Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích trên 82.000ha. Bên cạnh lực lượng chức năng, công tác giữ rừng nơi đây còn dựa vào cộng đồng bản địa.
Vườn quốc gia Cát Tiên dựa vào cộng đồng bảo vệ rừng
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên có tổng diện tích trên 82.000ha. Bên cạnh lực lượng chức năng, công tác giữ rừng nơi đây còn dựa vào cộng đồng bản địa.
Với nguồn tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, công tác giữ rừng VQG Cát Tiên đối mặt nhiều thách thức.
Bên cạnh lực lượng chức năng, công tác giữ rừng nơi đây còn dựa vào cộng đồng bản địa. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của VQG Cát Tiên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông K’GIÁC Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán người Châu Mạ
“Trên địa bàn ấp 4 có 2 tổ, tôi tổ 1 thuộc người mạ, đang quản lý 31 hộ, diện tích 800 ha. Trước khi chưa có tổ, 1 số người dân chưa hiểu về rừng, sau khi tham gia bảo vệ rừng người ta cũng có ý thức bảo vệ thiên nhiên, không tác động vào rừng”.
Ông K’REN Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán người S’tiêng
“Tôi cảm nhận bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của rừng, bảo vệ môi trường, vườn cũng tạo điều kiện cho chúng tôi giao khoáng bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân và chính bản thân tôi”.
Hiện VQG ký hợp đồng với hơn 1.200 hộ thuộc 11 xã trong vùng đệm VQG tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Kết quả kiểm tra hàng năm đều cho thấy các cá nhân, tổ chức được giao bảo vệ rừng thực hiện khá tốt các công việc đã cam kết, không để bị mất rừng, suy thoái rừng.
Ông NGUYỄN THANH LONG – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên
“Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, hàng năm vườn khoán cho khoảng 1200 hộ nhận khoán cùng tham gia bảo vê rừng với lực lượng kiểm lâm, phải nói rằng đây là lực lượng đông đảo người dân cùng tham gia bảo vệ rừng, hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm rất nhiều trong việc tuyên truyền, nắm bắt thông tin vi phạm, tham gia tuần tra bảo vệ rừng”.
Tổng số tiền điều phối chi trả dịch vụ môi trường rừng về VQG Cát Tiên năm 2023 khoảng 30 tỷ đồng, với mức thu nhập bình quân mỗi hộ trên 10 triệu đồng. Đây là một trong những nguồn thu đáng kể cho cộng đồng địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Qua đó nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Góp phần công tác bảo tồn hiệu quả, gìn giữ được hệ sinh thái với các loài động, thực vật phong phú.