| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/03/2010 , 09:47 (GMT+7)

09:47 - 03/03/2010

Nông dân "đi trước về sau"

Ba thứ tăng (xăng dầu, USD, điện) “đồng tình” với nhau khiến mọi hàng hoá xã hội tăng tận gốc (giá thành), và tất yếu là nhà sản xuất đổ tất cả những khoản tăng ấy lên đầu người tiêu dùng. Nông dân, tất nhiên lại một lần nữa trở thành những nạn nhân khốn khổ nhất của đợt biến động giá cả này...

Tỷ giá mỗi USD được điều chỉnh tăng 620 đồng giữa tháng 2. Xăng dầu tăng giá ngay sau Tết khiến mặt bằng giá cả chấn động, người tiêu dùng xây xẩm mặt mày. Chưa kịp trấn tĩnh sau cơn choáng váng ấy thì từ ngày 1/3, giá điện tăng. 

Nông dân lại một lần nữa trở thành những nạn nhân khốn khổ nhất của đợt biến động giá cả này... (Ảnh minh họa)

Ba thứ tăng (xăng dầu, USD, điện) “đồng tình” với nhau khiến mọi hàng hoá xã hội tăng tận gốc (giá thành), và tất yếu là nhà sản xuất đổ tất cả những khoản tăng ấy lên đầu người tiêu dùng. Giờ đây, gánh nặng chi tiêu vốn đã nặng nề đối với càng trở nên nặng nề hơn. Người tiêu dùng chỉ còn biết mỗi ngày xiết chặt miệng túi thêm một tý, và không biết họ sẽ phải xiết đến bao giờ.

Nông dân, tất nhiên lại một lần nữa trở thành những nạn nhân khốn khổ nhất của đợt biến động giá cả này. Nông dân chỉ có hạt lúa. Mấy ngày qua giá lúa ở ĐBSCL "tụt áp" trong khi chi phí nước tưới tăng cao do giá điện tăng, chi phí cho phân bón, thuốc BVTV…cũng tăng theo. Mỗi thứ tăng làm phần hưởng thụ của nhà nông vơi đi một phần không nhỏ.

Những hộ chăn nuôi cũng không thoát khỏi số phận như người trồng lúa, bởi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá lợn hơi, giá gia cầm lại đi xuống. Ngay sau Tết, bình quân mỗi kg gà đã giảm từ 8.000 đến 10.000 đồng do sức mua giảm, giá thức ăn chăn nuôi đội lên. Chưa hết, người làm muối khắp cả nước đang ngao ngán khi giá muối cứ giảm từng ngày mà mấy "ông" Bộ vẫn điềm nhiên cấp hạn ngạch cho DN nhập muối ngoại về.

Người nông dân vốn có mức thu nhập thấp nhất trong xã hội đang phải hứng chịu một nghịch cảnh: Nông sản làm ra đã rẻ rúng, không tiêu thụ được thì luôn phải oằn lưng gánh những đợt tăng giá của sản phẩm công nghiệp.

Mỗi lần tăng giá, các nhà cung cấp xăng, điện…thường lên các kênh thông tin đại chúng giải thích về lý do tăng giá của họ. Nghe họ giải thích, nhiều người ngây thơ có khi còn “thương”, còn “ chia sẻ khó khăn” với họ. Ví như tuy giá dầu thô thế giới tăng mạnh nhưng vì “thương” người tiêu dùng nên họ mới chỉ tăng chừng này, trong khi lẽ ra phải tăng chừng kia.

Còn giá muối, giá lúa giảm thì nông dân chẳng biết "giải thích" thế nào, mà nói ai nghe. Thôi thì đành ngồi chờ đến lúc giá lên.

Nghịch lý là vậy.