng diện tích chuyển đổi trong vụ hè thu đảm bảo hiệu quả, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.

Ông Lê Phạm Hòa Bình, PGĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, vụ đông xuân 2019-2020 chỉ có 12/21 hồ chứa còn xả nước để phục vụ sản xuất, chăn nuôi.

Còn lại 9 hồ chứa gồm Phước Nhơn, Sông Trâu, Ma Trai, Ba Chi, Ba Trầu, Ông Kinh, CK7, Tà Ranh và Bầu Zôn dừng sản xuất vụ đông xuân, vụ hè thu 2020. Bởi lượng nước của các hồ chứa này ưu tiên phục vụ nước sinh hoạt, chăn nuôi và hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Với tình hình thời tiết khắc nghiệt hiện nay nên lượng nước hao hụt rất nhanh, nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới là rất lớn. “Cứu cánh” vụ đông xuân phụ thuộc rất lớn nguồn nước hồ Đơn Dương xả qua thủy điện Đa Nhim và 12 hồ chứa còn nước.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.