| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà thả vườn trên cát, tiền chảy về đều

Thứ Năm 23/11/2023 , 06:40 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sở hữu đàn gà hơn 7.000 con/lứa, anh Trần Văn Nga được vinh danh là nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của Cẩm Xuyên, mỗi năm lãi 300 triệu đồng.

Năm 2022, anh Trần Văn Nga được Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên biểu dương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2022, anh Trần Văn Nga được Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên biểu dương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi gà thương phẩm lớn nhất nhì địa bàn Hà Tĩnh. Toàn xã có hơn 130 hộ nuôi gà trên cát quy mô từ 500 con/lứa trở lên; trong đó, có 22 hộ ở thôn Phú Hòa đang sản xuất theo mô hình VietGAP.

Anh Phan Văn Đức, cán bộ nông nghiệp xã Yên Hòa thông tin, hơn 10 năm nay người dân địa phương áp dụng rất thành công mô hình chăn nuôi gà thả vườn trên cát. Đây là hình thức sử dụng sàn bằng cát làm nơi sinh hoạt cho đàn gà, thường được ứng dụng tại các khu vực đồi cát ven biển.

Môi trường sống trên cát giúp gà có không gian hoạt động, phát triển nhanh, đồng thời ngăn ngừa, phòng bệnh hiệu quả, nhờ vậy, bà con giảm được chi phí thuốc men, công chăm sóc, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

“Mô hình có quy mô lớn nhất xã và huyện hiện nay là của anh Trần Văn Nga, ở thôn Bắc Hòa. Anh Nga đang sở hữu đàn gà hơn 7.000 con/lứa, điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi, được chính quyền địa phương các cấp nhiều lần vinh danh”, anh Đức nói.

Nhờ khai thác hiệu quả 7.000 m2 đất cát ven biển, mỗi năm gia đình anh Nga thu lãi ròng hơn 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Ảnh: Thanh Nga.

Nhờ khai thác hiệu quả 7.000 m2 đất cát ven biển, mỗi năm gia đình anh Nga thu lãi ròng hơn 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Ảnh: Thanh Nga.

Trong khu vườn rộng 7.000m2, anh Nga phân thành từng khu để thả nuôi cuốn chiếu nhiều lứa gà với độ tuổi khác nhau. Chủ mô hình chia sẻ, năm 2011, tận dụng lợi thế đất cát rộng rãi, vợ chồng anh Nga đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà thả vườn.

Ban đầu triển khai, vốn liếng ít, anh chỉ xây 2 chuồng và thả nuôi quy mô 200 - 300 con/lứa. Qua thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi gà bền vững nên gia đình nâng quy mô lên 6 dãy chuồng, thả nuôi hơn 7.000 con/lứa.

Để gà phát triển nhanh, không bị dịch bệnh, anh Nga chọn nuôi giống gà lai Hồ và gà Mía có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ. Định kỳ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn tổ chức tiêm phòng các loại vacxin nhằm tăng miễn dịch cho đàn gà. Đặc biệt, vào mùa hè, để chống nóng, tạo “khu vui chơi” cho gà, gia đình anh trồng nhiều cây xanh quanh vườn.

“Gà rất thích tắm nắng mà đặc thù sàn cát nóng, điều kiện lý tưởng để tiêu diệt những mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gà. Đây chính là một phần lý do vì sao dịch bệnh ít “hỏi thăm” người chăn nuôi Yên Hòa”, anh Trần Văn Nga nói.

Giống gà lai Hồ và gà Mía cho thịt săn chắc nên thương lái rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

Giống gà lai Hồ và gà Mía cho thịt săn chắc nên thương lái rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

Về hiệu quả sản xuất, bình quân mỗi tháng, anh Nga sẽ xuất bán 2 lần, mỗi lần khoảng 2.000 con gà thương phẩm. Lứa mới nhất anh bán với giá 78.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 30 triệu đồng.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất bán gần 20.000 con gà thương phẩm. Giá gà thịt có những thời điểm giảm xuống 60.000 đồng/kg nhưng tính bình quân sau khi trừ chi phí thì vẫn lãi khoảng 270 triệu đồng. Bây giờ giá gà đang tăng, lại sắp vào dịp Tết nên tôi đang xây thêm 1 chuồng để tăng đàn gà, đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Nga phấn khởi chia sẻ thêm.

Ngoài cung cấp gà thịt cho thị trường trong và ngoài huyện, anh Trần Văn Nga còn làm đại lý cung cấp thức ăn gia cầm, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên gà cho nhiều hộ dân ở địa phương.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, để gia tăng nguồn thu và bảo vệ môi trường anh Nga thu gom phân gà, sử dụng men vi sinh khử mùi hôi, ủ thành phân hữu cơ bán cho người dân trên địa bàn phục vụ trồng trọt. Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán từ 400 - 500 bao phân, thu về 4 - 5 triệu đồng.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi gà thả vườn của hộ anh Trần Văn Nga, lãnh đạo UBND xã Yên Hòa nhấn mạnh, mô hình không chỉ đem về lãi ròng cho gia đình 300 triệu đồng mà còn là địa chỉ học tập kinh nghiệm chăn nuôi nông hộ gắn với bảo vệ môi trường cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Yên Hòa nói riêng, các xã ven biển huyện Cẩm Xuyên nói chung.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.