| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Mỹ vật lộn với quyền sửa máy kéo

Thứ Sáu 23/02/2018 , 11:05 (GMT+7)

Những ngày có thể sửa chữa máy kéo tại nhà riêng sắp kết thúc do sự thắt chặt về quyền sở hữu trí tuệ, khiến nông dân Mỹ buộc phải trả các khoản tiền lớn để sửa máy.

Mua máy, không mua quyền sửa

Khi Tom Schwarz, nông dân bang miền trung Nebraska mua một chiếc máy kéo, ông đã không nghĩ rằng mình buộc phải trả tiền khi sửa chữa cho Tập đoàn John Deere, người giữ quyền sở hữu trí tuệ của chiếc máy. “Bạn trả tiền để mua một máy kéo, song không thực sự là mua nó, bởi toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn nằm trong tay họ. Bạn chỉ mua quyền sử dụng máy khi nó đang còn hoạt động”, ông Schwartz nói với nhà báo công nghệ Jason Koebler của tờ ABC.net.au.

17-37-25_my-keo
Nông dân Mỹ đang quan sát một đầu máy kéo hiện đại

Nông dân và các thợ sửa máy kéo độc lập trên khắp nước Mỹ giờ đang trong chiến dịch đòi quyền sửa chữa máy của họ.

Trước kia, ông Schwartz thường mua các linh kiện đã qua sử dụng, sau đó lắp vào máy khi hỏng. Song giờ đây, ông buộc phải gọi cho nhà phân phối vì các phần mềm gắn trong máy không cho ông làm vậy. “Như ngày xưa, chúng tôi sẽ tự lắp các linh kiện vào máy. Bởi vì nông dân không muốn chi quá nhiều vào máy móc nên chúng tôi sẽ mua những linh kiện nào mình có thể, như thế tiết kiệm hơn”, Schwartz kể.

Với sự can thiệp của công nghệ và ràng buộc về luật pháp, Schwartz cũng như các nông dân khác sẽ không thể lắp ráp linh kiện thay thế khi máy hỏng, đồng nghĩa việc họ không có máy để canh tác. “Chính xác là bạn phải đưa máy kéo cho nhà phân phối Deere để họ làm mọi thứ, hoặc chiếc máy mà bạn đã mua sẽ không thể hoạt động sau khi gặp trục trặc”, Schwartz giải thích.
 

Chiêu lách luật của nông dân Mỹ

Ở Nebraska, một đạo luật “sửa chữa công bằng” đang được đề xuất, cho phép nông dân có quyền tự sửa máy kéo. Nếu được thông qua, Đạo luật Quyền được Sửa chữa, sẽ buộc các công ty phải tiết lộ phần mềm phân tích, hoạt động máy, và bán phần mềm cho nông dân.

Nhà báo Jason Koebler nói với kênh ABC rằng các nông dân Mỹ hiện sử dụng phần mềm tải từ Ukraine để tránh rắc rối với nhà phân phối. “Nông dân đang thực hiện hành động kiểu tin tặc với chính máy móc của mình. Tại những nơi như Ukraine hay Đông Âu, phần mềm được bán cho nông dân mà không cần mã khóa, trong khi một số nước như Mỹ lại không cho phép điều này”, Koebler cho biết.

“Thế nên điều mà người Ukraine đang làm là tải những phiên bản cập nhật của phần mềm lên mạng Internet, không tính phí, còn nông dân ở bang Nebraska, Mỹ, thì dùng nó để xâm nhập chính máy kéo mà mình đã mua”.

Nhà báo này giải thích rằng thông qua phần mềm từ Ukraine, các nông dân Mỹ về cơ bản có thể tiếp cận với cùng một dạng công nghệ mà Tập đoàn John Deere đang dùng để sửa chữa máy móc.

17-37-25_my-keo2
Đầu máy kéo theo dàn lưỡi cày trên một cánh đồng ở Mỹ

Song điều này cũng khiến nông dân Mỹ đối mặt nguy cơ tự phá vỡ quyền được bảo hành. Tập đoàn John Deere từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, và đưa khuyến cáo các phần mềm mã nhúng trái phép có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy, hủy hoại môi trường, làm máy vận hành không chính xác. “Các nhà sản xuất đã đầu tư vào những mã nhúng phần mềm để đảm bảo rằng máy vận hành ổn định. Các phần mềm trái phép của những cá nhân chưa qua huấn luyện có thể gây hại cho máy”, thông cáo của tập đoàn này nhấn mạnh.
 

Gánh nặng chi phí

Câu chuyện ở Mỹ thu hút sự chú ý của người Australia. “Cũng giống như iPhone. Hãng Apple không bán linh kiện cho chiếc điện thoại mà chúng ta đã mua”, nhà báo Koebler nói. Ông cũng tiết lộ rằng bên cạnh các công ty sản xuất, kinh doanh máy móc, các tập đoàn khác như hãng Microsoft cũng quan tâm đến sự việc ở Nebraska.

“Các công ty đang theo trào lưu mới này, điều đó có nghĩa họ bán cho chúng ta thứ gì đó, và cuối cùng chúng ta phải đến một trung tâm bảo hành để sửa chữa”, Koebler dự đoán. Nhà báo này chung nhận định với nông dân ở Nebraska rằng khách chỉ có thể mua hàng, sử dụng khi hàng còn “sống”. Nếu hàng hóa họ mua bất chợt “đau ốm”, họ sẽ phải đến hãng, dù theo cách truyền thống, không nhất thiết mọi việc phải diễn ra theo chiều hướng đó.

Người Australia có lý do để lo ngại, bởi phần lớn ô tô nước này nhập từ châu Âu và Mỹ. Cơ quan kiểm soát xe cộ Australia, cho biết họ đã phát hiện nhiều nhà sản xuất giữ kín thông tin kỹ thuật. Australia có thể sẽ yêu cầu các nhà sản xuất này chia sẻ thông tin với những đơn vị sản xuất linh kiện độc lập, để tiện cho việc sửa chữa của người dân.

Nông dân Australia cũng đang theo dõi chặt chẽ câu chuyện bên kia bờ đại dương. Paul Green, nông dân miền tây Australia, cho biết ông và mọi người xung quanh thường tự sửa máy móc của mình. Nếu nông dân Mỹ không thể có được đạo luật cho phép tự sửa máy, điều này sẽ gây tác hại to lớn hơn ở Australia, theo Green. “Australia không có cơ hội về những loại máy móc mà chúng ta đã sở hữu. Chúng ta chỉ có máy do Mỹ và châu Âu sản xuất. Có lẽ do thị trường Australia quá nhỏ”, Green bình luận.

Nông dân này cho rằng khi đã mua máy, thì chiếc máy phải thuộc sở hữu của người mua, theo cách hiểu truyền thống, thay vì lâm vào tình trạng “các công ty lớn bảo rằng đó không phải máy của khách hàng”. Ông Green nhấn mạnh rằng người mua có quyền sở hữu, sửa chữa với chính chiếc máy của họ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất