| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Vũ Quang: Gian nan đường đến “vườn di sản ASEAN”

Thứ Năm 05/11/2020 , 08:37 (GMT+7)

Hơn bốn thập kỷ nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học cho cả đại ngàn dãy Trường Sơn, cuối năm 2019 VQG Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn di sản ASEAN”.

Lịch sử hào hùng

Sau giải phóng đất nước, Nam – Bắc “về chung một nhà”, năm 1977 Lâm trường khai thác Vụ Quang - tiền thân của Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang – Vườn di sản ASEAN được “khai sinh”. Sự ra đời của Lâm trường Vụ Quang đánh dấu cho bề dày lịch sử đầy tự hào của 61 con người hiện đang ngày đêm làm nhiệm vụ gìn giữ màu xanh, bảo tồn đa dạng sinh học cho cả đại ngàn dãy Trường Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).

VQG Vũ Quang là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam.

VQG Vũ Quang là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam.

Nhiệm vụ của Lâm trường Vụ Quang lúc bấy giờ là khai thác lâm sản, hàng năm theo chỉ tiêu giao nộp cho nhà nước hàng chục ngàn m3 gỗ các loại từ nhóm 1 đến nhóm 8, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, trồng 8.000 ha rừng thông, mỡ, cao su; chế biến lâm sản; xây dựng cầu đường… Kết thúc giai đoạn này (1977 – 1993), 3 lãnh đạo Lâm trường đã hoàn thành sứ mệnh của một đơn vị lâm nghiệp mới được thành lập.  

Ngày 9/8/1986 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, có tổng diện tích 16.000 ha, với vai trò chủ yếu là bảo tồn khu di tích lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ thứ XIX của nhà yêu nước Phan Đình Phùng.

Với việc phát hiện 2 loài thú mới là sao la và mang lớn (năm 1992 - 1993) cùng tính đa dạng sinh học cao tại khu vực, ngày 14/6/1994, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang chính thức được thành lập. Ban được giao quản lý 52.366 ha rừng trên địa bàn 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê với chức năng là bảo vệ rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa lịch sử.

Trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt việc chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thành VQG Vũ Quang. Vườn thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn; bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào; góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên, kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV. Đồng thời, phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái...

Công tác bảo vệ rừng được Vườn đặt lên hàng đầu.

Công tác bảo vệ rừng được Vườn đặt lên hàng đầu.

Công tác bảo vệ rừng được Vườn xem là nhiệm vụ nòng cốt. Đặc biệt, khoảng 5 năm gần đây, với lực lượng đông đảo cán bộ kiểm lâm bố trí tại 10 đội, trạm kiểm lâm đóng tại 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, số vụ lâm tặc xâm hại đến rừng gần như đếm trên đầu ngón tay.

Hiện độ che phủ rừng của VQG Vũ Quang đạt tới 99,8%; trữ lượng rừng được đánh giá là đứng nhóm đầu của cả nước với hơn 8 triệu m3.

“Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam”

VQG Vũ Quang không chỉ được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Khu vực này có duyên với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng: “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam”.

Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ.

Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ.

Trong suốt hơn 4 thập kỷ quản lý, bảo vệ rừng, VQG Vũ Quang được tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban ngành, đơn vị trên địa bàn đánh giá là một điểm sáng. Minh chứng là từ 55 vụ vi phạm công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2015 giảm xuống còn 3 vụ (năm 2018). Đặc biệt trong năm 2019, nắng nóng kéo dài nhưng Vườn không để xảy ra vụ cháy rừng hay xâm hại rừng nào.

Đối với nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...

Vườn Di sản ASEAN là danh hiệụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, với sự tham gia và ký kết của các bộ trưởng về Môi trường của ASEAN.

Trong những năm của thập niên 90, các nhà khoa học tìm ra ở các khe suối trên vùng rừng Vũ Quang thêm 5 loài cá mới cho khoa học, gồm: cá lá giang, cá chuồn sông, cá bướm, cá đong chấm sọc, cá chiên thác bẹt và 3 loài tảo. Tại đây cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.

Các loài mới cho khoa học nêu trên đều là các loài “đặc hữu” (edemic) cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang.

Thời gần đây VQG Vũ Quang cũng tích cực phối hợp với các Tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, phát hiện ra nhiều loài mới cho thế giới, làm nổi bật tiềm năng đa dạng sinh học của VQG và tỉnh Hà Tĩnh. Đáng chú ý là loài: Chà ran tuyến (phát hiện năm 2016), Dẻ Vũ Quang (năm 2017), Trà hoa vàng Vũ Quang và Trà hoa vàng Hà Tĩnh (năm 2018), Tân bời lời Vũ Quang (phát hiện năm 2019).

Theo đánh giá của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), VQG Vũ Quang có đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên của Hiệp hội Các Vườn di sản ASEAN như: Tính toàn vẹn hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính độc đáo và các sinh cảnh đặc trưng, cùng các loài quý hiếm, tính hợp pháp và hợp lý, tính xuyên biên giới, kế hoạch quản lý, tầm quan trọng cho bảo tồn. Các tiêu chí nêu trên tại VQG Vũ Quang được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) thật sự ấn tượng và đánh giá rất cao thông qua các chương trình làm việc cũng như khảo sát thực tế tại khu vực.

VQG Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, ếch cây sần Bắc Bộ...

VQG Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, ếch cây sần Bắc Bộ...

Tại Hội nghị Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (tháng 10/2019), VQG Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam. Đây vừa là “quả ngọt” vừa là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, công nhân viên VQG Vũ Quang cũng như của Nhân dân Hà Tĩnh.

Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời, điều này góp phần quan trọng nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

VQG Vũ Quang còn được biết đến là “ngôi nhà mới” của các loài động vật quý hiếm không may… lạc đàn.

Trong 3 năm trở lại đây, gần 100 các cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm như: Khỉ, Voọc, trăn gấm, rùa, chim, gà… được người dân và các cơ quan chức năng lựa chọn VQG Vũ Quang là địa điểm tin cậy để gửi chăm sóc, theo dõi trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Thậm chí, những loài động vật cần cứu hộ ở tận VQG Hoàng Liên (Lào Cai) cũng vượt hơn 1.000km đưa vào VQG Vũ Quang thả về rừng.

                                                            

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.

Bình luận mới nhất