| Hotline: 0983.970.780

Món nợ khó trả với một làng quê Quảng Bình

Thứ Hai 17/10/2022 , 06:05 (GMT+7)

'Quảng Bình là đất Ô Châu / Ai đi đến đó, quẫy bầu về không!' Câu ca này nhiều người thuộc, nhưng với tôi thì Quảng Bình là một mỏ quý khai thác bất tận.

Do từng sống ở Trường Sơn và vùng đất lửa Quảng Bình những năm tháng chiến tranh ác liệt, các sáng tác đầu tay của tôi như ký sự “Vì sự sống con đường” (1968), các tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ”, “Đường giáp mặt trận” (1976) đều lấy bối cảnh Quảng Bình. Cả hai tiểu thuyết viết sau năm 1980, khi tôi đã thành “cán bộ văn nghệ chuyên nghiệp” ở Huế - như “Những cánh cửa đã mở”, “Thập giá giữa rừng sâu”, bạn đọc miền Trung cũng có thể nhận ra hình ảnh chàng kỹ sư dám làm, giàu tính sáng tạo trên các công trình thủy lợi hay người kiểm lâm - cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, quên mình chống lâm tặc… có “nguyên mẫu” ở Quảng Bình… Trong các tiểu thuyết vừa nhắc đến, có 2 tiểu thuyết đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012…

Vậy mà đến này tôi vẫn cảm thấy mình đang mắc nợ vùng đất này. Là người quê Hà Tĩnh, lặn lội nhiều năm trên các công trường xa xôi, gian khổ, tôi là một anh chàng có thể xếp loại “quá lứa”, lại xấu trai và đơn độc, không tài sản, nhà cửa, lí lịch thuộc loại “phức tạp”. Vậy mà như… trúng số, lấy được một cô giáo trẻ đẹp bên sông Kiến Giang, ngày cưới khi tiếng bom vừa dứt, nhà trai ở xa không ai vô dự, vẫn được họ nhà gái chấp thuận một cách vui vẻ! Sau này, nghe vợ tôi nói lại, mới biết chính trong lúc nàng còn đắn đo thì bà mẹ nàng bỏ “phiếu thuận” cho tôi và bảo: “Được rồi đó con ạ. Lấy chồng lớn tuổi, xấu trai một chút mà hay đó; chứ như bố con trẻ và đẹp trai quá, nhiều o theo, mạ đến khổ!” …

1 song kien giang - duc thanh

Sông Kiến Giang. Ảnh: Đức Thành.

Từ ngày thành chàng rể đất Quảng Bình, số phận khá là đặc biệt của bà mẹ - người đã ưu ái ban cho tôi “nửa cuộc đời” vô giá, từng hơn một lần gợi nhắc tôi hãy viết cuốn tiểu thuyết về con người và làng quê nơi đây; tôi đã soạn thử “đề cương” trước cả khi viết tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”, nhưng rồi “lực bất tòng tâm”, không thể tiếp tục được. Có thể nói đây là “món nợ” khó trả trong cuộc đời cầm bút của mình, trước hết là với Mệ ngoại của các cháu tôi, một người phụ nữ bình thường và cũng khác thường…

Mấy năm gần đây, tôi thường có dịp về quê “bà xã” nhiều hơn trước, do bà ngoại các cháu đã gần trăm tuổi. Mệ không được đi học và nay lẫn đứa con này với đứa khác, nhưng khi có một cô cháu đến thăm rồi chào Mệ để về, Mệ bảo: “Ừ, đàn bà chơi rứa được rồi, cũng phải về lo cơm nước cho nhông con…”  

Một hôm, mấy đứa cháu ngồi quanh đều bất ngờ nghe Mệ nói: “Này, mời người ta thì phải bưng bằng hai tay”. Đó là lúc mệ thấy người cháu dùng một tay đưa đĩa trái cây vừa cắt ra mời tôi!

Quả là bất ngờ khi một cụ già nhà quê không được đến trường ngày nào, không còn nhớ rõ khuôn mặt con mình đứt ruột đẻ ra mà vẫn không quên dạy cách ứng xử có lễ phép cho con cháu. Thật đáng kính nể!

Vậy mà chưa hết. Lát sau, thấy người cháu chuẩn bị đưa đĩa trái cây mời Mệ, tôi mỉm cười, nhắc: “Nhớ đưa bằng hai tay, không lại bị bà phê bình đó!” Hẳn là không ai đoán được bà lão 97 tuổi đối đáp ra sao. Mệ nói, cũng trong nụ cười móm mém rất vui: “Thì mình là cái chi mà đòi người ta trọng vọng như rứa!”

“Diễn dịch” theo ngôn ngữ thời cuộc bây giờ thì đó là cách mệ phản biện trước một lễ nghĩa, phép tắc tưởng đã là chuẩn mực. Thì chẳng phải Mệ vừa phê bình đứa cháu bưng một tay mời khách đó sao! Sự đời cần phải có cách nhìn đa chiều là vậy. Và liệu có thể gọi đây là “minh triết” của “người nhà quê” không?

*

* *

Vào một ngày Xuân năm Canh Tý (2020), con cháu nội ngoại của gia đình, bà con thôn Trung Quán cùng đại diện các tổ chức chính quyền, đoàn thể địa phương đã tổ chức mừng mệ - cụ Đặng Thị Lai thọ 100 tuổi được nhận Bằng của Chủ tịch Nước mừng Mệ thượng thọ.

Chuẩn bị cho ngày lễ trọng này, vợ tôi đã nhớ lại vài kỷ niệm về mẹ:

“…Có lần tôi chải tóc, mẹ bảo: “Chải xong, phải vén tóc rụng dưới nhà cho sạch nghe!” Tôi nhớ có lần giúp mẹ hái rau muống, trời mưa lụt, không đi bán được, mang rau vô nhà, cứ phải kê cao theo mức nước lên; mấy ngày sau, tôi cùng mẹ gánh sang bán ở chợ Hiền Ninh, rất ít người có rau bán, bộ đội xúm vô mua, muốn “hét” giá cao mấy cũng được, nhưng mẹ bảo: “Mình bán giá vừa phải thôi, kẻo tội.” Mẹ còn nói đùa: “Mấy eng xúm lại ngó mi đó”.   

Lên học cấp 3 xa nhà, mỗi tuần về, mẹ làm cho một lọ muối trắng và ít trái ớt xanh và 6 lon gạo. Khi trường sơ tán ra Minh Hóa, mẹ phải bán đôi tằm và cái chum, lấy tiền cho tôi đi học, động viên tôi cứ chịu khó cho kịp bạn bè. Vào dịp Tết, có thầy giáo trong làng ra Minh Hóa, mẹ gửi ra đòn bánh tét gói bằng bo bo, tôi ăn mà chảy nước mắt… Nhờ mẹ động viên nên tôi mới học được hết cấp 3…”.

Mọi người đều cầu mong mệ sẽ được sống vui cùng con cháu thêm nhiều năm nữa, nhưng ai mà cưỡng được mệnh Trời. Cho đến trận bão lũ lịch sử tháng 10/2020, nhấn chìm cả miền Trung và đặc biệt là hai “rốn lũ” Lệ Thủy và Quảng Ninh dưới dòng nước hung dữ từ đại ngàn bị tàn phá đã bao năm. Đó là những ngày kinh hoàng của hàng ngàn gia đình vùng “hai huyện” trong cơn đại hồng thủy chưa từng có. Những ngày ấy, vợ tôi cùng cô em đang “trực” chăm nuôi mệ. Trong gió mưa tầm tã, từ Huế, tôi nghe vợ tôi hoảng hốt gọi điện về: “Nước vô đến chân giường mệ nằm rồi! Làm răng đây?”. Tôi bảo: “Kiếm các thứ kê giường lên”. “Trong nhà chỉ có 2 chị em, làm răng được!”...  Một lúc sau, tôi gọi ra thì hai chị em đang chuẩn bị kéo chiếc bàn “chữ H” lại để bồng mệ lên. Thế rồi đứt liên lạc. Điện thoại hết pin, điện bị cắt. Mãi mấy ngày sau mới nghe kể lại những giờ phút hoảng loạn khi nước ào ạt dâng lên mà không thể gọi cầu cứu ai được. Nhiều gia đình xung quanh còn bị ngập sâu hơn, đang phải tự cứu mình. May sao, có người gọi điện cho anh công an đang trực tại Ủy ban xã, nhận điện thoại, liền điều ca nô đến. Nước ở sân đã ngập tận ngực, hai chị em chỉ kịp mặc áo phao cho mệ và khiêng mệ ra ca nô chở đến nhà con gái ở trong làng lúc đó vừa xây được căn gác bên cạnh.

Điện nước không có, bếp ga bị hỏng, suốt hai ngày liền, vợ tôi phải nhai mì sống thành cháo rồi mớm cho mệ. Cho đến lúc chàng rể của mệ, từ trên ban công tầng 2 bỗng phát hiện cậu Quang hàng xóm ló đầu ra trên cửa sổ gác xép, liền gọi cầu cứu; Quang đã sốt sắng dùng lốp ô tô làm phao lội đem cháo qua cho mệ, rồi cho mượn bếp ga…

Thoát chết trong gang tấc giữa trận đại hồng thủy, nhưng Mệ đã thanh thản ra đi vào ngày 2 tháng giêng năm Tân Sửu, khi cánh đồng làng nhờ có thêm phù sa, lúa xuân xanh ngăn ngắt, càng làm nổi bật nhà mẫu giáo mới xây… 

Cuộc đời tròn một thế kỷ của mệ trải qua không biết bao gian nan, vất vả, nhất là trong thời kỳ đạn bom vô cùng ác liệt. Đặc biệt, bà con không thể quên chuyện mệ một mình lặn lội vào Huế mấy lần để tìm cách đưa thi hài chồng về quê nhà. Đó là năm 1951; chồng của mệ bị bắt đi lính vào Mang Cá (Huế), do một lần đi qua Dinh Mười, ông hẹn người anh trai qua để tặng một chiếc radio; thế là khi về, bọn địch nghi ông liên lạc với anh trai là Việt Minh hoạt động tích cực ở làng. Chúng tra khảo trong 3 ngày và cuối cùng tra điện ông cho đến chết. Lúc đó đang chiến tranh chống Pháp, đường từ vùng quê Quảng Bình - nhất là nơi có phong trào du kích mạnh như Duy Ninh - vô Huế bị kiểm tra ngặt nghèo, nhưng với đức hy sinh vô bờ và cả trí tuệ minh mẫn, mệ đã nghĩ ra kế “nghi trang” phiêu lưu mạo hiểm để có thể đưa di hài chồng về quê. Mệ mang theo hai chị em (chị Hoàng Thị Láng 5 tuổi và vợ tôi mới 2 tuổi) bay vô Huế, chuẩn bị một cái va li to chất đầy quần áo cũ, chăn màn, rồi đặt di hài chồng vào giữa, trên để quần áo trẻ con. Nhờ thế, mệ cùng hai con đã về quê bình an trong niềm hân hoan, cảm động vô bờ của ông bà nội và bà con nội ngoại…

Làng quê Trung Quán bên dòng Kiến Giang này còn nhiều nhân vật đặc biệt nữa. Tôi nay đã là ông lão ngoại bát tuần, không biết những dòng ghi chép này có trả được phần nào “món nợ” lớn với vùng đất đã ban cho mình nhiều ơn huệ không… Có điều tôi hy vọng là những cây bút còn trẻ ở những miền đất thường bị cho là khô cằn, có thể còn chưa giàu sang, không vì “đứng gần nên chẳng thấy núi cao”, mà nếu biết đi sâu khai thác, sẽ tìm thấy những vỉa quặng quý hiếm không phải nơi nào cũng có…

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Hiệp hội Golf Việt Nam tăng số lượng giải đấu

Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã công bố hệ thống giải đấu golf năm 2025, bao gồm 9 giải chuyên nghiệp, 6 giải nghiệp dư và 10 giải đấu trẻ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.