Cuộc thi Nói thay những loài không thể nói lần đầu tiên diễn ra với sự tham gia của hơn 300 giáo viên và học sinh tại 9 trường cấp 3 trên địa bàn 3 tỉnh xung quanh vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước.
Cuộc thi do VQG Cát Tiên phối hợp với các đơn vị Speaking for the Planet, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đồng tổ chức, với nguồn kinh phí được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án VFBC, ngân hàng HDbank, công ty Menard, Quỹ Bella Love.
Vườn quốc gia Cát Tiên với diện tích 71.187,9ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước là khu bảo tồn đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar quốc tế và Khu di tích quốc gia đặc biệt. Đầu năm 2024, VQG Cát Tiên đã có những bước tiến mới trong tiến trình đạt chứng nhận Danh lục Xanh IUCN. Vườn là nơi chứa đựng những giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử lo tớn, là nguồn tư liệu quý cho nghiên cứu khoa học và cho ngành giáo dục nói chung.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết: “Chúng tôi mong muốn cuộc thi sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm ở các bạn trẻ sống xung quanh vườn về tầm quan trọng của đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên và chung tay cùng cộng đồng và lực lượng kiểm lâm bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị săn bắt, bẫy bắt và ăn thịt”.
9 đội thi đại diện cho 9 trường THPT đã đến với cuộc thi bằng tinh thần nhiệt huyết hết mình, với tổng cộng 4 phần thi: thuyết trình - viết - vẽ - tiểu phẩm, là dịp để các em học sinh nêu lên quan điểm và thể hiện tiếng nói của mình về việc bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang đứng bên lề nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Phil Smith, Giám đốc và nhà sáng lập Speaking for the Planet kêu gọi: “Các bạn ở đây vì các bạn quan tâm đến hành tinh này. Cùng nhau chúng ta sẽ bảo vệ hành tinh xanh thân yêu. Hãy lên tiếng nói bảo vệ những loài không thể nói”
Trong bài hùng biện, một đại diện học sinh Trường THPT Cát Tiên cho biết: “Chúng ta có thể bắt đầu từ những hành động đơn giản như không thu mua, tiếp tay cho những hành động buôn bán động vật hoang dã. Khi bắt gặp những trường hợp buôn bán động vật hoang dã trên mạng, các bạn cần ngay lập tức báo cho kiểm lâm địa phương. Động vật hoang dã cũng có cảm xúc, hãy lắng nghe và hành động”.
Với mong muốn đẩy mạnh công tác giáo dục về bảo vệ môi trường địa phương cho các em học sinh, trong đó coi trọng việc áp dụng các hình thức tương tác và truyền cảm hứng nhằm nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức, thay đổi hành vi, cuộc thi "Nói thay những loài không thể nói" hướng tới việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, nâng cao nhận thức và nuôi dưỡng tâm hồn đối với các em học sinh đối với quê hương của mình.