| Hotline: 0983.970.780

Nơi đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam có gì?

Thứ Sáu 17/05/2024 , 09:22 (GMT+7)

Ví VQG Vũ Quang là 'mỏ loài mới của Việt Nam' có lẽ không hề quá lời, bởi nơi đây có sự hiện diện của nhiều loài sinh vật đặc trưng, quý hiếm.

Nơi lưu giữ nguồn gen cho công tác bảo tồn

Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động. Hệ sinh thái tự nhiên phải đối mặt với những mối đe doạ ngày càng gia tăng do tốc độ đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng cùng với việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bất hợp lý.

Vùng núi Vũ Quang là một khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao và còn tiềm ẩn giá trị khoa học, thực tiễn rất lớn chưa được khám phá. Ảnh: Thanh Nga.

Vùng núi Vũ Quang là một khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao và còn tiềm ẩn giá trị khoa học, thực tiễn rất lớn chưa được khám phá. Ảnh: Thanh Nga.

Để đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học, vai trò của chính quyền, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng. Dù biết rằng công tác bảo tồn sẽ đối mặt nhiều khó khăn, vất vả và cần sự kiên trì, bền bỉ, nhưng chúng ta tin rằng khi nâng cao được giá trị đang dạng sinh học, thế hệ mai sau sẽ được sống và làm việc trong môi trường “sạch” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang hiện lên như một “bức tranh thủy mặc” hùng vĩ giữa thiên nhiên đất trời với vô số cảnh quan đặc sắc và khu hệ động, thực vật hoang dã còn giữ nguyên sự hoang sơ, chưa có tác động của con người và bị công nghiệp hóa.

Bằng cách nào đó, chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng quản lý, nhà khoa học cho đến mỗi lao động hợp đồng ở đây đã quản lý, bảo vệ hết sức hiệu quả hơn 57.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn 3 huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên theo từng năm tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động, thực vật đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào, trong đó có những loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, như sao la, mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, gà lôi lam đuôi trắng, ếch cây sần Bắc bộ...

Sự đa dạng khu hệ động, thực vật tại VQG Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ. Thanh Nga.

Sự đa dạng khu hệ động, thực vật tại VQG Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ. Thanh Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, sự đa dạng khu hệ động, thực vật tại VQG Vũ Quang không hề thua kém bất cứ khu vực nào trên cùng lãnh thổ.

Cụ thể, hệ thực vật nơi đây xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 202 họ. Trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Khu hệ động vật còn “đồ sộ” hơn khi ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ; 315 loài chim; 58 loài bò sát; 31 loài lưỡng cư; 88 loài cá xương; 316 loài bướm; 73 loài kiến và 28 loài nhện. Trong đó, có 46 loài thú; 21 loài chim; 20 loài bò sát; 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần được ưu tiên bảo tồn.

Việc phát hiện và công bố hàng loạt các loài mới cho thế giới trong thời gian qua như trà Ran tuyến (2016); trà hoa vàng Vũ Quang, trà hoa vàng Hà Tĩnh, dẻ Vũ Quang (2018); gừng Vũ Quang, tân bời lời Vũ Quang (2019); nhái lùn Vũ Quang, chắp danhkyii, chuồn chuồn danhkyii, mộc hương Vũ Quang (2021), Xú hương vũ quang, Xú hương Hà Tĩnh (2022)… đã khẳng định cho sự giàu có, độc đáo và tiềm ẩn giá trị đa dạng sinh học chưa được khám phá tại VQG Vũ Quang.

Nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt cái loài động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nga.

Nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt cái loài động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nga.

Nhớ lại những tháng ngày ăn lán, ngủ rừng, cơm đùm cơm nắm phối hợp với các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản tìm hiểu về loài “Chắp danhkyii”, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang trải lòng: “Để công bố được loài mới này, vườn và các chuyên gia mất thời gian gần 2 năm từ thu mẫu, tìm hiểu, đối chiếu các tài liệu liên quan, phối hợp chuyên gia chạy mẫu AND, phản biện ý kiến các nhà khoa học khi đệ trình bài báo liên quan đến loài. Chính vì thế, một loài mới được ghi nhận thì đó là cả một công trình nghiên cứu khoa học có đầy đủ cơ sở pháp lý, với những nỗ lực rất lớn của nhiều con người”.

Theo ông, khi hay tin danh pháp loài Beilschmiedia danhkyii được đặt theo tên của mình, ông đã rất cảm động và tự hào. Bởi, với một người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, không có gì hạnh phúc hơn khi được lưu giữ lại một phần đóng góp của mình cho sự phát triển chung của ngành lâm nghiệp nói chung, lĩnh vực đa dạng sinh học nói riêng.

Theo kết quả nghiên cứu, loài thực vật mới có tên khoa học là Beilschmiedia danhkyii, thuộc họ thực vật Long Não - một trong những họ rất đa dạng về thành phần loài tại Việt Nam cũng như tại VQG Vũ Quang, với các giá trị quý về dược liệu và tinh dầu.

Hệ thống bẫy ảnh ghi nhận nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm sinh sống tại VQG Vũ Quang. Ảnh: TN.

Hệ thống bẫy ảnh ghi nhận nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm sinh sống tại VQG Vũ Quang. Ảnh: TN.

Nội dung và kết quả nghiên cứu của loài mới Beilschmiedia danhkyii đã được nhóm tác giả đăng tải trên tạp chí quốc tế Phytotaxa (quý 3 số 527) tháng 12/2021. Đây là một tạp chí khoa học uy tín nằm trong danh mục các tạp chí thuộc ISI.

Ngoài ra tên “danh kỳ” còn được đặt cho 1 loài chuồn chuồn cũng phát hiện tại VQG Vũ Quang để ghi nhận những cống hiến của ông Nguyễn Danh Kỳ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.

Cần sống có trách nhiệm với thiên nhiên hoãng dã

Hưởng ứng ngày Đa dạng sinh học thế giới (22/5), chung tay cùng cả nước tích cực triển khai các cam kết quốc tế quan trọng như thực hiện mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15 năm 2022; cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" tại COP26.

Năm 2024, VQG Vũ Quang sẽ “hành động vì động vật hoang dã”, nhằm quảng bá rộng rãi về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, nét đẹp thiên nhiên và hệ động thực vật hoang dã phong phú tại VQG Vũ Quang; kêu gọi nhân dân sống có trách nhiệm với thiên nhiên hoang dã và chung tay bảo tồn hệ động thực vật đa dạng tại đây.

VQG Vũ Quang kêu gọi người dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nga.

VQG Vũ Quang kêu gọi người dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Thanh Nga.

5 năm qua, với năng lực, uy tín trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, VQG Vũ Quang được các tổ chức, cá nhân lựa chọn là địa điểm tin cậy để phối hợp, giao nộp các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

Theo đó, từ năm 2019 - 2023, đơn vị này tiếp nhận, cứu hộ hơn 1.480 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 722 cá thể nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng theo phân hạng bảo tồn và các nghị định của Chính phủ như vượn đen má trắng, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, cu li, trăn gấm, các loài cầy…

Cá biệt, một số cá thể như: Cò mỏ thìa, già đẩy java, voọc Lào không ghi nhận có sự phân bố tại VQG Vũ Quang, đơn vị nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng để bàn giao về vùng phân bố thích hợp.

Từ năm 2019 – 2023, vườn tiếp nhận, cứu hộ hơn 1.480 cá thể động vật hoang dã. Ảnh: TN.

Từ năm 2019 – 2023, vườn tiếp nhận, cứu hộ hơn 1.480 cá thể động vật hoang dã. Ảnh: TN.

“Ngoài tiếp nhận, chăm sóc động vật hoang dã do tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh bàn giao, những năm qua chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các VQG trên địa bàn cả nước nhằm cứu hộ hiệu quả các loài, thả về đúng vùng phân bố, tạo môi trường sống tốt nhất cho chúng”, ông Nguyễn Danh Kỳ chia sẻ.

Theo ông Kỳ, toàn bộ động vật hoang dã sau khi tái thả về môi trường tự nhiên đều được VQG Vũ Quang theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn.

Với những giá trị về đa dạng sinh học, năm 2019 Hiệp hội các Vườn di sản Đông Nam Á (ASEAN) công nhận VQG Vũ Quang là “Vườn di sản ASEAN”. Đây cũng là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên môi trường được bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường vinh danh cùng năm.

Tiếp đến năm 2021, VQG Vũ Quang được trao giải thưởng môi trường năm 2021. Đây là giải thưởng cao quý nhất về môi trường được Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức xét tặng nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những đóng góp to lớn về công sức, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.