| Hotline: 0983.970.780

Dẫn nước lên huyện nghèo vùng cao Mù Cang Chải

Thứ Ba 16/05/2023 , 12:19 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư tại Mù Cang Chải, phục vụ sản xuất, tăng năng suất cây trồng.

Bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đi nghiệm thu công trình đập thủy lợi đầu mối tại xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đi nghiệm thu công trình đập thủy lợi đầu mối tại xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Tuấn Anh.

Mù Cang Chải khởi sắc nhờ công trình thủy lợi

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) có nhiều công trình thủy lợi được đưa vào kế hoạch đầu tư.

Hiện tại, huyện Mù Cang Chải có 703 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng chiều dài hơn 1.000km, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho 6.355ha đất sản xuất nông nghiệp; các đơn vị chức năng cũng đã đầu tư kiên cố được gần 300km kênh mương.

Đến nay, các tổ chức, cá nhân cơ bản khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất lúa mà còn chủ động nước tưới cho cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản.

Đặc biệt, các công trình, hệ thống thủy lợi đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đưa sản lượng lương thực toàn huyện năm 2022 đạt gần 47.000tấn, vượt 2,1% kế hoạch được giao, tăng 1,4% so với năm 2021.

Yên Bái đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kênh, mương đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ lúa hè thu năm 2023. Ảnh: Minh Phúc.

Yên Bái đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kênh, mương đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ lúa hè thu năm 2023. Ảnh: Minh Phúc.

Công trình thủy lợi Giàng Vàng Thênh có chiều dài 2,4km, với tổng mức đầu tư trị giá trên 3,7 tỷ đồng. Sau hơn 5 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nước tưới tiêu cho 15ha lúa.

Anh Mùa A Páo, trưởng thôn Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang phấn khởi nói: Công trình thủy lợi Giàng Vàng Thênh được xây dựng và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong bản.

Trước đây, để đưa nước về ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân trong bản thường sử dụng mương đất, ống nhựa để dẫn nước. Những trận mưa to, mương dẫn bị sạt lở, ống dẫn bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới trong canh tác. Từ khi công trình thủy lợi được xây dựng người dân trong bản mừng lắm.

Hệ thống đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho 15ha lúa nước của người dân trong bản. Những năm trước, người dân chỉ cấy một vụ, chỉ số ít diện tích ruộng đảm bảo đủ nước để sản xuất hai vụ lúa. Khi hệ thống mương thủy lợi đưa vào sử dụng đã đảm bảo nguồn nước để người dân yên tâm sản xuất.

Ưu tiên tưới nước cho những diện tích thiếu nước

Ông Lờ A Thông - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho hay: Xã Lao Chải có 3 công trình thủy lợi xây dựng mới tại thôn Séo Gì Hờ A phục vụ tưới tiêu cho 165ha lúa nước. Việc đầu tư và đưa vào khai thác các công trình thủy lợi này những năm qua cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Người dân tích cực tham gia xây dựng các công trình thủy lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Người dân tích cực tham gia xây dựng các công trình thủy lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Để đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình, xã đã thành lập các tổ quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi, thường xuyên kiểm tra, nạo vét các tuyến kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước thông suốt. 

Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, UBND xã thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch, huy động nhân dân các thôn tham gia khắc phục, sửa chữa những điểm xung yếu, sụt sạt trong khả năng và điều kiện về kinh tế của địa phương.

Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết: Để khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, hàng năm đơn vị có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập tổ quản lý, hợp tác xã vận hành và bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trong phạm vi phụ trách tưới tiêu.

Đặc biệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ, vật cản trên tuyến kênh và đập đầu mối đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; bảo vệ công trình và ngăn chặn, phòng, chống các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình, hành lang công trình thủy lợi.

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị quản lý công trình chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lũ bão, chống hạn và kế hoạch tưới, tiêu phục vụ sản xuất hợp lý, ưu tiên tưới nước cho những diện tích thiếu nước; rà soát, thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch và ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lúa và cây trồng, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.