Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau áp dụng quy trình tuần hoàn nước tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Đây được xem là giải pháp mới trong nuôi tôm siêu thâm canh được chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nuôi tôm nhân rộng.
Để mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công, yếu tố môi trường và nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vây, nguồn nước trước khi cấp vào ao đầm được bà con nông dân xử lý, nhưng phải thường xuyên thay nước và cấp bù đủ lượng nước trong ao đầm để tôm nuôi phát triển, dẫn đến chi phí xử lý nguồn nước chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng chi phí sản xuất.
Nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước áp dụng thành công quy trình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước.
Với diện tích hơn 6.000m2 đất sản xuất, anh bố trí ao dèo theo hình thức ao nổi, ao nuôi tôm được xây dựng liền kề diện tích chỉ khoảng 2.000m2, diện tích còn lại xây dựng hệ thống ao lắng tuần hoàn. Nguồn nước phục vụ cho tôm nuôi được xử lý duy nhất một lần để loại bỏ vi sinh, mầm bệnh và cấp vào ao đầm nuôi tôm.
Hằng ngày, xi phông đầm tôm siêu thâm canh, nguồn nước thải được chảy qua hệ thống lọc tuần hoàn, ở công đoạn này được anh Huỳnh Thái Nguyên dùng lưới giăng cá kết lại thành nhiều lớp, giúp ngăn lại những chất lơ lửng và tự động chuyển đến ao nuôi cá xử lý. Sau khi nguồn nước chảy qua hệ thống lọc sẽ đến bể vi sinh, chủ yếu có nguồn gốc ở tại địa phương và được kích hoạt bằng hệ thống ô xy, giúp vi sinh vật có lợi phát triển, loại bỏ mầm bệnh trong nước.
Với mô hình tuần hoàn nước, bà con nuôi tôm không phải tốn kém chi phí hóa chất và kể cả chế phẩm sinh học để xử lý, nhưng nguồn nước vẫn đảm bảo không chứa mầm bệnh phục vụ cho tôm nuôi. Công đoạn cuối cùng, nguồn nước chảy qua ao rong mền và ao rong rau câu để nâng cao độ trong, cấp ngược lại cho ao đầm tôm siêu thâm canh.
Anh Nguyên chia sẻ: “Tôi nuôi vi sinh tại địa phương cho khu vực đầm tôm của gia đình; kích vi sinh cho nó lên sau đó nuôi chúng. Gia đình tôi không đánh vi sinh ngoại lai bên ngoài vào. Vi sinh chỉ cần kích lên lần đâu thôi thì sẽ sống mãi. Rồi tôi sụt khí, trong ao giữ lại một ít khí độc làm dinh dưỡng cho vi sinh vật và rong rêu thì nó tự sẽ cân bằng”.
Quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn giúp tôm nuôi phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch. Chỉ sau 90 ngày chăm sóc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hộ anh Huỳnh Thái Nguyên thu hoạch đạt trọng lượng 20 con/kg và năng suất 50 tấn/ha/vụ.
Tương tự là hộ anh Trần Văn Phận, ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân. Năm 2023, anh chuyển sang quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích 1 héc ta, trung bình mỗi vụ anh tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền hóa chất xử lý nguồn nước. Hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống và bảo vệ được môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh.
Anh Trần Văn Phận chia sẻ, mô hình tuần hoàn nước giúp người nuôi tôm ổn định hơn. Trước đây mô hình nuôi truyền thống bơm nước từ bên ngoài vào, nếu đúng khi nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi, khiến tôm bị dịch bệnh. Đối với mô hình nước tuần hoàn nước, nguồn nước không bị ô nhiễm, quá trình này giúp tôm quen môi trường mà độ mặn ổn định hơn nguồn nước mới bơm vào, do đó dễ thành công hơn.
Anh Nguyễn Văn Tý, cán bộ Nông nghiệp - Thủy sản xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, cho biết: “Mô hình nuôi tuần hoàn nước này thấy rất hiệu quả, chi phí đầu vào giảm nhiều, rồi thêm một điều nữa là hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, ở góc độ địa phương, xã sẽ tuyên truyền các hộ nuôi thực hiện mô hình này nhằm đảm bảo môi trường và hạn chế chi phí đầu vào cho bà con”.
Trước tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giá tôm nguyên liệu trên thị trường bấp bênh không ổn định, việc ứng dụng quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước được xem là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.