Nông dân thu tiền tỷ giờ không khó
Xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) là 1 trong 15 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Ninh Thuận với diện tích tự nhiên gần 13 nghìn ha, trên 12 nghìn người. Những năm qua, địa phương không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng Nông thôn mới (NTM). Theo đó, địa phương đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Đồng thời phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc nghiệm thu, vận hành hệ thống thuỷ lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Địa phương này cũng tổ chức phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế được người dân, doanh nghiệp triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình trồng cỏ nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Lê Thanh Tâm (thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn).
Theo đó, khi hệ thống kênh mương được đầu tư, nguồn nước tưới được đảm bảo, gia đình ông Tâm đã mở rộng đồng cỏ lên hơn 20ha để tạo nguồn thức ăn liên tục cho đàn bò trên 400 con. Cùng với việc phát triển đồng cỏ, chăn nuôi bò vỗ béo, gia đình ông Tâm đầu tư xây dựng khu giết mổ để cung ứng sản phẩm thịt bò ra thị trường. Việc phát triển mô hình kinh tế này giúp gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng như ông Tâm, kinh tế của gia đình ông Ngô Văn Bảo (thôn Phú Thuận) những năm gần đây được đảm bảo nhờ chuyển đổi cây trồng. Theo đó, trước đây, ông Bảo gắn bó với nghề trồng cây thuốc lá và sau đó chuyển qua nuôi dê, cừu. Để đưa kinh tế phát triển hơn nữa, nông dân này tiếp tục chuyển đổi mô hình qua trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao. Ông thổ lộ: “Ban đầu gia đình chuyển đổi trên diện tích 0,4ha vườn. Về sau mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định nên gia đình mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi trên diện tích 1ha”.
Theo ông Ngô Văn Bảo, dưa lưới được trồng trong giá thể ở nhà kính công nghệ cao và kết hợp mô hình tưới nhỏ giọt Israel nên cây sinh trưởng tốt, năng suất cao. Với mô hình kinh tế này, dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát hiệu quả. Hiện nay, với 1ha nhà kính công nghệ cao, mỗi năm gia đình ông Bảo trồng được 3 vụ dưa lưới và cung ứng ra thị trường trung bình 70 tấn dưa/năm.
“Sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nên không lo về đầu ra. Với giá bán hiện nay, một năm gia đình thu về trên 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, 1ha cho lãi cả tỷ đồng”, nông dân Ngô Văn Bảo thổ lộ.
Cũng theo ông Bảo, tại địa phương, các hệ thống thuỷ lợi, điện, đường… được địa phương quan tâm xây dựng nên việc xây dựng các mô hình kinh tế của người dân trở nên thuận lợi, đặc biệt là phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Hơn nữa, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Tạo liên kết chuỗi
Theo UBND xã Mỹ Sơn, trong quá trình xây dựng NTM, địa phương từng gặp nhiều khó khăn như địa hình quản lý chia cắt, cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi… chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống. Đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Cùng với đó là nhận thức của một số người dân về NTM còn hạn chế.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp không đảm bảo nguồn nước tưới nên nông dân còn bỏ hoang hóa nhiều và việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Dù vậy, với nỗ lực không ngừng, địa phương đã tập trung xây dựng NTM và đạt kết quả cao.
Trong giai đoạn 2016-2021, toàn xã đã huy động hơn 26 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên 3,7 tỷ đồng. Đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Theo đó, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và kênh mương đã được cứng hóa với tỷ lệ đạt trên 85%. Hệ thống điện cũng được đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Hiện nay, các công trình phúc lợi tại Mỹ Sơn cũng đã được đầu tư, điều này góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong lĩnh vực sản xuất, chính quyền địa phương đã tập trung vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, xây dựng các mô hình có giá trị kinh tế cao.
Theo UBND xã Mỹ Sơn, sau nhiều năm nỗ lực, đến năm 2022 xã Mỹ Sơn chính thức đạt chuẩn xã NTM. Trong năm 2023, chính quyền xã Mỹ Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, xã Mỹ Sơn đặt ra mục tiêu xây dựng NTM bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tập trung vào cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý để phát triển nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị hàng hoá, tạo liên kết chuỗi...
“Chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM đã đạt. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để triển khai đồng bộ Chương trình NTM trên tất cả các thôn của xã, trong đó ưu tiên cho 2 thôn đặc biệt khó khăn như Mỹ Hiệp, Nha Húi”, ông Phạm Đức Hạnh, cán bộ phụ trách Chương trình NTM xã Mỹ Sơn thông tin và cho biết thêm, địa phương xác định sản xuất nông nghiệp là lợi thế và tập trung vào xây dựng liên kết với các doanh nghiệp để phát triển ổn định. Cùng với đó là ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh các mô hình cây trồng, vật nuôi chủ lực hiệu quả.
Để đạt được những kết quả trên, chính quyền xã Mỹ Sơn đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân sử dụng, canh tác những diện tích còn bỏ hoang trong vùng quy hoạch hưởng lợi từ hệ thống thuỷ lợi kênh Cho Mo, Tân Mỹ.
Cùng với đó là thực hiện kế hoạch liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đầu tư, chuyển đổi cây trồng. Địa phương cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn để giải quyết nhu cầu việc làm. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân dạy nghề cho lao động. Đồng thời thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo và hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế.
Ông Phạm Đức Hạnh, cán bộ phụ trách Chương trình NTM xã Mỹ Sơn cho hay, địa phương đã vận động, tuyên truyền người dân cùng với chính quyền trong việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm, xây dựng các liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như dưa lưới, táo… Hiệu quả bước đầu của cuộc xây dựng nông thôn mới là thu nhập của người dân được ổn định. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đạt 44,5 triệu đồng/ngừơi/năm”.