Theo báo cáo của xã Ngọk Yêu (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), nơi đây có 7 thôn, làng với gần 1.700 khẩu, trong đó 98% dân số là người Xơ Đăng. Trên địa bàn xã có 133ha lúa, trong đó có 104ha lúa nước.
Ngoài ra, người dân xã Măng Bút (huyện Kon Plông) cũng gieo trồng 300ha lúa trên phần đất xã Ngọk Yêu. Hiện xã Ngọk Yêu có 28 công trình thủy lợi, luôn đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu cho biết, trên địa bàn xã, diện tích bị chia cắt bởi núi đồi nên rất ít những cánh đồng lúa lớn, tập trung. Diện tích lúa nơi đây chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên người dân phải nỗ lực để tự làm thủy lợi.
Cụ thể, trong số 28 công trình thủy lợi thì có đến 19 công trình do người dân tự làm, có thể tưới cho 70ha lúa trên địa bàn. Những công trình này đã được người dân làm từ rất lâu, dựa trên địa hình thực tế với nhiều đồi núi, sông suối tại địa phương.
Từ những con suối, người dân tự đào kênh mương đất dẫn nước về vị trí đồng ruộng theo mong muốn. Những vị trí nào mà nguồn nước khó chảy về, người dân sẽ đề xuất với xã để hỗ trợ những ống nước, hoặc người dân chặt cây đùng đình khoét ruột làm máng dẫn nước qua.
Với những công trình thủy lợi lớn, người dân đề xuất, xã sẽ hỗ trợ sỏi đá rồi họ tự xây dựng kênh mương thủy lợi.
Ông Hoàng cho biết thêm, công trình thủy lợi Đăk Kring (làng Long Láy 2) được xem như lớn nhất do người dân tự làm, có khả năng tưới nước cho 8 - 10ha lúa của người dân.
Ghi nhận tại công trình thủy lợi Đăk Kring, toàn tuyến đường dẫn kênh mương được làm bằng đất do người dân từ đào để dẫn nước vào đồng ruộng. Tại cánh đồng làng Long Láy 2, có vài điểm trũng không thể dẫn nước bằng mương đất, người dân phải làm máng dẫn nước bằng các chân trụ đỡ là cây rừng. Máng dẫn nước này có chiều rộng khoảng 25cm, dài khoảng 20 - 30m.
Ông A Thoát, Trưởng thôn Long Láy 2 cho biết, để làm máng nước bắc ngang qua điểm trũng, người dân lấy cây đùng đình ở rừng, khoét ruột để đưa nước từ núi về các cánh đồng phía dưới. Mỗi khi mùa mưa, sạt lở, dân lại ra nạo vét mương. Ngoài thủy lợi Đăk Kring, người dân ở thôn Long Láy 2 còn làm thêm 4 công trình thủy lợi khác với năng lực tưới hơn 12ha.
Anh A Dom (làng Long Láy 2) cho biết, nước tự nhiên ở trong làng không ổn định nên người dân phải tự làm thủy lợi để chủ động nguồn nước. Công trình thủy lợi chủ yếu được tận dụng gỗ trên rừng, đá ở suối để làm. Nhờ vậy mà cây lúa nơi đây phát triển rất tốt, cuộc sống của người dân được ấm no.
Được biết, các công trình thủy lợi do người dân làm chủ yếu là đập nhỏ có máng dẫn nước bằng đất nên dễ bị hư hỏng. Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu cho biết, để đảm bảo các công trình thủy lợi của người dân, địa phương thường xuyên hỗ trợ vật liệu sửa chữa, gia cố công trình.
Theo đó, ngoài việc hỗ trợ các rọ đá ở chân đập, với những điểm hay sạt lở, chính quyền đầu tư các đường ống nhựa có đường kính ống lớn để thay máng đất, hạn chế ảnh hưởng khi sạt lở.
Chẳng hạn, tại công trình thủy lợi ở thôn Ba Tu 3, người dân phải đào máng dẫn nước dài 5km ở đỉnh núi về chống hạn cho 15ha lúa. Thấy vậy, xã hỗ trợ sửa chữa nhiều tuyến kênh dẫn, thay máng đất bằng ống nhựa. Với công trình có nguồn nước yếu, xã cũng hỗ trợ đầu thu nước làm bằng sắt, đặt ở đầu nguồn để dẫn nước vào máng.
“Với các công trình thủy lợi do người dân làm, cùng với những công trình thủy lợi do xã đang quản lý cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới cho các ruộng lúa của bà con”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, cùng với việc hỗ trợ người dân sửa chữa công trình thủy lợi, huyện Tu Mơ Rông cũng đã tính đến các phương án kiên cố hóa kênh mương.
“Các công trình thủy lợi cần đầu tư chi phí lớn, vì vậy khi người dân tự làm, huyện luôn khuyết khích và tạo điều kiện để triển khai. Với các công trình chưa kiên cố, diện tích tưới lớn, huyện sẽ cử lực lượng khảo sát để đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về kiên cố kênh mương và làm đập thủy lợi giúp dân”, ông Quang chia sẻ.
Thủy lợi Đăk Kring đã được khảo sát và dự kiến sẽ được đầu tư kiên cố hóa kênh mương. Đây là công trình có diện tích tưới lớn cho người dân 2 thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2.