Rắn biển phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới, á nhiệt đới của biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương từ vùng biển Tây của châu Phi đến vùng vịnh Panama với 62 loài. Trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, thường được dùng chế biến thành món ăn hoặc làm thuốc.
Hiện Viện Hải dương học tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) lưu giữ đầy đủ bộ sưu tập 26 loài rắn biển Việt Nam quý hiếm. Mục tiêu của Viện Hải dương học khi trưng bày mẫu vật rắn biển nhằm tạo ra kho tàng mẫu vật chuẩn phục vụ các nhà khoa học, sinh viên và những người yêu thích tìm hiểu về sinh vật này.
Thông qua việc nghiên cứu, xác định tên tuổi và phân loài rắn biển, Viện mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học biển, nhất là phát triển bền vững nguồn lợi rắn biển.
Theo Thạc sỹ Cao Văn Nguyện, người đã có hơn 25 năm làm việc tại Viện Hải dương học, tiêu bản các loài rắn biển đang được bảo tồn, trưng bày, giới thiệu tại Viện là thành quả của những lần ông cùng cộng sự rong ruổi nhiều nơi để thu mẫu.
Trong cuốn sách "Rắn biển Việt Nam" do Thạc sỹ Cao Văn Nguyện là đồng tác giả có nêu: Rắn biển là nguồn thực phẩm và được xem như thực phẩm chức năng bởi các lợi ích về sức khỏe. Gần như các bộ phận của rắn biển điều được sử dụng để làm các món ăn. Rắn biển cũng là nguồn thuốc để sản xuất thuốc Rheumatin và cao đông cô để chữa bệnh thấp khớp, đau lưng, biếng ăn, mất ngủ và tăng cường sức khỏe gân cốt.
Được biết, trong số 26 loài rắn biển Việt Nam, có những loài cực quý hiếm. Cụ thể như loài Hydrophis parviceps chỉ có ở Đồng bằng sông Cửu Long. Loài này rất hiếm gặp, được đánh giá có nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2001 - 2015, Viện Hải dương học chỉ thu thập được 4 mẫu của loài này.
Bên cạnh đó, loài đẻn cạp nong môi vàng (Laticauda colubrina) là loài rắn biển duy nhất đẻ trứng khác với đa số rắn biển đều đẻ con dưới nước và thường sống ở các rạn san hô, rừng ngập mặn của vịnh Nha Trang hay vùng biển Phan Thiết - Bình Thuận.
Trong khi loài rắn rầm ri hạt (Acrochordus granulatus) mang ngoại hình rắn biển nhưng không có độc tố, do đó không mang họ Hydrophiinae, thường tìm thấy ở vùng rừng ngập mặn ven biển miền Trung nước ta, được bắt nuôi làm cảnh hoặc thuộc da.
“Độc tố của rắn biển có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn, thần kinh và hủy hoại các tế bào cơ, gây liệt cơ hô hấp, có thể tử vong nhanh. Tuy nhiên loài này không có xu hướng tấn công con người, chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa”, Thạc sỹ Nguyện cho hay.
Rắn biển trưởng thành có thể dài từ 1 - 1,5m, tự kiếm ăn khi sinh ra. Nhiều con lớn nặng đến gần 1kg. Một số loài vẫn được ngư dân nước ta đánh bắt rồi đem bán, nhất là đẻn cơm, đẻn cá (Hydrophis curtus), sông chằn (Hydrophis cyanocinctus). Giá ở các chợ dao động ở mức 500.000 - 800.000 đồng/kg.
“Sở dĩ đẻn có giá trị cao vì chứa nhiều dưỡng chất vi lượng và các vitamin rất cần thiết cho những người vận động nặng. Do đó, đẻn thường được sử dụng cho các vận động viên. Còn nọc độc được dùng để nghiên cứu khoa học, điều chế các loại thuốc”, Thạc sỹ Nguyện nói và cho biết thêm, đẻn ngày càng hiếm gặp, hiện chỉ còn một số vựa thu mua tại các tỉnh phía Nam.
Hiện nay, nguồn lợi rắn biển đã suy giảm nghiêm trọng, thống kê từ 2008 ở Việt Nam cho thấy khoảng 82 tấn nhưng đến năm 2013 còn khoảng 62 tấn, năm 2015 khoảng 35 tấn. Nếu tình trạng khai thác này vẫn tiếp tục diễn ra, tương lai không xa sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn rắn biển.