| Hotline: 0983.970.780

Những công trình thủy lợi hóa giải xung đột lợi ích xã hội

Thứ Ba 16/05/2023 , 16:13 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Tỉnh Sóc Trăng kịp thời đưa vào vận hành một số công trình thủy lợi trọng điểm trước mùa hạn, mặn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ mùa màng và giao thông đường thủy.

Công trình cống Long Phú có nhiệm vụ ngăn mặn vừa hoàn thành và đưa vào vận hành trong mùa khô năm 2023. Ảnh: Hữu Đức.

Công trình cống Long Phú có nhiệm vụ ngăn mặn vừa hoàn thành và đưa vào vận hành trong mùa khô năm 2023. Ảnh: Hữu Đức.

Thủy lợi bảo vệ mùa màng…

Sóc Trăng đang đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi tại những khu vực trọng yếu ven sông, ven biển để đối phó trước hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Từ nhiều năm qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu trọng tâm vào việc điều tiết cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn mùa màng, giảm thiểu rủi ro cho đời sống người dân.

Địa bàn tỉnh Sóc Trăng trải rộng với thế mạnh kinh tế nông nghiệp, nhất là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên những năm gần đây, càng đi về nơi “đầu gành, cuối bãi” cùng với người dân vùng ven biển, chúng tôi càng cảm nhận được sự khắc nghiệt, cực đoan của thời tiết và các loại hình thiên tai, gây thiệt hại không nhỏ tới kinh tế - xã hội của địa phương.

Mỗi năm đến cuối mùa mưa, nước lũ đầu nguồn giảm dần, nông dân hai huyện Long Phú và Trần Đề (Sóc Trăng) canh cánh nỗi lo sợ mặn xâm nhập, phải tìm cách đắp đập giữ nước ngọt cho ruộng lúa, vườn cây ăn trái.

Vào mùa khô, nông dân phải đóng đập ngăn xâm nhập mặn, bảo vệ lúa đông xuân đang giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm nay dòng chảy về ĐBSCL thấp ở các tháng đầu mùa kiệt khiến mặn đến sớm ở tháng 12/2022, tăng cao trong tháng 2 và tháng 3/2023. Đến tháng 5, xâm nhập mặn mới giảm dần trên các cửa sông Cửu Long.

Tuy nhiên ở vùng ven biển, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, tình trạng mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hệ thống kiểm soát mặn hoàn chỉnh. Vì vậy, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến giữa tháng 5, gây ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Từ đầu năm 2023 tỉnh triển khai thi công xây dựng nhiều công trình thủy lợi theo kế hoạch chuyển tiếp từ năm trước để sớm hoàn thành đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành kinh phí sửa chữa hoàn chỉnh hệ thống cống, đập và các trạm bơm vận hành đồng bộ, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

Trong những ngày cao điểm khô hạn vừa qua, trạm bơm cống Bà Xẩm, xã Long Đức, huyện Long Phú được đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả. Máy bơm 'thổi' dòng nước ngọt cuồn cuộn vào đầy kênh. Nông dân an tâm không còn lo lúa khát giữa mùa hạn.

Trạm bơm cống Bà Xẩm là một trong những công trình có chức năng cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt. Trước đây khi chưa lắp đặt trạm bơm công suất 10.000 m3/giờ, việc cấp nước còn thụ động, nước ngọt vào kênh không đáp ứng nhu cầu sản xuất. Từ mùa khô năm nay trên vùng sản xuất lúa hàng ngàn ha, nông dân không còn lo hạn hán thiếu nước gây thiệt hại về năng suất. 

Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh  

Cũng trong giai đoạn xảy ra hạn, mặn năm nay, cống Cái Quanh ở huyện Long Phú là một trong những công trình thủy lợi điển hình mang lại giải pháp hài hòa lợi ích giữa ngăn mặn, giữ ngọt và giao thông thủy.

Trước đây việc đóng đập, ngăn mặn giữ ngọt khiến đường thủy gần như tắt nghẽn. Ghe tàu chở lúa, rau quả không thể đi lại qua khu vực cống đâp.

Công trình Trạm bơm Bà Xẩm đưa vào vận hành phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Công trình Trạm bơm Bà Xẩm đưa vào vận hành phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Giải bài toán này, công trình cống Cái Quanh đầu tư trên 8 tỷ đồng sửa chữa lắp đặt hệ thống cửa cống cưỡng bức. Kiểm chứng theo chu kỳ vận hàng cách 2 ngày, khi mực nước bên trong và ngoài cống không quá chênh lệch, nước không bị chảy siết, hệ thống thủy lực sẽ đẩy cửa cưỡng bức mở trong thời gian khoảng 60 phút cho tàu, ghe lưu thông qua lại mà vẫn không để nước mặn tràn vào khu vực trữ ngọt.

Giải pháp này mang lại hiệu quả lớn cho nông dân khi vào mùa thu hoạch, vận chuyển lúa thuận tiện, giảm chi phí trong khu vực nội vùng.

Mặt khác, đầu tư các công trình thủy lợi trong mùa khô còn nhằm đối phó, phòng xa trước mùa mưa bão. Trước tình hình thiên tai diễn biến bất thường, không còn theo quy luật, chỉ trong 4 tháng đầu năm trên địa bàn Sóc Trăng thiệt hại do dông lốc làm sập 2 căn nhà, sạt lở gần 500m bờ bao, đê cồn và 20m đê biển ở thị xã Vĩnh Châu.

Đặc biệt, tại huyện Kế Sách, chỉ trong ngày 8/2, trên địa bàn ấp Phụng An, xã An Mỹ xảy ra sạt lở nghiêm trọng 2 tuyến đường chiều dài 50m khiến giao thông bị đình trệ. Còn ở xã Song Phụng xảy ra sạt bờ sông hư hỏng toàn bộ hệ thống quan trắc độ mặn tại vàm Nhơn Mỹ.

Do đó, Chi Cục Thủy lợi Sóc Trăng phối hợp cùng cơ quan chuyên ngành khảo sát, lựa chọn giải pháp công trình tại những địa điểm xung yếu để khẩn cấp khắc phục. Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phòng, chống tiên tai (PCTT), tỉnh Sóc Trăng đang triển khai dự án WB9 tại huyện Cù Lao Dung, nâng cấp trên 22km đê biển, xây dựng mới 2 tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ với tổng chiều dài gần 40km... Tổng kinh phí dự án 270 tỷ đồng.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng khởi công các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL năm 2022 của Bộ NN-PTNT, trong đó có điểm sạt lở bờ sông Rạch Vọp chiều dài gần 800m ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách và sạt lở bờ biển chều dài 2,2km thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tổng kinh phí 130 tỷ đồng.

Năm 2023 các dự án đầu tư gia cố xử lý sạt lở bờ biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã được khởi công, gồm khu vực từ cống số 2 đến cống số 4 (dài 2km) và khu vực K41 (dài 1,4 km) thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội của tỉnh. Dự án xây mới Cống - Âu thuyền Rạch Mọp, công trình kiểm soát nguồn nước bờ nam sông Hậu của Bộ NN-PTNT đã khởi công.

Ông Phạm Tấn Đạo cho hay: Vừa qua Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo quốc lộ Nam sông Hậu trên địa bàn huyện Kế Sách, từ âu thuyền Rạch Mọp đến các hệ thống cống An Lạc Thôn. Khi hệ thống thủy lợi này hoàn chỉnh sẽ kiểm soát, chủ động nguồn nước bảo vệ an toàn cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

Đối với vùng sản xuất lúa Long Phú - Tiếp Nhựt, tỉnh có kế hoạch lập dự án xây dựng âu thuyền Đại Ngãi và âu thuyền Mỹ Xuyên theo mục tiêu đầu tư vùng thủy lợi khép kín, kiểm soát hạn, mặn phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

ĐBSCL đang bước vào mùa mưa lũ, dông lốc dự báo diễn biến khó lường. Nhiều công trình thủy lợi tại các địa phương trong vùng được gấp rút thi công nhắm vào mục tiêu kép: vừa phòng, chống thiên tai vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, bức bách lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng là tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển và hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản đang xuống cấp, thiếu vốn đầu tư.   

Từ đầu năm 2023, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương hỗ trợ cấp bách các công trình thủy lợi có tính bức xúc trên địa bàn, như: Xử lý sạt lở bờ sông Saintard, xã Long Đức, huyện Long Phú; xử lý khẩn cấp điểm sạt lở nguy hiểm bờ sông Phụng An, xã An Mỹ và Rạch Vọp xã Trinh Phú, huyện Kế Sách.

Tiếp tục đề xuất cấp kinh phí xây dựng kè ly tâm bảo vệ bờ biển (từ K39 đến K45) thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Đồng thời nâng cấp hạ tầng nuôi thủy sản Lai Hòa – Vĩnh Tân; nâng cấp đê cửa sông Tả – Hữu Cù Lao Dung và xây dựng tuyến đê sông Cồn Tròn – Bến Bạ.

Trong khuôn khổ dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và Chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng (WB11) vay vốn Ngân hàng thế giới, tỉnh Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ thực hiện công trình cống âu thuyền Đại Ngãi – Mỹ Xuyên với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng do Bộ NN-PTNT thực hiện.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.