Những năm gần đây, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, nhất là thời điểm cà phê được giá, nhiều chủ vườn tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại đối diện với nạn trộm cắp.
Ông Trần Đông Dương, trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, 2 tuần trước, 10 hàng cây cà phê của gia đình ông bị kẻ trộm đột nhập, tuốt hết quả chín lẫn quả xanh. Nhiều cây cà phê bị bẻ cả cành, nhất là những cành sai quả. Dưới đất, quả rơi vãi, cành và lá nằm la liệt, héo rũ. Vườn cà phê của gia đình ông Dương chẳng khác nào vừa bị bão quét qua.
“Một năm chăm vườn, đến kỳ thu hoạch lại vừa bị trộm, vừa bị phá, bức xúc lắm. Mới đầu mùa nhưng ước tính, gia đình tôi mất khoảng 100kg quả, rơi rụng thêm 100kg. Những cây bị bẻ cành chắc chắn sẽ phải dưỡng thêm 2-3 năm nữa may ra mới ra quả lại. Thật không còn cách nào để ngăn chặn”, ông Dương xót xa.
Cũng theo ông Dương, tình trạng mất trộm cà phê năm nào cũng xảy ra, nhất là thời điểm vào vụ thu hoạch. Ông Dương đã báo cáo sự việc với thôn và xã nhưng chưa thấy tình hình khá lên.
Để canh cà phê, ông Dương phỉa ở trên rẫy đến 7 giờ tối mới về. Khuya đến, ông lại cùng một số hộ dân mang đèn pin đi tuần.
“Một số hộ khác kéo đèn điện ra giữa rẫy, bật sáng cả đêm để canh trộm. Còn tôi, đêm nào cũng phải đi canh cà phê, ban ngày không còn sức lao động nữa”, ông Dương than thở.
Ông Dương cho biết thêm, qua theo dõi, một số hộ dân không trồng cà phê nhưng lại có cà phê mang bán. Mặt khác, một số đại lý thu mua quả cà phê xanh với giá 4.000-6.000 đồng/kg. Theo ông Dương, chỉ cần vận động các đại lý này không thu mua quả xanh thì sẽ ngăn chặn được một phần nạn ăn trộm cà phê hiện nay.
Ông Trần Minh Chẩm, trú tại thôn Cợp cũng vừa bị kẻ trộm đột nhập. Kẻ trộm chọn cây nhiều trái hái và bẻ cả cành. Ông ước tính mất khoảng 200kg quả cà phê tươi, đổ dưới đất khoảng 70kg.
“Họ bẻ hết các cành sai quả, muốn phục hồi phải vài ba năm sau nên sẽ ảnh hưởng năng suất các vụ tới. Gia đình bị mất trộm rất nóng ruột. Mong chính quyền vào cuộc quyết liệt để chặn đứng nạn trộm cà phê”, ông Chẩm cho biết.
Theo người dân thôn Cợp, dù mới đầu vụ nhưng đã có hàng chục hộ bị mất trộm cà phê. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, nạn trộm cà phê sẽ rộ lên vào chính vụ thu hoạch, người dân sẽ hoang mang, ức chế và mức độ thiệt hại sẽ càng lớn hơn.
Sau vụ trộm, ông Chẩm mua một đèn pin siêu sáng để canh trộm và dự định sẽ gài bẫy kẻ trộm.
“Nếu chính quyền không can thiệp được, tôi phải mua bẫy đặt quanh vườn, ai dính tự chịu, tôi báo chính quyền việc này trước rồi. Đêm thức khuya, sáng 4h đã dậy lên rẫy canh trộm, tôi mệt mỏi lắm rồi”, ông Chẩm cho hay.
Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng xác nhận, trên địa bàn xã có tình trạng mất trộm cà phê vào vụ thu hoạch trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng vẫn còn tiếp diễn. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã thành lập đội tuần tra vào các đêm; tuyên truyền, khuyến cáo để các chủ đại lý không thu mua cà phê xanh. Bước đầu, các phương án này đem lại hiệu quả nhưng về lâu về dài phải có các phương án quyết liệt hơn.
“Mất trộm cà phê xẩy ra tại 2 thôn của xã Hướng Phùng. Vừa rồi, tại thôn Cợp có bắt được 4 đối tượng, trong đó có 3 học sinh. Đây đều là những người lần đầu vi phạm nên chính quyền và ngành chức năng đang dừng lại ở mức độ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Long cho hay.
Người trồng cà phê có bị ép giá?
Người trồng cà phê tại xã Hướng Phùng còn phản ánh, những ngày qua, có tình trạng doanh nghiệp “ép giá” cà phê. Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho rằng, rất khó để xác định rõ việc doanh nghiệp có thao túng giá cà phê hay không. Doanh nghiệp thường chia cà phê ra rất nhiều loại để thu mua với giá khác nhau. Thực tế, cà phê đạt chất lượng vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá 14-15 nghìn đồng/kg.