Chúng hoành hành khắp nơi. Ở nhiều vùng, bà con đã lập các đội dân vệ để ngăn cản những phần tử xấu này nhưng ngăn không xuể.
Cây tô mộc rất thích hợp trồng làm hàng rào
Ta có lên Tây Nguyên mới thấy, cà phê được trồng bạt ngàn, từ đồi này nối sang đồi khác, nương này liền nương kia. Cũng có những gia đình đã dùng lưới kẽm gai hoặc cả lưới B40 để rào mà vẫn mất trộm. Các loại hàng rào đó không ngăn nổi những tay trộm sành sỏi. Có nhà phải ngủ ngay tại vườn để canh mà trộm vẫn lẻn qua được…
Cũng vì sợ mất trộm nên nhiều nhà đã thu cả cà phê non. Đó là nguyên nhân mà nhiều đợt cà phê đã xuất đi vẫn bị trả lại vì sạn (do phơi cả cà phê non lẫn với cà phê chín). Vì vậy, nạn trộm cắp đã làm hại cho bà con ta rất lớn.
Lâu nay, đã có nhiều ý kiến đóng góp để ngăn cản nạn trộm cắp cà phê. Tuy nhiên, tình hình vẫn ít thay đổi. Vậy, chúng ta chịu bó tay sao?! Đây là vấn đề mà chính quyền các cấp vẫn phải chung tay vào để giải quyết.
Chúng tôi xin đề xuất một biện pháp nhỏ mà ở đâu cũng có thể thực hiện được. Đó là việc làm hàng rào bảo vệ bằng cây tô mộc.
Tôi nhớ, thời bác Nguyễn Trung Vệ, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm và nghiên cứu khoa học lâm nghiệp vùng Tây Bắc còn sống, bác đã đưa tôi ra vườn và giới thiệu một hàng rào trồng toàn cây tô mộc. Đó là loại cây gỗ, cao 5-6m, phân nhánh nhiều và có gai cực kỳ sắc.
Gai của chúng cứng như đinh và mọc kín đặc trên thân. Họ đã trồng chúng theo kiểu nanh sấu ở xung quanh vườn. Nó làm thành một hàng rào xanh nhưng hết sức vững chắc. Trong lúc chúng tôi đang trao đổi thì có mấy đứa trẻ chăn trâu đứng phía ngoài hóng tai nghe.
Bảo vệ nói với lũ trẻ: “Đứa nào chui được qua đây, ông sẽ cho 10.000 đồng”. Thế là cả lũ háo hức tìm mọi cách để trèo, chui, bò qua hàng rào tô mộc đó. Nhưng không đứa nào lọt được qua. Gai ghê gớm khiến chúng phải lùi bước…
Tôi nhớ mãi kỷ niệm ấy. Vậy, sao bây giờ ta không làm hàng rào tô mộc xung quanh các vườn cà phê? Tôi đã bàn với một số đơn vị ở Tây Nguyên. Tôi đưa họ đến thăm một đơn vị bộ đội ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây có một hàng rào bằng cây tô mộc trồng xung quanh cơ quan.
Một anh bạn đã khéo léo thò tay vào để nhặt mấy quả tô mộc rơi dưới đất nhưng vẫn bị gai của nó đâm chảy máu. Đấy là giữa ban ngày mà ta còn bị gai của nó cào. Vậy, vào ban đêm thì trộm làm sao chui qua được hàng rào tô mộc này!
Anh Hoàng Tùng, Giám đốc Cty Vinamăcca đã cho trồng tô mộc xung quanh vườn của Cty ở Mađrắc. Rất tiếc, cây đã lên được hơn 1m thì bị bò ăn sạch. Lúc này cây vẫn non, chưa có gai. Rút kinh nghiệm, lần này anh đã cho trồng tiếp tô mộc xung quanh vườn mắc ca rộng 30ha trong khu công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông nhưng không cho bò vào. Đó sẽ là một hàng rào vững chắc.
Cty Vinamăcca Điện Biên (ở tỉnh Điện Biên) cũng đã lấy giống về và ươm được hàng vạn cây tô mộc để chuẩn bị đưa ra trồng quanh các khu vườn của họ.
“Vua bơ” Trịnh Mười cũng đã hình thành thêm một vườn ươm mới để làm cây tô mộc cung cấp cho bà con trong vùng…
Tô mộc là cây thuộc họ Vang, trong bộ Đậu. Đó là loại thân gỗ, mọc lưu niên, có khả năng phân cành mạnh nếu cắt, tỉa. Gỗ tô mộc lại là một vị thuốc quý. Nó có vị mặn, ngọt, tính bình, vào tâm, can, tỳ có tác dụng hoạt huyết, chữa đau bụng cho phụ nữ khi hành kinh, chữa kiết lỵ hoặc đi ngoài. Thời đánh Mỹ, ở ngoài Bắc chỉ có viên tô mộc để chữa đi rửa. Ai bị đi rửa đều uống tô mộc là khỏi. Hiện nay, ở nhiều vùng trên Tây Bắc, bà con người Mông vẫn đưa tô mộc vào pha lẫn với chè để đảm bảo chắc bụng…
Tô mộc còn là một loại nguyên liệu để tạo màu cho nước giải khát. Khi ta đưa các mảnh gỗ tô mộc vào nước, nó sẽ cho ta màu tím như pha bằng thuốc tím. Loại nước đó vừa có màu đẹp mà đồng thời còn là một vị thuốc. Rất tiếc, chưa ai nghĩ tới việc sản xuất loại nước uống bằng tô mộc. Chắc chắn nó sẽ hơn xa các loại nước được pha màu bằng hóa chất…
Tô mộc có hoa rất đẹp, mọc thành chùm, có cánh màu vàng tươi. Nó là nguồn cung cấp phấn hoa rất tốt cho ong. Cây lại có nốt sần ở rễ nên góp phần cải tạo đất…
Như vậy, hàng rào tô mộc vừa đẹp, vừa vững chắc lại vừa cho ta có thể thu nhập từ hoa và từ gỗ. Vậy, sao bà con ta không trồng?! Xung quanh tất cả các vườn cà phê (và cả các vườn trồng các loại cây có giá trị cao khác) ta nên trồng tô mộc. Có thể trồng nó ngay từ hạt hoặc trồng cây con được ươm trong bầu. Nó dễ trồng, dễ sống và không kén đất.
Bà con ở Tây Nguyên có thể liên hệ với anh Trịnh Mười (ĐT: 0905.949.910) hoặc anh Hoàng Tùng (ĐT: 0989.089.685) để hiểu thêm và lấy giống. Còn ở Tây Bắc thì xin liên hệ với anh Nhì (ĐT: 0949.858.989) để lấy cây.
Hy vọng, tô mộc sẽ thành loại cây làm hàng rào tốt nhất cho bà con.