| Hotline: 0983.970.780

Nông dân gồng mình cứu lúa khỏi triều cường gây ngập úng

Thứ Sáu 06/10/2023 , 19:58 (GMT+7)

Kiên Giang Đợt triều cường giữa tháng 8 âm lịch trùng với đỉnh lũ chính vụ ở ĐBSCL, đã gây ngập úng cục bộ, nông dân phải 'gồng mình' cứu lúa khỏi bị nhấn chìm.

Bỏ dở đám cưới về cứu lúa

Hơn một tuần nay, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận lo sốt vó vì triều cường liên tục dâng cao, đỉnh triều còn tràn cả qua đường, hệ thống bờ bao, uy hiếp hàng chục ngàn ha lúa. Cùng với đó là mưa lớn liên tục kéo dài, nông dân phải tốn hàng trăm ngàn mỗi ngày để mua dầu bơm nước cứu lúa.

Cả tuần nay, ngày nào ông Giới cũng phải tốn vài trăm ngàn mua dầu chạy máy bơm nước để cứu diện tích lúa hơn 2 ha bị triều cường và mưa lớn liên tục nhấn chìm. Ảnh: Trung Chánh.

Cả tuần nay, ngày nào ông Giới cũng phải tốn vài trăm ngàn mua dầu chạy máy bơm nước để cứu diện tích lúa hơn 2 ha bị triều cường và mưa lớn liên tục nhấn chìm. Ảnh: Trung Chánh.

Sáng ngày 4/10, anh Trần Thanh Phong, ở ấp Chín Chợ, xã Đông Hòa, huyện An Minh đang đi ăn đám cưới đứa em họ thì nhận được điện thoại của người nhà là bờ đê ruộng lúa bị bể, nước đang tràn mạnh vào ruộng nhấn chìm diện tích hơn 1 ha lúa. Bỏ dở đám cưới, anh Phong vội vã chạy về nhà dùng cừ tràn, bao đất để hàn lại đoạn đê đang bị nước từ sông cuồn cuộn chảy vào, bào mòn rộng thêm ra.

Anh Phong bảo: “Cũng may người nhà phát hiện sớm nên còn cứu kịp, chứ cứ tình tang ngồi ăn đám xong mới về thì lúa chìm trong biển nước, khó tránh khỏi thiệt hại”. Đoạn đê bị bể ngay khu vực máng bơm nước, có chiều dài khoảng 4m. Trước đó mấy ngày, khi nghe thông tin về đợt triều cường dâng cao, anh Phong đã cẩn thận mua cừ tràm về đóng gia cố hai bên đoạn đê, mở rộng mặt đê lên đến 2,5m, vậy mà áp lực triều cường quá cao vẫn làm vỡ đê.

Ở cùng địa phương, ông Phan Văn Giới, ấp Chín Xáng, xã Đông Hòa gần 1 tuần nay ngày nào cũng phải tốn hàng trăm ngàn mua dầu bơm nước cứu diện tích lúa hơn 2 ha bị triều cường và mưa lớn liên tục nhấn chìm, gây ngập úng. Mới sáng sớm, ông Giới đã lặn lội ra ruộng quay máy để bơm rút nước ra. Mực nước ngoài kênh và trong ruộng chênh nhau khá lớn, khiến chiếc máy dầu D9 nổ bạch bạch nghe nặng nhọc khi cố đạp nước từ ruộng ra qua chiếc ống ngầm. Theo ông Giới, ngày nào ít thì cũng phải tốn 5 lít đầu, nếu gặp thêm trời mưa nữa thì phải tốn 10 lít mới đủ.

Đợt triều cường năm nay kéo dài và nước dâng rất cao. Mặc dù bờ đê quanh của ông Giới cao hơn mặt ruộng cả mét nhưng đỉnh triều có thời điểm nước tràn cả qua đê vào ruộng. Trong khu ruộng, ông Giới đặt sẵn hai chiếc máy dầu D9 để bơm nước ra. Nhưng triều cường tràn vào đã nhấn chìm một máy, buộc ông phải đưa để lên bờ chờ sửa. Chiếc còn lại may mắn chưa ngập được ông kê cao lên, ngày ngày bơm nước cứu lúa.

Nông nghiệp bị thiệt hại

Tại huyện Vĩnh Thuận, liên tiếp những ngày qua mưa lớn và triều cường dâng cao đã gây ngập nhiều tuyến đường, đê bao, nước tràn vào vườn cây, ruộng lúa gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tôm, cua nuôi thất thoát ra ngoài.

Cụ thể, theo ngành chức năng của huyện, tuyến đường Bình Phong (xã Vĩnh Bình Nam) đoạn dài khoảng 6km bị ngập sâu trên 20cm, đường kênh Một Hảng, đường Rạch Đình, đường Ruộng Sạ (xã Vĩnh Phong) có nhiều km bị ngập sâu từ 10-20cm, đường kênh 500 (xã Tân Thuận) bị ngập sâu trên 10cm với chiều dài khoảng 2km, đường ven sông Cái Lớn (Ba Đình - Ký Ướng) đoạn dài khoảng 5km bị ngập sâu trên 20cm...

Triều cường dâng cao tràn qua hệ thống đê bao, nhấn chìm khu ruộng lúa - tôm sau nhà của ông Út Giới mênh mông như biển nước, ông phải dùng xuồng để đi ra quay máy bơm nước cứu khu ruộng tiếp giáp phía sau. Ảnh: Trung Chánh.

Triều cường dâng cao tràn qua hệ thống đê bao, nhấn chìm khu ruộng lúa - tôm sau nhà của ông Út Giới mênh mông như biển nước, ông phải dùng xuồng để đi ra quay máy bơm nước cứu khu ruộng tiếp giáp phía sau. Ảnh: Trung Chánh.

Tương tự, tại huyện An Biên, mưa dông và triều cường dâng cao đã làm nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên cho biết diện tích lúa hè thu 2023 của huyện nông dân gieo sạ được hơn 5.600 ha. Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, thiên tai do mưa dông và triều cường đã làm 423 ha lúa đang giai đoạn trổ chín bị đổ ngã từ 30-70%, ngập úng cục bộ. Nông dân không chỉ tốn chi phí bơm rút nước ra cứu lúa, mà còn tăng chi phí thu hoạch. Lúa bị đổ ngã, ngập nước gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giảm lợi nhuận. Đến nay, nông dân huyện An Biên mới thu hoạch được khoảng 2.000 ha lúa hè thu.

Triều cường làm nước kênh mương nội đồng dâng cao, chênh lệch mực nước trong ruộng và ngoài kênh lên đến cả mét, gây áp lực rất lớn lên hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Triều cường làm nước kênh mương nội đồng dâng cao, chênh lệch mực nước trong ruộng và ngoài kênh lên đến cả mét, gây áp lực rất lớn lên hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài ra, huyện An Biên còn có 21.000 ha lúa vụ mùa trên nền đất nuôi tôm. Mưa lớn liên tục, cộng với triều cường gây ngập úng đã làm chậm tiến độ gieo, cấy, đến nay mới xuống giống được 18.000 ha. Diện tích lúa này cũng đang xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, nông dân phải tốn chi phí để bơm rút nước ra cứu lúa, tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, những ngày qua nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng của triều cường, áp lực nước dâng cao, gây ngập úng cục bộ, tác động bất lợi đến sản xuất. Đơn vị đã chủ động vận hành đóng - mở các cống trên tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương, An Biên - An Minh và tuyến đê bao Ô Môn - Xà No thuộc huyện Giồng Riềng, Gò Quao, các cống trên địa bàn TP. Rạch Giá, huyện Châu Thành, U Minh Thượng gắn với công tác phòng, chống ngập úng và đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất và an toàn công trình. Tập trung cho công tác phòng chống lũ, triều cường dâng cao, bảo vệ tốt sản xuất vụ lúa hè thu, thu đông và lúa – tôm năm 2023-2024.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm