"Nếu để gia súc ngoài nắng, chúng có thể bị nấu chín chỉ sau vài giờ", Tim Wilson, một nông dân ở vùng Tây Nam Phoenix, bang Arizona, Mỹ cho biết khi đang sử dụng vòi phun nước để làm mát 300 con lợn trong trang trại nuôi cùng người anh tên Beth.
Giống nhiều nơi khác trên thế giới, Arizona đang phải đương đầu với sự thay đổi khắc nghiệt của khí hậu. Từ năm 1901 đến 2016, nhiệt độ trung bình của vùng tăng 0,9 độ C, thậm chí tại những nơi nóng nhất tăng hơn 1,6 độ C. Tại nhiều địa hạt ở Arizona, người dân phải vật lộn với một trong những mùa hè nóng bậc nhất từng được ghi nhận. Những nông dân chăn nuôi tại đây buộc phải tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu, thông qua những công nghệ như lai tạo, biến đổi gen, sử dụng những hệ thống làm mát đặc biệt, hoặc đơn giản nhất là nhập những giống mới từ nơi khác có sức chịu hạn, chịu nhiệt tốt.
Một trong những giống như thế đã được Dave Jordan nhập và gây đàn lên tới 10.000 con ở phía Bắc Phoenix. Giống gà này có tên Cornish Cross, có khả năng phát triển nhanh tới mức bộ lông không phát triển theo kịp. Đặc điểm dễ nhận của giống gà này có nhiều phần da đỏ ứng không có lông, thường được người dân trong vùng gọi đùa là "gà hói". Chính nhờ bộ lông gần tương đồng với đà điểu châu Phi này mà giống gà này có thể giải nhiệt rất nhanh. Jordan chỉ cần sử dụng hệ thống làm mát bằng quạt và hơi nước công suất lớn, đồng thời dồn gà về hướng Tây Nam là đủ để chúng chống chọi được với cái nóng hơn 40 độ C.
Tương tự Jordan, nông dân Sue Kennedy, sống tại độ cao 1.800m so với mực nước biển, tại vùng Lamoille, Nevada, đã thử nghiệm thành công giống gà có tên Freedom Rangers. Trước khi gây đàn này, bà từng thử qua Cornish Cross nhưng không đạt hiệu quả. "Chúng có vẻ gặp vấn đề về độ cao. Khi nuôi thử, khoảng 50% con non gặp vấn đề về sinh trưởng, thậm chí tử vong. Hơn nữa, nhiệt độ tại đây cũng mát hơn đáng kể so với những vùng thấp", bà nói.
Để giải quyết vấn đề, Kennedy lựa chọn một giống gà ưa mát hơn. Thay vì sử dụng hệ thống phun sương như Jordan, bà sử dụng luôn hệ thống tưới cỏ và phun theo hướng gió để làm mát. Ngoài ra, những chuồng gà của Kennedy được nuôi gần đồng cỏ, giúp không khí giàu oxy hơn. Dù vậy, theo Tami Brown-Brandl, một kỹ sư nông nghiệp tại Đại học Nebraska – Lincoln, việc nuôi nhốt động vật vẫn khiến chúng phát triển chậm hơn so với đồng loại, ngay cả khi có sức chống chọi cao. "Giống như con người, động vật dễ nóng nảy và không muốn ăn nhiều dưới cái nóng", anh nhấn mạnh.
Chăn nuôi chiếm một phần ba doanh thu nông nghiệp của vùng Tây Nam nước Mỹ, gồm các bang Arizona, New Mexico, Utah, Nevada và California. Khoảng chục năm trước, những nghiên cứu tại khu vực Tây Nam chỉ ra, gia cầm uống nước nhiều hơn gấp hai, thậm chí gấp bốn lần bình thường dưới nắng nóng.
Với những gia súc như lợn, loài không thể đổ mồ hôi, chúng bắt đầu cảm thấy "căng thẳng" ở nhiệt độ 21 độ C, trong khi vùng Phoenix luôn đạt ngưỡng trên 37 độ C vào những ngày hè. Tỷ lệ sinh sản đi xuống cộng với tỷ lệ tử vong gia tăng đặt nông dân tại đây trước nhiều thách thức.
Khác với lợn và gà, bò không thể nuôi trong điều kiện khép kín. Yêu cầu chọn giống và phát triển những đặc tính ưu việt để thích nghi với nắng nóng là yêu cầu bắt buộc đầu tiên của những nông dân Mỹ. "Nếu tăng thêm một giờ nuôi nhốt mỗi ngày, sức khỏe của chúng có thể giảm đến 20%", một chuyên gia chăn nuôi khẳng định. Chính bởi vậy, song song với giống bò vừa được lai tạo từ trang trại của Vinson, ngành Khuyến nông Mỹ còn thúc đẩy một giống bò có tên Raramuri Criollo để đa dạng hóa lựa chọn.
Một trong những cứu cánh cho ngành chăn nuôi đại gia súc tại Phoenix bắt nguồn từ ý tưởng tiếp tục cách nuôi theo kiểu chăn thả, nhưng dưới những điều kiện môi trường được kiểm soát. Tim Petersen, một đối tác tại Arizona, hiện chăn thả gia súc trên cánh động rộng hơn 80.000 hecta vừa lai tạo thành công một giống bò có sức chịu nóng và chịu hạn gấp bốn lần mức bình thường.
Gregg Vinson, một người nuôi gia súc ở sa mạc Sonoran & Chihuahuan, cũng phát triển thành công đàn gia súc lên đến vài nghìn con, sau khi chắt lọc và kết hợp nhiều giống có khả năng thích nghi với điều kiện khô hạn.
Tháng 10/2020, khi đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tới thực chứng hai đàn này, họ ấn tượng với khả năng thích khi với nắng nóng và môi trường sống theo kiểu sa mạc hóa của chúng. "Những con bò của tôi vẫn rất tuyệt. Chúng vẫn tung tăng ngoài trời, nếu nhiệt độ không quá cao để đi tìm những đầm lầy để có thể đằm mình", Vinson hồ hởi nói.
Để so sánh, Vinson dẫn nhóm chuyên gia tới một hàng xóm, người đang nuôi giống bò phổ biến nhất nhì nước Mỹ, có tên Angus. "Nếu chăn thả chúng như ở trang trại của tôi thì thế nào", Vinson hỏi dò. - "Chắc chắn là sớm bị cho vào nồi", người này đáp.
Raramuri Criollo, vốn theo chân những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tới Bắc Mỹ được hơn 500 năm. Chúng được Sheri Spiegal, chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi của USDA khuyến cáo nông dân sử dụng, trong điều kiện chưa tìm ra những giống hoàn hảo. "Tôi đã đi khắp các bang ở vùng Tây Nam để sưu tầm các bộ gen chống chịu nhiệt. Trong số những loài hiện có, Criollo thể hiện khả năng thích ứng tuyệt vời. Trong khi những loài khác phải trốn vào bóng râm để nhai lại, chúng vẫn có thể thong dong ra ngoài kiếm ăn", Spiegal bày tỏ.
Ngoài các biện pháp như sử dụng hệ thống làm mát hiện đại, Spiegal khuyên nông dân cho gia súc, gia cầm uống nước có pha chất điện giải trong những ngày nắng cao độ. Bên cạnh đó, ông đề nghị những trang trại nhỏ và vừa trồng cỏ, cây xanh nhiều hết mức có thể quanh khu vực chuồng trại.