| Hotline: 0983.970.780

Nỗi nhớ hàng tre quê cũ

Thứ Ba 18/10/2022 , 18:33 (GMT+7)

Ký ức về tre chưa bao giờ ngủ quên trong tôi, khi có dịp đi đây đó bắt gặp các bụi tre, hàng tre rồi các sản phẩm làm từ tre.

Viết về lũy tre làng có lẽ đã nhiều người viết và viết rất hay rồi. Nhưng tôi vẫn tha thiết và như mắc nợ lũy tre. Rằng tôi phải viết về lũy tre của làng Ngọc Minh quê tôi. Dẫu lũy tre của làng tôi giờ chỉ còn trong ký ức những thế hệ 7x như tôi.

1 nhip song tre

Hình ảnh hàng tre luôn gợi lên nỗi nhớ làng quê.

Tre làng Ngọc Minh (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) gắn với tuổi thơ của tôi. Những năm tháng tuổi thơ của tôi từ đánh chắt, đánh chuyền, chơi đồ hàng đến đan rổ giát thúng đều ở gốc cây tre.

Tôi cũng không rõ cây tre ở làng tôi có từ bao giờ. Với những làng khác như làng Bương Hạ quê ngoại của tôi thì lúc ấy thi thoảng có bụi tre, còn toàn những cây ăn trái như vải, nhãn mít trồng ở mé đường, bờ ao. Phải chăng do phân bổ lao động, thường mỗi làng ngoài việc chính là làm ruộng, trồng khoai, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn thì luôn có một nghề phụ để giải quyết thời gian nông nhàn và thêm thắt thu nhập cho gia đình.

Như làng Nan thì làm bánh đa, làng Đồng Niên làm bún, làng Ngọc Minh làm nghề đan lát. Bởi vậy, tôi mới hiểu ra, làng mình đan lát nên phải trồng tre, do đó ngõ nối ngõ, bờ ao, bờ sông, mé đường, góc vườn... tất thảy đều trồng tre. Tre hóa, tre đan trồng từng bụi, khi bắt đất măng chĩa lên tua tủa. Rồi các loại tre dân nhỏ thì trồng làm hàng rào của ngõ, hàng rào tre thường được cắt tỉa vuông vức bằng phẳng rất đẹp.

Trời miền Bắc tháng năm, tháng sáu nắng cháy da cháy thịt, những năm ấy điện chưa về nông thôn. Trưa nắng, dưới bóng tre hai bên đường đường là người lớn kẻ nhỏ trải chiếu ngồi đan lát. Rồi chuyện trò. Chuyện làng, chuyện nước, chuyện xưa, chuyện nay… cứ râm ran suốt. Đây các bà các ông bế cháu, kia là mấy đứa trai đứa gái tầm chín mười tuổi cõng em. Người của làng ra hết mé đường để hưởng cái mát dịu nơi bóng tre tỏa ra, lâu lâu cơn gió đến thì cũng đỡ cho bà cái tay quạt cháu. Các công đoạn làm thúng từ chẻ nan, chuốt nan, đan giát, nứt vành đều được mọi người trổ tài thoăn thoắt. Đứa trẻ nào không phải cõng em bế em thì cũng phải tập đan, tập giát những cái thúng nhỏ nhỏ xinh xinh. Phải nói là việc đan lát chuyện trò dưới bóng mát cây tre như đặc sản của mùa hè quê tôi. Rồi từ đặc sản ấy mà người kết nối với người, tình làng nghĩa xóm thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn.

Nghề đan thúng mà tôi nhớ được rõ như thế cũng bởi ông nội tôi làm nghề... buôn thúng. Hết thảy thúng thuyền ở trong làng ông tôi thu gom mua về và hun khói cho màu thúng đỏ gần tới màu cánh gián thì đánh thành từng kiện tròn như những bánh xe to đùng chở ra Hải Phòng bán. Thúng thuyền thì đan vội và giá rẻ hơn thúng chợ. Nghe đâu những thúng ấy dùng để xúc than đội than của cánh thợ thuyền.

Tre ngoài việc cung cấp bóng mát, nguyên liệu để đan lát, thì măng còn làm măng chua, măng khô cho làng quê thay vào những bữa cơm rau. Thật ra, là làng đan lát nên rất quý tre và mọi người nâng niu từng mụt măng. Việc đào măng để ăn thì không thể chấp nhận được. Nhưng với làng quê mỗi khi bão về, những cây măng bị gãy dập, lúc này mới trở thành thức ăn thôi. Nói thế để biết người dân làng tôi quý tre đến mực nào.

Dân làng, khi làm nhà cho con cháu ở riêng thì khung sườn, kèo cột cái nhà mới cũng đều được làm bằng tre, vách tre sau đó được trát bùn với rơm, mái nhà thì lợp rạ. Có nhà mới rồi, ông nội hay người bố lại trồng góc vườn này bờ kia ở ngôi nhà mới vài bụi tre như của để dành cho đôi trẻ. Trồng tre không phải chăm sóc tắm tưới như cây cam cây mít. Cứ cây tre từ gốc lên 3m chặt đôi, gốc đem trồng, đoạn ngọn cột chống cho bụi tre nghiêng nghiêng. Dưới hố đất lót lớp phân chuồng rồi ủ bùn ủ đất lên. Bẵng một thời gian là lá tre xanh um lên, rồi đẻ măng lớn lên như thổi, rồi măng bóc bẹ thành những cây tre vững chãi, tay tre quáng quàng bấu bíu, lưng tre tựa sát vào nhau rậm rạp hẳn ở góc vườn..

Nhà tôi, ngày thơm mái rạ mới cũng được ông nội tôi trồng cho mấy bụi tre hóa ở hai góc vườn, tre hóa là loại tre dùng để đan lát, phía sát bờ sông ông trồng một hàng rào tre dân. Khi tre dân xum xuê lá và có những ngọn nhỏ như cần câu chĩa lên trời là lúc chị em tôi chơi trò đan củ ấu, từng lá tre sẽ được gấp, uốn thành củ ấu, một chùm ấu, nhiều chùm ấu là những món đồ chơi làm nên hạnh phúc tuổi thơ của tôi.

Tre cho bóng mát, tre dùng để làm nhà, đan thuyền đan thúng... hẳn rồi. Nhưng tre còn gieo vào nỗi kinh hoàng cho những đứa trẻ quê tôi. Ấy là ma trên cây tre, ấy là sâu róm.

Chuyện sâu róm thì thật khủng khiếp, giữa những chùm lá tre, nhất là tre dân làm hàng rào, khi nhìn vào sẽ thấy từng ổ sâu róm đen vằn đen vện hàng trăm con, rồi những con sâu róm ấy lớn lên bò ngang trũi dọc rồi tụt xuống la liệt giữa đường. Tuổi thơ cơ cực của tôi gắn với tre. Tôi thường được mẹ giao cho việc đi... quét lá tre về nấu cơm, nấu cám. Một đứa trẻ mới năm sáu tuổi cắp cái thúng cái chổi lũn cũn đi quét lá tre. Tôi quét tất tật những lá khô vướng víu nơi gốc tre, rồi còn tham lam với trèo bóc những bẹ mo ở những cây tre. Bẹ mo cháy đượm hơn lá tre nhiều. Cái thời trẻ con, người lớn tất cả đều chân đất thì việc không cẩn thận để dẫm vào sâu róm là chuyện bình thường hàng ngày. Rồi bàn tay vun lá cũng đâu tránh khỏi những con sâu đen trũm trĩm. Khi dẫm chân hoặc chạm tay vào sâu róm gan bàn chân, bàn tay ngứa tung ngứa tóe. Và bài thuốc dân gian dùng dọc môn nướng áp vào chỗ ngứa được đưa ra dùng miết. Nỗi sợ sâu róm ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Còn việc ma trên cây tre, ở quê tôi chuyện kể rằng có bà cô những năm bốn nhăm đói rã ruột, đứa con hơn một tuổi đói quá khóc mãi dỗ không nín, bà cô đưa ra gốc tre cho hai cây tre gió thổi kẹp chết đứa trẻ. Từ đó, gốc tre ấy cứ nhằm đêm khuya mà kẽo kẹt cộng hưởng với tiếng khóc của trẻ con vọng về. Người làng đem chuyện gốc tre dọa những đứa trẻ hay hờn hay khóc là tụi nó nít bặt.

Ngọc Minh - làng đan lát với các sản phẩm nổi tiếng như thúng chợ, thúng thuyền, rổ rá... nhưng tre làng không thể đáp ứng nhu cầu. Tre làng chỉ dùng vào những bận nhỡ chợ không mua được tre. Thường mỗi người vào phiên chợ sẽ có vài đôi thúng bày bán, bán xong lại phải hối hả tìm mua cây tre già dặn thẳng lóng dày thịt rồi kĩu kịt vác về.

Theo năm tháng, những bụi tre quê tôi được thu gọn dần. Cũng phải thôi, điện đã có, nhà nhà có quạt, có máy lạnh thì ai còn ra đường làng hóng mát dưới bóng tre nữa. Rồi nhà máy công ty ở quê mọc lên, người làng đan lát hiếm dần, bởi họ đi làm công ty thu nhập sẽ cao hơn. Các bụi tre ở góc vườn, đường làng hầu hết đã xóa sổ tận gốc. Những hàng rào xưa được thay bằng hàng rào xi măng ngang dọc lừng lững. Quê đã như phố rồi. Tre xưa còn đâu. Hiếm hoi lắm mới tìm được góc vườn của nhà ai đấy đang bỏ hoang bụi tre của ngày xưa.

Nhớ cây tre của làng Ngọc Minh. Ký ức về tre chưa bao giờ ngủ quên trong tôi, khi có dịp đi đây đó bắt gặp các bụi tre, lũy tre rồi các sản phẩm làm từ tre tôi lại day dứt nỗi quê. Tre của quê tôi mai một rồi. Chuyện sâu róm và kẽo kẹt gốc tre ma ai còn truyền miệng. Rồi nghề đan của làng nữa. Những nghệ nhân đan thúng khéo, nứt thúng giỏi ai còn ai mất... các thế hệ sau còn biết về làng mình với những lũy tre xanh. Nhớ và tiếc. Day dứt lắm tre ơi!

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.