Ngày 31/8, Sở NN-PTNT An Giang tổ chức hội thảo trực tuyến chuyên đề về các giải pháp giúp nông dân giảm chi phí và tăng cường liên kết trong sản xuất lúa giai đoạn 2021 – 2022.
Liên kết giúp giảm chi phí
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Vụ lúa thu đông 2021 An Giang xuống giống trên 160.000ha, đến nay các địa phương đã xuống gần 20% diện tích đa phần nông dân tập trung sản xuất lúa chất lượng cao trên 90%. Vụ thu đông thường sản xuất trong điều kiện mưa, bão thất thường nên nguy cơ cao về yếu tố thời tiết và sâu bệnh hại. Hiện, tiến độ xuống giống tuy có chậm hơn cùng kỳ năm 2020 nên khả năng thời vụ bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống năm 2022.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên một số địa phương có khả năng gặp khó khăn về nhân công cũng như tiếp cận các dịch vụ mua sắm vật tư phục vụ sản xuất cũng như di chuyển đi lại chăm sóc ruộng đồng.
Giá phân bón, thuốc BVTV đang tăng cao nên sẽ ảnh hưởng làm tăng chi phí sản xuất trong vụ thu đông. Nguy cơ về khó khăn trong khâu tiêu thụ vẫn còn nguy cơ xảy ra trong vụ thu đông sắp tới nếu như tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh hơn nữa.
Theo ông Lâm, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiêp, đặc biệt ở vụ thu đông 2021. Qua thực trạng liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay đã khẳng định doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết.
Liên kết sẽ giúp giảm chi phí khâu trung gian, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và đặc biệt không bị ảnh hưởng lớn của những biến động giá cả của thị trường nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, khi người dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp có thể giúp giảm thiểu rủi ro do yếu tố mùa vụ.
Doanh nghiệp bao tiêu lúa thu đông cho nông dân
Trong vụ lúa thu đông 2021 này, UBND tỉnh An Giang đã giao ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: ‘1 phải 5 giảm’ và ‘3 giảm 3 tăng’… Đồng thời rà soát, tính toán lại công thức phân bón theo hướng chuyển đổi sang các loại phân bón khác có giá thấp hơn, kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình sản xuất để giảm thấp nhất chi phí đầu vào.
Để thực hiện nhiệm vụ trên ngành nông nghiệp An Giang cũng chủ động trong việc hướng dẫn các địa phương thông tin đến người sản xuất các giải pháp giảm chi phí và tăng cường liên kết trong sản xuất.
Ông Lê Thanh Thạo Nhiên, GĐ Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Mô hình sản xuất lúa rải vụ Lộc Trời 123 triển khai tại An Giang trong vụ lúa thu đông 2021 là 12.000ha. Tập đoàn Lộc Trời cam kết đầu tư toàn bộ vốn sản xuất lúa cho các nông dân và HTX tham gia vào mô hình Lộc Trời 123 và đảm bảo nông dân và HTX sẽ có thu nhập ổn định. Cụ thể như đảm bảo “3 Bao” như: bao sâu bệnh, bao tiêu, bao lợi nhuận…Ngoài ra nông dân được hướng dẫn và chứng nhận trồng lúa theo quy trình canh tác bền vững.
Bên cạnh đó Lộc Trời đề xuất đến UBND tỉnh An Giang và ngành nông nghiệp sớm đồng ý cho chủ trương trình 123 của Lộc Trời. Ban hành công văn hướng dẫn cho các đối tượng tham gia liên kết trong toàn tỉnh. Hỗ trợ truyền thông đến bà con nông dân và các thành tố khác thông qua các phương tiện truyền thông báo đài. Bảo lãnh vay vốn ngân hàng cho Lộc Trời để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động tổ chức sản xuất và thu mua lúa gạo cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Áp dụng luồng xanh cho nhân sự Lộc Trời và phương tiện cung ứng VTNN, dịch vụ nông nghiệp, thu mua (ghe, tàu, xe...).
Theo ông Nhiên, trong thời gian tới cần đẩy mạnh vận động các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ nông nghiệp tại địa phương theo kế hoạch sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời. Tổ chức cán bộ khuyến nông triển khai các chương trình vận động nông dân, HTX tham gia mô hình (truyền thông, giải thích mô hình, hướng dẫn đăng ký, giám sát hỗ trợ thực hiện). Đặc biệt nông dân cần phải tuân thủ hợp đồng, xuống giống theo kế hoạch theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra.
Thành Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã
Tổ phản ứng cấp xã được thành lập nhằm để tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp, gián tiếp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến tình hình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, lưu thông nông sản tại các địa phương và xử lý thông tin theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã là cầu nối để cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết nhanh mọi khó của người nông dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ và lưu thông nông sản tại địa phương. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản tại địa phương, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để hình thành Tổ chức kinh tế hợp tác làm cầu nối liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp.