Hàng loạt quốc gia đang phải áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan, tạo ra nhiều thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.
Ngay tại những nơi khó rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nhất, như châu Âu và Bắc Mỹ, các trang trại vẫn phải đối mặt nguy cơ thiếu lao động nghiêm trọng, nhân lực giá rẻ gặp rào cản.
Sự gián đoạn nguồn cung lao động này khả năng cao dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong ngành nông nghiệp thế giới sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Rủi ro cố hữu khi phụ thuộc vào lao động thời vụ từ quốc gia khác bộc lộ rõ tại một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan và Italy, với nhân lực chủ yếu đến từ Đông Âu.
Nguồn lực này không xuất hiện trong vụ thu hoạch năm nay vì biên giới các nước tạm thời đóng cửa cùng lo ngại nhiễm bệnh. Nông dân Tây Âu buộc phải để thành quả lao động thối rữa trên các cánh đồng.
Tại nhiều khu vực ở Mỹ, tình trạng thiếu lao động hiện hữu từ trước khủng hoảng Covid-19. Người Mỹ không muốn làm việc đồng áng, do đó, nông dân nước này phụ thuộc chủ yếu vào lao động thời vụ từ Mexico.
Những người tham gia chương trình thị thực H-2A, cho phép chủ lao động tại Mỹ đưa công dân nước ngoài đến Mỹ làm công việc nông nghiệp tạm thời thiếu nhân lực, chiếm 10% tổng lao động trong ngành.
Chi phí và tính phức tạp của H-2A từ lâu đã là rào cản lớn cho lao động nhập cư. Khó khăn càng gia tăng khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Dù nhiều lãnh sự quán Mỹ đã bỏ bớt thủ tục phỏng vấn dành cho ứng viên xin thị thực, quy trình xử lý H-2A vẫn tốn đáng kể thời gian.
Chủ sử dụng lao động còn phải chịu thêm những áp lực mới về y tế và an toàn. Họ phải đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội không chỉ ở nơi làm việc mà còn tại nơi ở, phương tiện vận tải cung cấp cho lao động. Ngoài ra, năng suất nông nghiệp được dự báo giảm đáng kể.
Sau trải nghiệm lần này, các nông dân khó có thể hoạt động như bình thường. Nhiều người sẽ tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào lao động mùa vụ từ nước ngoài bằng cách tăng cường tự động hóa.
Tự động hóa chắc chắn đòi hỏi khoản đầu tư trước không nhỏ. Một số công việc, như thu hoạch rau, quả, khó tự động hóa hơn số còn lại. Những công nghệ như máy bay không người lái, máy kéo tự động, robot gieo hạt, robot thu hoạch sẽ giúp giảm đáng kể nhu cầu lao động.
Nếu nông dân tại các nền kinh tế phát triển thực hiện ý định trên, nông dân tại những nước đang phát triển cũng sẽ học theo, ngay cả những nơi không gặp tình trạng thiếu lao động. Một ví dụ là Nam Phi có lượng lao động lớn nhưng thiếu kỹ năng, phù hợp cho công việc đồng áng. Nước này chỉ thiếu lao động có trình độ.
Trước thời Covid-19, cơ quan hoạch định phát triển quốc gia Nam Phi (NDP) đặt mục tiêu gia tăng việc làm nông nghiệp và chế biến nông sản lên gần 1 triệu vào năm 2030, bao gồm thúc đẩy các lĩnh vực phụ cần nhiều lao động và tăng diện tích đất canh tác.
Cho đến nay, nỗ lực này đã giúp mở rộng các loại cây trồng thêm cam, quýt, hạt mắc ca, táo, nho, bơ và đậu tương. Số việc làm trong ngành nông nghiệp tăng 23%, từ 718.000 trong quý IV/2012 lên 885.000 vào quý IV/2019.
Sau đại dịch Covid-19, sự tích hợp công nghệ khả năng cũng tăng, không phải do các điều kiện thị trường trong nước mà vì nhu cầu cạnh tranh trên thị trường quốc tế với đối thủ tại các quốc gia phát triển đã thực hiện tự động hóa.
NDP đặt mục tiêu tăng cường đầu tư vào thủy lợi, thúc đẩy năng suất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tất cả những mục tiêu đó đều cần, hoặc bắt buộc phải có, nhiều tự động hóa hơn ở Nam Phi.
Việc tăng diện tích đất canh tác cũng tương tự, đặc biệt là tại những khu vực cải cách đất đai kém hiệu quả.
Các tỉnh KwaZulu-Natal, Eastern Cape và Limpopo có khoảng 1,6 – 1,8 triệu hecta đất canh tác không được sử dụng, theo nghiên cứu năm 2015 của Viện McKinsey Toàn cầu. Tự động hóa có thể giúp cải tạo diện tích này cho nông nghiệp.
Bao quát hơn, trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, các nhà lập chính sách, sản xuất nông nghiệp tại mọi quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn sẽ phải theo dõi sát sao các xu hướng về tự động hóa.
Với người lao động, trong khi việc làm nông nghiệp tại những quốc gia như Nam Phi còn nhiều, những ai phụ thuộc vào việc làm thời vụ tại các nền kinh tế phát triển nên sẵn sàng cho những bất ổn phía trước.
Ngành nông nghiệp thế giới cũng cần có sự hỗ trợ nhất định để đứng vững sau đại dịch. Liên minh châu Âu (EU) khuyến khích quốc gia thành viên coi lao động thời vụ là nhân lực thiết yếu, trao đổi thông tin về nhu cầu giữa các bên để đảm bảo việc đi lại diễn ra thông suốt, tái phân bổ các quỹ nông nghiệp không được sử dụng vào nỗ lực khắc phục ảnh hưởng từ Covid-19 tại vùng nông thôn, triển khai cho vay lãi suất thấp hoặc ân hạn trả nợ.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 17/4 thông báo chương trình trị giá 19 tỷ USD hỗ trợ nông dân nông dân chịu thiệt hại vì Covid-19. Chương trình sẽ chi 3 tỷ USD mua nông sản và hỗ trợ trực tiếp 16 tỷ USD cho các nhà sản xuất nông sản “bị thiệt hại chưa từng có”, tối đa 250.000 USD cho một cá nhân hoặc tổ chức, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue.
“Ngành nông nghiệp Mỹ chịu thiệt hại nặng nề và Tổng thống Trump đang ở bên nông dân Mỹ để đảm bảo chúng ta sẽ vượt qua tình trạng khẩn cấp quốc gia này”, ông Perdue nói.