| Hotline: 0983.970.780

Khởi động bản quyền giống lúa vùng ĐBSCL

Thứ Năm 30/09/2010 , 09:44 (GMT+7)

5 DN đồng thuận tham gia đấu giá trả tiền tác quyền 9 giống lúa trong bộ giống lúa mang tên OM, do các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo.

5 DN đồng thuận tham gia đấu giá trả tiền tác quyền 9 giống lúa trong bộ giống lúa mang tên OM, do các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo. Đây là chuyện chưa từng xảy ra ở vựa lúa ĐBSCL.

Đấu giá mua tác quyền

Sau ba lần các DN đến Viện Lúa thương thảo, đến ngày 29/9/2010 lần cuối các DN và Viện Lúa ĐBSCL chốt lại một số điều khoản chi tiết trong hợp đồng trước khi ký kết. Theo đó có 2 dạng hợp đồng: Một là hợp đồng chuyển nhượng tác quyền, nghĩa là chuyển nhượng hẳn quyền sở hữu trí tuệ tên giống lúa cho DN có quyền kinh doanh độc quyền và dạng thứ hai là hợp đồng chuyển nhượng quyền SXKD cho các DN hợp tác cùng ký kết một số giống lúa và phải trả tiền tác quyền theo số lượng giống mà từng DN bán ra.

Trong các hợp đồng ký kết, có 6 giống lúa được 3 DN hợp đồng chuyển nhượng tác quyền trong thời hạn 20 năm là: Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang mua tác quyền 3 giống: OM 2514, OM 2517, OMCS 2000; Cty CP Miền Nam mua tác quyền 2 giống OM 4488, OM 6600; Cty CP Giống cây trồng Miền Nam mua 1 giống OM 5953. Riêng 3 giống lúa OM 4900, OM 6162, OM 7347… là những giống có qui mô thị trường khá lớn, các DN đánh giá khả năng tiêu thụ 15.000-20.000 tấn/năm. Đối với 3 giống lúa này Viện Lúa đồng ý hợp đồng chuyển nhượng cho 5 DN được quyền SXKD và trả tiền bản quyền theo lượng bán ra trong thời hạn 10 năm.

Các DN này gồm có: Cty CP BVTV An Giang, Cty CP Miền Nam, Cty CP Giống cây trồng Miền Nam, Cty ADC và Cty Khuyến nông TP HCM. Trong hợp đồng chuyển nhượng tác quyền Viện Lúa chuyển giao giống nguyên chủng cho phía DN. Còn theo hợp đồng chuyển nhượng quyền SXKD trả tiền bản quyền theo số lượng giống bán ra, DN tự mua giống siêu nguyên chủng từ Viện Lúa về SXKD.

Được biết, để đi tới ký kết hợp đồng mua tác quyền giống lúa phải mất thời gian khá dài. Không giống như việc bán bản quyền giống lúa lai ở miền Bắc, chuyện mua bán tác quyền giống lúa thuần ở các tỉnh phía Nam hoàn toàn mới mẻ. Trong khi một số DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng đã đến lúc làm ăn chuyên nghiệp, thực hiện theo Luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hơn hết là tinh thần tự nguyện muốn được chuyển giao, đóng góp lại công sức trí tuệ cho các nhà khoa học cực công nghiên cứu.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói: “Viện được Bộ NN- PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Viện Lúa phải đảm bảo có đủ bộ giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra dịch bệnh trong vùng. Trong việc chuyển giao thành tựu khoa học, như trong số giống lúa DN đăng ký mua tác quyền hay chuyển nhượng quyền sản xuất kinh doanh, Viện sẽ chọn lựa chuyển giao, song không phải giống nào có giá cao cũng bán”.

Trả giá trị hạt giống

Có một suy nghĩ gần giống nhau của nông dân ĐBSCL là Viện Lúa nghiên cứu giống để giúp nông dân. Đúng vậy. Sự thật trong suốt 35 năm qua Viện Lúa ĐBSCL đã âm thầm làm nhiệm vụ nghiên cứu, làm nghĩa vụ công ích phục vụ nông dân. Theo các nhà khoa học, để lai tạo một giống lúa thành công chi phí tốn kém không dưới 3,5 tỉ đồng.

Còn về giá trị những hợp đồng ký kết, cả hai phía DN và đại diện nhóm tác giả giống lúa đều chưa muốn công bố giá trị chuyển giao tác quyền từng giống lúa vào lúc này. Tuy nhiên một nguồn tin riêng của NNVN cho hay, theo giá ban đầu Viện Lúa đưa ra, các DN đấu giá với mức 200- 600 triệu đồng/giống; đối với giống lúa chuyển nhượng quyền SXKD, mỗi DN sẽ trả tiền tác quyền theo số lượng giống bán ra dự kiến khoảng 200đ/kg. Như vậy ước tính chỉ riêng khoản chuyển quyền SXKD, nếu các DN bán ra 10.000 tấn giống thì tiền tác quyền phải trả 2 tỉ đồng.

Hiện nay mỗi năm ĐBSCL có gần 4 triệu ha sản xuất lúa, trong đó vụ đông xuân 1,5 triệu ha, vụ hè thu 1,6 triệu ha, còn lại vụ thu đông, vụ mùa. Nếu tính lượng giống 100kg lúa/ha, nhu cầu toàn vùng khoảng 400.000 tấn. Theo Bộ NN- PTNT, nông dân trong vùng hiện thời dùng giống xác nhận tăng lên khoảng 30-34%, tương đương 120.000 tấn. Gần đây theo xu hướng nông dân dùng giống lúa xác nhận bỏ dần tập quán lấy lúa thịt làm giống nên các tỉnh trong vùng đã có hàng trăm công ty kinh doanh lúa giống ra đời. Một số DN kinh doanh qui mô lớn, có thương hiệu, bán 10.000-20.000 tấn giống/năm là bình thường.

+ Từ khi thành lập đến nay, Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu lai tạo 162 giống lúa được Bộ NN- PTNT công nhận. Trong đó 50 giống được công nhận chính chức và 112 giống được công nhận đưa vào sản xuất thử.

+ Đối với nông dân, các tổ hợp tác sản xuất tới Viện Lúa mua lúa giống về nhân giống sản xuất vẫn bình thường như trước đây. Để tránh giả mạo, giống lúa của Viện có kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng có in logo của Viện trên bao bì.

Ông Hàng Phi Quang, TGĐ Cty CP Giống cây trồng Miền Nam cho rằng: “Hiện nay theo luật bản quyền, DN phải thực thi đúng theo pháp luật, sản xuất kinh doanh phải trả tiền quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả nghiên cứu các giống lúa để có những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến nông dân. Vì vậy, khi Viện Lúa mời DN mua bản quyền một số giống lúa đã đăng ký giống bảo hộ, chúng tôi sẵn sàng".

TS Lê Văn Bảnh cho biết thêm: Sau mỗi năm nếu có DN đăng ký mua thêm bản quyền hay chuyển nhượng quyền SXKD, Viện sẽ tiếp tục chọn lựa bán ra. Riêng với nguồn thu dự kiến từ tiền bán tác quyền, Viện sẽ hình thành quỹ phát triển khoa học, trong đó có trả tác quyền cho nhóm tác giả nghiên cứu 30-35%; đồng thời nâng cao thu nhập cho các nhà khoa học để an tâm trong công tác nghiên cứu. Đây cũng là điều kiện để Viện tự chủ về tài chính, thực hiện theo nghị định 115CP của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
Siêu thị, chợ đầu mối lo ngại giá thực phẩm Tết tăng cao vì kẹt xe

TP.HCM Theo một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP.HCM, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết phong phú, nhưng lo ngại khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến... giá tăng cao.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điện gió của T&T Group tại Lào sẽ được xuất khẩu về Việt Nam

Điện từ dự án điện gió Savan 1 của T&T Group tại Lào sẽ được bán cho Việt Nam, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.