| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đối mặt nghịch cảnh: [Bài I] Nỗi sợ của người trồng cà phê

Thứ Ba 05/05/2020 , 05:30 (GMT+7)

Miguel Fajardo, một nông dân trồng cà phê ở Tây Colombia, đã dành 8 năm qua gây dựng sự nghiệp của gia đình sau khi cha anh phá sản.

Miguel Fajardo, nông dân trồng cà phê ở Tây Colombia. Ảnh: BBC.

Miguel Fajardo, nông dân trồng cà phê ở Tây Colombia. Ảnh: BBC.

Giờ đây, anh lo sợ mình sẽ một lần nữa mất sạch mọi thứ bởi việc kinh doanh trở nên ế ẩm giữa lúc Covid-19 đang hoành hành, theo BBC.

“Chúng tôi cực kỳ sợ hãi, không biết mọi thứ rồi sẽ ra sao”, anh tỏ ra lo lắng. “Chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất cà phê nhưng biết bán chúng ở đâu đây? Việc này thật sự rất nan giải”.

Cà phê chất lượng cao với rất ít khuyết điểm thường được bán trong các nhà hàng và tiệm giải khát. Phần lớn các địa điểm này đều phải ngừng hoạt động do diễn biến phức tạp của bệnh dịch. Hiệp hội Cà phê Đặc sản (SCA) cảnh báo nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt nguy cơ giải thể, trong khi nỗi lo lắng của nông dân trồng cà phê cũng không kém cạnh.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê đã tăng vọt trong những tuần gần đây, khi người tiêu dùng ồ ạt dự trữ các mặt hàng cơ bản từ siêu thị. Tuy nhiên, số phận của cà phê đặc sản đắt tiền mà Fajardo đang sản xuất lại không được như vậy.

Chỉ tính trong một tháng qua, Fajardo đã bị sụt giảm 50% đơn hàng. Tình hình được dự đoán còn tiếp tục tồi tệ hơn.

“Qua tin tức có thể thấy gần như cả thế giới đều phải cách ly”, anh nói. “Đáng sợ nhất là điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chúng tôi bởi nhu cầu tiêu thụ cà phê đặc sản giảm mạnh”.

Nhiều nông dân vùng vành đai cà phê của Colombia phải đối mặt với cuộc sống vô cùng bấp bênh.

Sau khi các khoản nợ tăng vọt và giá cà phê biến động mạnh dồn cha của Fajardo tới bờ vực phá sản, gia đình anh buộc phải bán tất cả trang trại cà phê.

Chính tại thời điểm khó khăn đó, Fajardo đã chuyển sang sản xuất cà phê đặc sản, bởi nó đảm bảo cho những người nông dân như anh có đơn hàng được đặt trước với mức giá ổn định. Việc kinh doanh này giúp anh mua được một trang trại riêng để phục vụ sản xuất.

Nếu không còn ai mua cà phê đặc sản, anh sẽ phải đem sản phẩm của mình bán trực tiếp ra thị trường chung, nơi giá cả dễ gặp nhiều biến động.

“Thật khó khi phải quay lại thị trường chung bởi sẽ chẳng có một mức giá ổn định nào hết, chúng tôi sẽ không thể biết được mình liệu mình sẽ”, Fajardo trăn trở. “Cuối cùng lại phải trở về nơi xuất phát”.

Một trong những khách hàng của Fajardo là Volcano Coffee Works, xưởng rang xay cà phê đặc sản có trụ sở tại Brixton, phía nam London, Anh.

Covid-19 đã gây thiệt hại lớn cho các nhà cung cấp. Khi Vương quốc Anh thông báo lệnh giãn cách xã hội hồi tháng 3, 91% đơn đặt hàng tại các nhà hàng, khách sạn, văn phòng và quán cà phê buộc phải dừng vận chuyển.

“Khách hàng chính của chúng tôi đều phải đóng cửa”, Emma Loisel, chủ tịch Volcano Coffee Works, cho biết. “Để bán được cà phê, chúng tôi chỉ có thể nhận đơn online và giao tới tận tay khách hàng”.

Colombia là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Việt Nam. Ảnh: Getty Images.

Colombia là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Việt Nam. Ảnh: Getty Images.

Doanh số trực tuyến tăng mạnh, nhưng Loisel cho hay đây chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống kinh doanh và không thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu của các quán cà phê và nhà hàng.

Bà sợ rằng ngành cà phê đặc sản sẽ khó lòng vượt qua đại dịch. “Đây là một tin xấu đối với các khu phố kinh doanh sầm uất nói chung và với người yêu cà phê nói riêng. Thực tế là chẳng ai mong muốn chỉ những doanh nghiệp đa quốc gia mới có thể bán cà phê của chúng tôi trên những con phố lớn”, Loisel nói.

Không chỉ quan tâm tới việc kinh doanh của mình và khách hàng, bà cũng lo lắng cho những người nông dân bán cà phê cho mình. “Có những người phải sống dựa vào từng đồng kiếm được mỗi ngày và chúng tôi thực sự lo sợ rằng mình không thể tiếp tục hỗ trợ họ nữa”, Loisel chia sẻ.

Giờ đây, các con phố kinh doanh vắng lặng. Quán cà phê và nhà hàng vẫn đóng chặt cửa.

Đối với Lore Mejia, không còn gì có thể tồi tệ hơn nữa. Cô mới mở một quán cà phê ở Chiswick, phía tây London, vào đầu tháng 3, nhưng rồi buộc phải đóng cửa vài ngày sau đó khi Anh có lệnh cách ly.

Mejia đã cố gắng tái khởi động công việc kinh doanh của mình qua kênh bán hàng trực tuyến. Cô sáng tạo bằng cách làm video dạy mọi người pha cà phê đặc sản tại gia. Lòng tràn đầy niềm tin, Mejia quyết mở lại quán cà phê của mình ngay khi dịch bệnh kết thúc.

“Đối với một người tới từ Colombia như tôi, cà phê là một phần của cuộc sống”, cô nói. “Chắc chắn chúng tôi sẽ mở trở lại, nhưng vài tháng tới sẽ là thời điểm quyết định sống còn”.

Nông dân và thương nhân đều mong muốn các quán cà phê như của Mejia bán trở lại. Họ hy vọng rằng một ngày nào đó nhu cầu tiêu thụ, ngay cả đối với cà phê đắt tiền hơn, sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, đây thật sự là thách thức đối với các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau, gây áp lực trực tiếp lên những cộng đồng nghèo khó nhất thế giới. Nếu mối quan hệ này bị phá vỡ, họ có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để xây dựng trở lại.

Đó là lý do tại sao những nông dân như Miguel Fajardo lo sợ điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải thay đổi cây trồng, bán trang trại đi hoặc thậm chí sẽ phá sản thêm một lần nữa”, anh nói. “Thật khó để biết mọi thứ sẽ diễn biến ra sao, nhưng chúng tôi thật sự lo cho tương lai của mình”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.