Chiều 17/9, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữ Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tại buổi lễ, 5 doanh nghiệp, với tổng cộng 6 container (trọng lượng hơn 100 tấn) đã đưa những lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc. Việc này đánh dấu thời điểm lịch sử của ngành sầu riêng nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Chiến, Thành viên HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc đã đại diện cho những người nông dân trồng sầu riêng trên cả nước phát biểu trong ngày trọng đại này.
Ông Chiến cho biết, gia đình và HTX được cấp mã vùng trồng với diện tích 30ha, sản lượng khoảng 450 tấn.
Những năm qua, người nông dân luôn nơm nớp, lo lắng, trăn trở “Không biết năm nay giá sầu riêng như thế nào?”. Đặc biệt năm ngoái, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội gây rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân như: việc đi lại chăm sóc vườn cây, thương lái đến vườn thu mua khó, người thử gõ miền Tây lên không được, lưu thông hàng hóa ách tắc…
“Người nông dân lo nhiều lắm, có lúc suy nghĩ phải bán tháo vườn mong lấy lại vốn. Rất may, UBND tỉnh, huyện đã quan tâm tìm mọi cách để giải quyết khó khăn cho bà con nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, Nhờ đó, vụ sầu riêng năm 2021 mặc dù giá không cao nhưng vẫn tiêu thụ hết.
Thật sự rất mừng. Hôm nay, những lô sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất của chúng ta. Chắc chắn giá sẽ ổn định, thu nhập người nông dân sẽ tăng cao”, ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Chiến, là người nông dân trong cơ chế thị trường, ông cũng tìm hiểu và nhận thức rất rõ cơ hội mở ra lớn, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, yêu cầu của nước nhập khẩu vô cùng khắt khe, đòi hỏi mỗi người nông dân phải tuân thủ tuyệt đối.
“Riêng tôi, tôi nhận thức và tuân thủ nghiêm ngặt, giữ kỹ và coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý của gia đình. Đồng thời cùng các thành viên HTX, bà con nông dân hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng, giám sát cộng đồng mã vùng trồng tại địa phương”, ông Chiến nói và mong muốn bà con nông dân tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng các quy định của Nghị định thư đã ký kết để đưa quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
“Việc này để tránh trường hợp phía nước bạn kiểm tra hàng không đảm bảo yêu cầu và trả ngược lại. Nếu sầu riêng bị trả về, không chỉ mất mát của người nông dân mà đây là uy tín, thương hiệu sầu riêng Krông Pắc, của tỉnh Đắk Lắk và của Quốc gia”, người nông dân này nhấn mạnh.
Do đó, nhân dịp xuất khẩu, ông Chiến đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ người dân xây dựng và cấp thêm mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Các ngành thường xuyên, liên tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật canh tác, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để nhà nào, vườn nào cũng được xuất khẩu chính ngạch.